KHỔ VÀ DIỆT KHỔ

 

Một thời, Thế Tôn trú tại Sàvatthi, dạy các Tỷ kheo:

“Này các Tỷ kheo, Ta sẽ giảng sự tập khởi và sự đoạn diệt của khổ. Hãy nghe…Và này các Tỷ kheo, thế nào là khổ tập khởi? Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội nên xúc khởi. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Này các Tỷ kheo, đây là khổ tập khởi. Do duyên tai và các tiếng... Do duyên mũi và các hương... Do duyên lưỡi và các vị... Do duyên thân và các xúc... Do duyên ý và các pháp, ý thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái.

Này các Tỷ kheo, đây là khổ tập khởi. Và này các Tỷ kheo, thế nào là khổ đoạn diệt?

Do duyên con mắt và các sắc, nhãn thức khởi lên. Do ba cái tụ hội, nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ. Do duyên thọ nên có ái. Do ly tham, đoạn diệt ái ấy một cách hoàn toàn nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ kheo, đây là khổ đoạn diệt. Do duyên lỗ tai và các tiếng,... Do duyên mũi và các hương,... Do duyên lưỡi và các vị,... Do duyên thân và các xúc,... Do duyên ý và các pháp,… đều đoạn diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này. Này các Tỷ kheo, đây là khổ đoạn diệt.”

 

Lời bàn:

Khổ đau của chúng sanh thì vô cùng tận. Nhưng nếu lắng lòng quán sát vấn đề thì sẽ dễ dàng nhận thấy đau khổ xuất phát từ bên trong ta, chứ không phải do bên ngoài tác động vào. Khi mắt thấy sắc, nhận biết đẹp, nhìn hoài không chán, sanh tâm yêu thích, mong muốn chiếm hữu... và khổ phát sanh. Con mắt hay sắc đẹp vốn không đưa đến khổ nhưng vì sanh tâm ưa thích (ái) nên mới khổ. Nguyên nhân chủ yếu của khổ là do tham ái chứ không phải do hoàn cảnh bên ngoài. Xác định nguyên nhân cốt tủy của khổ đau do tham ái là một nhận thức quan trọng. Có nhiều cách tu để đoạn trừ tham ái nhưng căn bản nhất là thiết lập chánh niệm khi căn tiếp xúc với trần. Sáu giác quan của chúng ta luôn tiếp xúc với sáu trần cảnh. Nhưng sự có mặt kịp thời của chánh niệm sẽ thức tỉnh chúng ta dừng lại, không chạy theo, không tham ái và không nắm bắt nên ta được bình an.

 

Tham ái diệt thì sầu bi khổ ưu não diệt. Đây là sự thật được chứng nghiệm một cách rõ ràng trong quá trình tu tập. Chánh niệm càng cao độ bao nhiêu thì sẽ làm chủ thân tâm chặt chẽ bấy nhiêu. Do vậy, đối diện với khổ đau, người con Phật không than thân trách phận mà phải thực hành chánh niệm và nỗ lực chuyển hóa. Khổ đau do duyên sanh thì cũng do duyên diệt. Vấn đề là không sợ khổ, chỉ sợ không thực hành pháp để diệt khổ mà thôi.