3 hạng vãng sinh 

Cùng suy nghĩ về vãng sinh Thượng Phẩm

 

Này A Nan! Chư Thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sinh về cõi ấy có ba hạng: Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm Sa Môn, phát tâm Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà, làm các công đức, nguyện sinh về cõi đó. Những chúng sanh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng Thánh chúng hiện đến trước mặt, liền theo đức Phật sinh về cõi đó, tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bảy báu, trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại.


Này A Nan! Nếu có chúng sinh muốn hiện đời thấy Phật A Di Đà, phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề. Phải luôn nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc, nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng. Do thấy được Phật, nên khi sinh về nước đó được bậc Bất thối chuyển cho đến quả Vô Thượng Bồ Đề.


Giảng:


Trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 24 Ba Bậc Vãng Sinh và phẩm 25 Chánh Nhân Vãng Sinh, đều rất quan trọng và thiết yếu. Đức Phật đã vì chúng ta nói rõ phương pháp vãng sinh. Toàn bộ kinh Vô Lượng Thọ, luôn luôn đánh thức mọi người. Hai phẩm này chuyên nói về nhân tu hành để được vãng sinh, tức là Tín – Nguyện trì danh hiệu Phật.

Trong phẩm 24 nói về Ba Bậc Vãng Sinh. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói tường tận hơn, trình bày chín phẩm rõ ràng. Cho nên, người xưa có câu “ba bậc, chín phẩm”, nghĩa là đem kinh Vô Lượng Thọ cùng kinh Quán Vô Lượng Thọ dung hợp lại. Phàm phu sau khi nghe danh hiệu Phật liền phát tâm. Do Tín – Nguyện có sâu cạn nên phát tâm có lớn hay nhỏ, trì tụng nhiều hay ít, tu tập có siêng lười nhiều nỗi sai khác. Túc căn của chúng sinh có vô lượng sai biệt; phước đức nhân duyên lại càng sai khác hơn. Người người khác nhau, kẻ kẻ chẳng đồng. Do đó, đã có vô lượng chúng sinh trong mười phương vãng sinh thì phẩm loại của họ cũng phải vô lượng.


Phẩm kinh này đặc biệt chuyên nói việc tu hành, nên phải rất chú ý.


Phật bảo A Nan: “Chư thiên, nhân dân ở mười phương thế giới chí tâm nguyện sinh về cõi ấy có ba hạng”. Đoạn này là lời nói chung. “Chư Thiên, nhân dân ở mười phương thế giới” đã bao gồm chúng ta. Tất cả cõi nước chư Phật khắp hư không pháp giới đều chẳng bỏ sót nơi nào. Chỗ này giúp chúng ta thấy rõ nguyện lực rộng lớn của đức Phật A Di Đà, thần thông đạo lực thật chẳng thể nghĩ bàn. Ngài chẳng phải chỉ độ một đại thiên thế giới, trăm ngàn đại thiên thế giới, mà chính là rộng độ khắp tất cả. Thế nên, chư Phật đều ca ngợi Ngài là “vua trong các đức Phật, bậc ánh sáng tôn quý”.


Người tu khi cơ duyên thành thục thì có được “chí tâm” hay còn gọi là “chân tâm”, là đầy đủ lòng tin, hễ đầy đủ lòng tin thì phát nguyện sinh về Cực Lạc. Đại sư Ngẫu Ích từng nói: “Được vãng sinh hay chăng, quyết định ở nơi Tín – Nguyện có hay không?”. Nếu lòng tin chân thật, phát nguyện tha thiết thì chắc chắn được vãng sinh. Tùy theo công phu tu hành mà chia làm ba hạng, đây là nói bao quát. Nếu chi tiết hơn, gọi là chín phẩm. Thật ra, thế giới Cực Lạc đều bình đẳng.


“Bậc thượng phẩm là những người xuất gia, lìa tham dục làm Sa Môn”. Có người đọc đoạn kinh này cho rằng: cư sĩ tại gia chẳng thể sinh về Thượng phẩm, chỉ có người xuất gia mới làm được. Tuy nhiên, muôn ngàn lần quý vị đừng quên rằng, mở đầu bộ kinh này, đức Phật nói: “Lại có mười sáu vị Bồ Tát tại gia cùng tham dự pháp hội, tất cả đều vãng sinh Thượng phẩm”.Như thế, người tại gia vãng sinh Thượng phẩm rất nhiều. 

Trong Phật giáo Đại thừa, chữ nhà (gia) có nhiều nghĩa. Thông thường, mọi người hiểu rằng đó là người có tài sản, nhà cửa, gia đình, thân nhân, quyến thuộc. Đây gọi là gia trạch, nhưng còn có nghĩa khác quan trọng hơn.


Phiền não vốn là nhà, vì chúng sinh luôn sống trong phiền não. Tam giới là nhà sinh tử. Như vậy, ra khỏi hai nhà này mới thật quan trọng. Ra khỏi (xuất) cũng có bốn nghĩa:


1) Thân xuất gia, tâm chưa xuất gia: Người này thân tướng xuất gia, nhưng nơi tâm vẫn ham muốn danh tiếng, lợi dưỡng, năm dục, sáu trần.


2) Tâm xuất gia, thân chẳng xuất: Bồ Tát tại gia, như 16 vị Bồ Tát tại gia cùng tham dự pháp hội nói kinh Vô Lượng Thọ này.


3) Thân tâm đều xuất gia: Người này là đệ tử xuất gia chân chánh, hoằng pháp lợi sinh.


4) Thân tâm đều chẳng xuất: Chẳng phải chỉ người thường mà chính là hàng Cư sĩ tại gia, thân và tâm đều chẳng muốn vượt thoát, như vậy chẳng có phần nơi phẩm Thượng.


Nếu thân chẳng xuất gia, tâm xuất gia thì vẫn được dự phần. Ví như trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, phu nhân Vi Đề Hy là phụ nữ tại gia lại chứng đắc Pháp nhãn ngay trong hiện đời, Thượng phẩm vãng sinh; đủ chứng tỏ người vãng sinh bậc Thượng chẳng hạn cuộc trong hàng xuất gia, cũng như chứng tỏ diệu pháp Tịnh tông phá tan mọi quy cách, viên đốn tột cùng, chẳng thể nghĩ bàn.


“Lìa tham dục”. Dục là năm sự ham muốn (tiền tài, sắc đẹp, danh lợi, ăn uống, ngủ nghỉ), là sáu trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp). Chẳng còn tham luyến chúng nữa, tất cả đều buông bỏ, đây gọi là xuất tam giới gia (ra khỏi nhà tam giới) và xuất phiền não gia (ra khỏi nhà sinh tử luân hồi).


“Làm Sa Môn”. Sa Môn vốn là cách xưng hô của người tu đạo thuở xưa ở Ấn Độ. Khi Phật giáo truyền sang Trung Quốc, nó trở thành cách gọi chuyên xưng cho người xuất gia. Thế nhưng, kinh này Phật nói tại Ấn Độ nên chẳng thể dùng nghĩa của Trung Quốc. Vậy Sa Môn tức là người tu đạo, ý nghĩa: “Siêng tu giới – định – tuệ; hay diệt tham – sân – si”, bao gồm cả hàng xuất gia và tại gia. Tuy nhiên, bậc vãng sinh Thượng phẩm tâm địa phải thanh tịnh, đối với pháp thế gian buông xả tất cả.


Về cương lĩnh tu hành, chủ yếu ở hai câu: “Phát tâm Bồ Đề, chuyên tâm niệm Phật A Di Đà”. Trong kinh chỉ dạy rất dễ dàng, điều cần thiết nhất chính là “một hướng chuyên niệm Phật A Di Đà” chẳng bảo phải niệm một vị Phật, vị Bồ Tát nào khác.


Thế nào là phát tâm Bồ Đề? 


Bồ Đề là tiếng Phạn, nghĩa là giác ngộ. Phát tâm Bồ Đề chính là chân chánh giác ngộ, thật sự giác ngộ, cũng có thể gọi triệt để giác ngộ, giác ngộ tột cùng trọn vẹn. Người giác ngộ mới buông bỏ được muôn duyên, một lòng chuyên niệm, nếu chưa giác ngộ thì không thể buông bỏ và chuyên niệm được. Giác ngộ là thấu suốt, thấu rõ thế giới Ta Bà này, cõi Phật khắp mười phương cũng hiểu rõ, sự thù thắng trang nghiêm của thế giới Cực Lạc cũng thấu rõ. Người như vậy là người sáng suốt lựa chọn, lựa chọn không một chút sai lầm. Một đời nguyện sinh về Tây Phương, bất thoái thành Phật, đây chính là triệt ngộ cứu cánh viên mãn. Tôi nói lời này, người khác cho rằng tôi quá đáng. Thế nhưng, tôi khẳng định như thế, vì đây là sự thật. Tôi chỉ nói lời chân thật, quý vị hãy quan sát tỉ mỉ văn kinh, đó chính là lời đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã nói. Nếu bảo tôi nói lời thái quá tức là đã nói đức Phật Thích Ca và tất cả chư Phật cũng nói thái quá. Vì vậy, chúng ta nên biết, sự thật này là muôn ngàn lần chân thật, nếu chẳng tin nhận được thì thật rất đáng tiếc. Tin được pháp khó tin này chính là đại trí. Thuận theo tín tâm ấy phát khởi chí nguyện thành Phật độ sinh cùng chứng Tịnh độ; đó chính là tâm Bồ Đề.Kinh A Di Đà Yếu Giảinói: “Tin sâu, phát nguyện chính là Vô Thượng Bồ Đề”. Bởi vậy, người niệm Phật cần phải sớm mau sinh lòng Tín – Nguyệnvì đó chính là phát tâm Bồ Đề.
Trong Quán Niệm Pháp Môn, Đại sư Thiện Đạo giải thích câu: “Nhất hướng chuyên niệm” có ba nghĩa:


1) Chuyên lập hạnh niệm Phật, chỉ đề xướng một câu Phật hiệu, vào sâu một môn, chẳng xen tạp các pháp khác.


2) Chỉ lấy niệm Phật là chánh nghiệp. Để hỗ trợ chánh nghiệp này, nên tu các hạnh khác. Niệm Phật là chánh, các hạnh khác là phụ trợ. Chánh và trợ viên dung, cùng vào Di Đà Nhất thừa nguyện hải.


3) Niệm Phật là chánh, các hạnh là phụ, thứ tự phân minh. Lấy nhất hướng chuyên niệm là chủ yếu, chẳng bỏ tu các hạnh khác.


Tóm lại, trì danh niệm Phật chính là bản hoài của chư Phật, là phương tiện rốt ráo, là con đường tắt nhất trong các con đường tắt. Thế nên, pháp trì danh niệm Phật không những đã giản dị, ổn thỏa đến cùng cực mà còn là pháp viên đốn tột cùng, nên mười phương Như Lai cùng khen ngợi, ngàn kinh muôn luận cùng nêu. Các hành nhân thật phải nên mau phát tâm rộng lớn, một bề chuyên niệm Phật.


Kinh này lấy “phát tâm Bồ Đề, nhất hướng chuyên niệm làm tông. Hai điều trên chẳng tách rời được thì phát tâm Bồ Đề là Tín – Nguyện; nhất hướng chuyên niệm là Hạnh. Ba điều Tín – Nguyện – Hạnh chẳng thể thiếu một.


“Làm các công đức” ý nghĩa thật vô cùng rộng lớn. Trong kinh này chỉ dạy phải tu hành cách nào? Nói một cách đơn giản toát yếu là phải đọc tụng kinh điển Đại thừa. Nếu không đọc tụng kinh điển thì chẳng được. Mỗi ngày phải đọc tụng, phải hiểu rõ, tùy thời tùy chỗ khuyến tấn dẫn dắt người khác, tu bố thí pháp cho tất cả chúng sinh. Đây là công đức chân thật, đem công đức này hồi hướng nguyện sinh Tịnh độ.


“Những chúng sinh này khi mạng chung, đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện đến trước mặt”. Đây chính là đắc quả, được Phật đến tiếp dẫn. Trong khoảng thời gian rất ngắn, theo đức Phật về Cực Lạc, tự nhiên hóa sinh trong hoa sen bảy báu. Điều này là sinh về phẩm Thượng Thượngvừa đến thế giới Tây Phương, khoảnh khắc hoa nở liền thấy Phật. Kinh Xưng Tán Tịnh Độ Phật Nhiếp Thọ nói: “Lúc các thiện nam tử hoặc thiện nữ nhân ấy lâm chung thì Phật A Di Đà và vô lượng Thanh văn đệ tử của Ngài, các vị Bồ Tát cùng vây quanh trước sau, đến đứng trước mặt, từ bi gia hộ khiến cho người ấy tâm chẳng loạn. Đã xả mạng rồi, liền theo Phật sinh trong cõi Phật thanh tịnh thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà”.


Câu: “Từ bi gia hộ khiến người ấy tâm chẳng loạn” là tâm tủy, cốt tủy của Tịnh tông. Do sức Phật trợ giúp nên người ấy tâm mới được chẳng loạn. Khi đó, mười niệm liên tục liền được vãng sinh. Vì vậy, tông Tịnh độ được xưng tụng là quả giác, là tha lực pháp môn, là đạo dễ hành, là thuyền từ độ khắp muôn loài; những lời khen ngợi như vậy đều bắt nguồn từ câu ấy. Kinh nói: “Kẻ bậc Hạ lâm chung mộng thấy đức Phật ấy cũng được vãng sinh”, lại càng hiển thị rõ tha lực chẳng thể nghĩ bàn.


“Trí tuệ dũng mãnh, thần thông tự tại”. Điều này được sức Phật trợ giúp, cũng là công đức của mình tu trì thành thục. Như vậy, đức Phật đã đem việc tu nhân đắc quả vì chúng ta nói ra. Phần dưới, đức Phật vô cùng từ bi nhiều lần khuyên bảo.


“Này A Nan!” nghĩa là xem kỹ đoạn trước đã nói việc tu nhân đắc quả, lợi ích này rất thù thắng, không gì sánh bằng. Cho nên, đức Thế Tôn lặp đi lặp lại.


“Nếu có chúng sinh muốn hiện đời thấy Phật A Di Đà”, đây chỉ cho những người được Thượng phẩm Thượng sinh, trước khi vãng sinh, hiện đời đã thấy được Phật. Chúng ta xem trong Truyện Ký Tổ Sư, Đại sư Huệ Viễn là Sơ tổ của Tịnh tông, hiện đời Ngài thấy được Tây Phương Tịnh độ ba lần, nhưng im lặng không nói với ai. Khi lâm chung, Phật đến tiếp dẫn, Đại sư mới nói với hàng đệ tử rằng: “Ta ở Lô Sơn này, trong mười một năm đầu, ba lần thấy Thánh tướng cùng các kỳ tích. Nay lại có tướng lành như thế, tất duyên sinh Tịnh độ đã đến thời kỳ”. Vào thời của Đại sư Huệ Viễn, kinh Vô Lượng Thọvà kinh A Di Đà chưa được phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, nhưng Đại sư Huệ Viễn đã xây dựng đạo tràng tại Lô Sơn, việc niệm Phật lại không sai khác với kinh Vô Lượng Thọ. Cho nên người xưa gọi kinh này là Tịnh Tông Đệ Nhất.


Thuở xưa, Đại sư Huệ Viễn hiện đời thấy cảnh Tây Phương hoàn toàn tương đồng với kinh văn, như vậy quyết định không sai. Những người sinh về Thượng phẩm, cảnh giới thấy được ở trong định, hoặc trong mộng cũng nhất định phải tương ưng như trong kinh văn, đó mới là cảnh giới tốt. Nếu chẳng phù hợp với lời kinh nói, quyết định không phải là Tịnh độ chân chánh.


Mấy năm trước, tôi giảng kinh tại Hồng Kông, pháp sư Thường Hoài có đưa cho tôi xem một quyển sách nhỏ, trong đó nói có một vị Pháp sư nọ đến được thế giới Cực Lạc, sau khi trở về viết thành sách này để lưu hành khắp nơi. Pháp sư Thường Hoài xem xong nghi ngờ, bèn đưa tôi xem. Vị Pháp sư này đến thế giới Cực Lạc thấy toàn là đàn bà, đây là cảnh giả dối, hoàn toàn chẳng giống như kinh nói. Chúng ta nhất định ta phải biết rõ, quyết định phải phù hợp với kinh văn. Nếu thấy thế giới Cực Lạc, hình dáng mọi người cao thấp khác nhau, đó cũng là giả dối. Vì thế giới ấy là bình đẳng, mỗi người cùng với Phật đều tương đồng, ai ai cũng đều phóng ánh sáng, đây mới là cảnh giới Phật.


“Phải phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, luôn nhớ nghĩ cõi nước Cực Lạc”. Trước cần phát nguyện rộng lớn, sau đó chuyên nhất niệm Phật. Nhớ Phật, niệm Phật, hiện tại tương lai nhất định thấy Phật. Đây là chánh hạnh Tín – Nguyện niệm Phật, còn “nhóm chứa được căn lành nào nên đem hồi hướng” là trợ hạnh.


“Do thấy được Phật nên khi sinh về nước đó được bậc Bất thối chuyển, cho đến quả Vô Thượng Bồ Đề”. Đức Phật đã đặc biệt khuyên bảo, nếu chúng ta hiểu rõ tin nhận và làm theo lời Phật dạy, thì việc sinh về phẩm Thượng đều sẽ có phần, đừng nên tự nghĩ mình nghiệp chướng nặng nề mà cam chịu đọa lạc, cho rằng niệm Phật được sinh về phẩm Hạ Hạ cũng mãn nguyện rồi. Hiện tại, chúng ta phải nỗ lực cố gắng để khi đến Tây Phương được phẩm vị cao. Nên biết rằng, người sinh về phẩm Thượng ở thế giới Cực Lạc thành Phật rất nhanh chóng.

(Trích CHÁNH NHÂN VÃNG SINH
Pháp sư TỊNH KHÔNG giảng

Read more: http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=6742#ixzz2bkORR8xT