Năm Mươi Ấm Ma

 

H.T. Tuyên Hóa giảng
Phật Giáo Giảng Ðường San Francisco 1968

 

Phần sau rốt của kinh Lăng Nghiêm Ðức Phật nói rõ về những ma sự mà người tu gặp phải nhất là trong thời kỳ tà sư đầy dẫy nầy, cho nên kinh Lăng Nghiêm được ví như "kính chiếu yêu". Các yêu ma quỷ quái đều sợ nhất Kinh nầy, nên chúng tìm mọi cách hủy diệt kinh Lăng Nghiêm, tuyên bố kinh Lăng Nghiêm là giả, phỉ báng Chú Lăng Nghiêm, khiến cho người ta không tin, không nghiên cứu để rồi dễ lạc vào tà, làm quyến thuộc của chúng.
Yêu quái, ly mỵ, ma vương sợ nhất là Chú Lăng Nghiêm. Phật nói kinh Lăng Nghiêm là để hiển bày Chú Lăng Nghiêm. Chú Lăng Nghiêm liên quan mật thiết đến sự hưng suy của Phật giáo. Trên thế gian nếu có người trì tụng Chú Lăng Nghiêm thì Chánh pháp tồn tại, nếu không có người trì tụng chú Chú Lăng Nghiêm thì không còn Chánh Pháp; lúc ấy, ngũ đại ma quân ở năm phương mặc tình tác quái và đó là bắt sự biến mất của Phật Pháp. Hiện tại chùa, tu viện không trì Chú Lăng Nghiêm hay chỉ tụng phần cuối của Chú thôi, ấy chính là biểu hiện của Mạt Pháp. 
Mong các Phật tử phát tâm nghiên cứu Kinh Lăng Nghiêm để có được trí huệ chơn chánh, phát tâm trường trai, tránh ngũ vị tân mà trì tụng Chú Lăng Nghiêm hầu Phật Pháp được cửu trụ, chúng sanh được lợi lạc.

bdh.

 

 

Kinh Văn:
Lại nữa, khi người ấy tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung (emptiness), tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Lửa thiêu cũng không nóng, dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Cảnh giới này gọi là: "Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất". Ðó là cảnh giới tạm thời, không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là chứng Thánh liền rơi vào tà ma.


Giảng:
Lại nữa, khi tâm hoàn toàn nhập vào tánh hư dung. Khi tâm hòa nhập vào "không", nó tròn khắp nhưng hư dung. Nói nó có, cũng không phải là có, nói nó không có, nó cũng không phải là không có. Tứ chi bỗng nhiên đồng như cỏ cây, lửa thiêu dao cắt cũng không hay biết. Nếu ông lấy dao cắt hay lấy lửa đốt tay chân mình, sẽ không có một chút cảm giác nóng hay khó chịu nào cả. Lửa thiêu cũng không nóng. Khi ông có đốt thân, thân vẫn không thấy nóng. Dù bị lóc thịt cũng giống như chẻ cây. Nếu ông lóc thịt ra khỏi tay chân, thì cũng chỉ như bóc vỏ cây, chẳng thấy đau đớn gì cả.

Cảnh giới này gọi là: "Trần cảnh và tứ đại hòa lẫn thành một thể đồng nhất". Các trần tướng cùng hợp lại, và tánh đất, nước, gió, lửa hợp lại thành một thể. Tuy vậy, đó chỉ là cảnh giới tạm thời, một kinh nghiệm chợt có, không phải là cảnh giới vĩnh viễn, không phải là chứng Thánh. Ðừng nghĩ rằng ông đã chứng được quả vị Thánh.

Nếu không nghĩ mình chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt. Nếu nghĩ là mình chứng Thánh, trở nên tự mãn, đại ngã mạn, sanh tâm kiêu ngạo liền rơi vào tà ma, sẽ bị bọn tà ma tấn công và vây chặc.


Kinh Văn:
Lại nữa, khi người ấy tâm thành tựu tánh thanh tịnh, công phu tịnh tâm đã đến mức cùng tột. Bỗng dưng thấy núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại báu, ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy lâu đài tráng lệ. Dưới thấy địa ngục, trên xem thấy thiên cung mà không ngăn ngại. Cảnh giới này gọi là: "Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành." Ðó không phải là chứng Thánh quả. Không khởi tâm chứng Thánh gọi là cảnh giới tốt, nếu nghĩ mình chứng Thánh tức thì mắc vào tà ma.

Giảng:
Lại nữa, khi tâm thành tựu tính thanh tịnh, công phu tịnh tâm đến mức cùng tột. Chuyên chú tâm mình vào công phu tu đạo, thực hành pháp tu tam-muội (chánh định) đạt được trạng thái cực kỳ thanh tịnh. Lúc đó bỗng dưng thấy được núi, sông, đất liền khắp mười phương đều thành cõi Phật, có đầy đủ bảy loại châu báu ánh sáng chiếu khắp mọi nơi. Mỗi cung điện đều được trang hoàng bằng bảy loại châu báu: Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã não, san hô. Các loại châu báu này phát ra ánh sáng chiếu khắp mười phương. Lại thấy hằng hà sa chư Phật, Như Lai khắp cõi hư không, cùng thấy các lâu đài hoa lệ. Dưới thấy địa ngục. Nhìn xuống dưới thấy được toàn cõi địa ngục. Nhìn lên phía trên có thể xem thấy được những gì xảy ra trên thiên cung mà không ngăn ngại. Bất kỳ nơi nào cũng đều thấy được hết.

Cảnh giới này gọi là: "Tư tưởng ưa chán ngưng đọng ngày một sâu, tưởng lâu mà thành" như vậy. Tại sao ông lại có thể thấy được những cảnh này? Là vì ông thường có tâm yêu và ghét. Ông muốn lên cõi trời và cõi Phật và ghét việc xuống địa ngục.
Ông ngưng lắng những tư tưởng yêu ghét này, chuyên chú như gà mái ấp trứng, như mèo rình chuột, như rồng nuôi ngọc vậy. Chẳng nghĩ đến chuyện gì khác, mà chỉ nghĩ về những cảnh giới tốt đẹp ở cõi Phật và cảnh khổ biết bao nơi địa ngục. Tâm ưa thích những nơi chốn an vui Thánh thiện và ghét nơi đau khổ bất hạnh. Cuối cùng tư tưởng trở nên chuyên nhất, trở thành nhất phiến; và ngày càng lắng đọng, nghĩ tưởng lâu ngày mà hóa thành cảnh giới trên.

Ðó không phải là chứng Thánh. Không nên nghĩ rằng mình đã chứng được quả vị Thánh hay có công phu ghê gớm. Nếu không khởi tâm chứng Thánh, gọi là cảnh giới tốt. Thế thì không phải là xấu. Nếu nghĩ là chứng Thánh,và nói: "Cảnh giới này thật tuyệt. Ta đang ở cùng một nơi với chư Phật. Thực vậy, chính ta là Phật." Liền mắc vào tà ma. Nếu nghĩ như vậy thiên ma và ngoại đạo liền đến lôi kéo ông làm bạn đồng hành với ông.Chúng nói: "Ông nói ông đang ở nơi chư Phật phải không? Tốt lắm, chúng ta cùng kết bạn và chúng tôi sẽ theo thân cận với ông".


Kinh Văn:
Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu sâu xa, thoạt giữa đêm khuya thấy được những cảnh ở phương xa, thấy rõ phố chợ, giếng nước công cộng, đường phố, ngõ hẻm, bà con thân quyến, hoặc nghe lời họ nói chuyện với nhau. Cảnh giới này gọi là: "Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy". Ðó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ là chứng Thánh, thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà ma.

Giảng:
Lại nữa, khi dụng tâm nghiên cứu sâu xa, bỗng nhiên có thể thấy được những hiện tượng cảnh huống khác nhau ở những nơi chốn xa xôi vào lúc giữa đêm khuya. Có thể thấy được phố chợ, nơi hàng hóa được bán đầy trên phố.Giếng nước công cộng, nơi mọi người lấy nước dùng. Ðường phố lớn, ngõ hẻmnhỏ. Có thể thấy được luôn cả những bà con, quyến thuộc họ hàng thân tộc, cùng nghe được những lời họ nói chuyện với nhau. Nghe được lời họ bàn bạc, nói chuyện với nhau.

Cảnh giới này gọi là: "Do dồn ép tâm cùng tột, nên tâm phóng vọt ra và thấy được nhiều thứ ở xa và cách ngại như vậy". Trong việc tu tập của ông, ông đã ép chế tâm, không cho vọng tưởng. Lúc thúc ép tâm mình đến cực điểm thì ông có cảnh giới tâm mình được bay vọt ra mà thấy hết mọi vật bất kể là bao xa. Bình thường ông cố gắng không nhìn xem ngoại cảnh này. Nhưng a ha! Bây giờ hốt nhiên tâm ông vỡ ra, cái gì cũng thấy cả. Ðó không phải là chứng Thánh. Ðừng nghĩ rằng đây là cảnh giới tốt. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì đó là cảnh giới tốt. Còn nếu tự xem mình là Thánh, liền lạc vào tà kiến. Nếu ông tuyên bố rằng mình đã chứng được Thánh quả, trong khi ông chẳng hề chứng được, hoặc ông tuyên bố rằng ông đã đắc đạo, trong khi ông chưa đắc đạo, thì liền rơi vào ma.


Kinh Văn:
Lại nữa, khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy vị Thiện tri thức hình thể biến đổi. Chỉ trong chốc lát biến đổi thành nhiều loại khác nhau mà không thể giải thích được. Cảnh giới này gọi là: "Tà tâm bị loài ly mỵ hay bị thiên ma nhập vào vô cớ thuyết pháp, thông suốt diệu lý". Ðó không phải là chứng Thánh. Nếu không nghĩ mình đã chứng Thánh thì các ma sự liền tiêu hết. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma.


Giảng:
Ðây là trạng thái ma thứ mười của sắc ấm, gọi là "vọng kiến và vọng thuyết."

Lại nữa khi người ấy dụng tâm nghiên cứu cùng tột, thấy hình thể của Thiện tri thức. Người mà ông đã theo học giáo pháp biến đổi ngay trước mặt ông. Vị Thiện tri thức ấy chợt biến thành một ông lão, lát sau vị ấy biến thành một người trung niên, lát sau vị ấy biến thành một người thiếu niên. Ðó là nếu Thiện tri thức vốn là người nam lại biến thành người nữ. Ông sẽ nghĩ rằng: "Ồ người Thiện tri thức của ta đời trước là một người phụ nữ". Thực ra, những gì ông thấy được đều không có thực. Những sự biến đổi này là kết quả của vọng tưởng của ông. Chỉ trong chốc lát, nhiều sự biến chuyển xảy ra mà không giải thích được. Mọi việc biến đổi và trở nên khác với bình thường. Ðiều này tương tự với những gì mà người sử dụng ma túy LSD đã trải qua. Ðối với họ mọi vật trở nên có mầu sắc sáng chói, họ không thể nhìn rõ các vật thể ấy. Họ vẽ lên nhưng bức tranh kỳ quái không ai hiểu nổi, vì họ chỉ làm văng tung tóe bừa bãi các mầu sắc trên khung vải. Sau khi họ vẽ xong có người nói " Ồ thật là một danh họa!" 
Có người thắc mắc: "Nhưng đây có phải là trường hợp của người tu đạo đã dùng ma túy không?" 
Không. Cảnh giới trên gây nên do ma vương. Cảm giác "khác thường" của ông khi dùng LSD cũng là do ma vương gây nên. Nó làm cho mọi cảm giác trong ông biến đổi. 
Cảnh giới biến đổi của sắc ấm, có khi tốt có khi xấu. Nếu người tu có đầy đủ thiện căn, thì sự biến đổi sẽ hướng chiều tốt đẹp. Nếu người tu không đủ thiện căn, sẽ hướng sang chiều không tốt. Cho nên có trùng trùng biến đổi.

Cảnh giới này gọi là: "Tà tâm bất chính bị loài ly mỵ hoặc thiên ma nhập vào, vô cớ giảng pháp thông suốt diệu lý." Tâm tà không chánh. Khi loài ly mỵhoặc thiên ma nhập vào tâm ông, ông sẽ giống như những người tự xưng là biết nói Pháp, tự xưng là biết giảng Kinh, tự xưng là đã khai ngộ, tự xưng là bậc trưởng lão. Những người này không duyên cớ gì lại "biết" thuyết pháp, và tự chính họ cũng không biết mình nói điều gì nữa. Họ nói rằng họ đã thông đạt diệu nghĩa (của Phật Pháp) nhưng thật ra không phải là diệu nghĩa hay thông đạt gì hết. Họ cho rằng thuyết pháp nhưng thật sự không phải là thuyết pháp. Họ đã lấy điều sai, cho là đúng rồi tuyên bố rằng "Pháp" của họ là vi diệu. Họ tự khen mình và hủy báng người, tự xưng mình là đệ nhất, là trưởng lão.

Ðó không phải là chứng Thánh. Cảnh giới đó là một cảnh giới không tốt. Nếu không nghĩ mình chứng Thánh các ma sự liền tiêu tan. Bọn quân ma sẽ tự biến mất. Còn nếu nghĩ mình đã chứng Thánh liền mắc vào lũ ma. Nếu cho mình mình đã chứng Thánh quả, thì rất chóng ông sẽ đến địa ngục. Thì ông sẽ tự thấy chính mình đã chứng được địa ngục quả.


Kinh Văn:
A Nan, mười thứ cảnh hiện ra trong thiền định như thế, là do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có.

Giảng:
A Nan, mười thứ cảnh giới mô tả ở trên hiện ra khi thiền định, hay tĩnh lự. Do sắc ấm và tâm dụng công giao xen nhau mà có. Những cảnh giới trên thuộc về sắc ấm, khi dụng công thiền tập đến cực điểm, người tu có lúc gặp phải những cảnh giới hay trạng huống trên.


Kinh Văn:
Chúng sanh ngu mê, không biết suy xét tự lượng. Gặp nhân duyên này, mê không tự biết, nói là chứng Thánh, thành tội đại vọng ngữ, phải đọa vào địa ngục Vô Gián.

Giảng:
Chúng sanh ngu mê không suy xét tự lượng. Chúng sanh ngoan cố khó chuyển hóa, ngu mê khó thức tỉnh. Họ không tự duyệt xét lại mình, xem xét lại trình độ tu học của mình ở mức độ nào. Gặp nhân duyên này các cảnh giới ma sự, mê muội không tự biết, nói là chứng Thánh. Chúng tuyên bố: "Ồ! Ta là Phật, ta đã giác ngộ, ta đã chứng Thánh quả." Ông nói như vậy tức là đại vọng ngữ. Nói đại vọng ngữ, cho mình là Phật, thì nhất định sẽ đọa vào địa ngục Vô Gián. 


Kinh Văn:
Trong đời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. Ðừng để cho thiên ma được dịp khuấy phá; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho thành tựu được đạo quả Vô Thượng.
Giảng:
Trong thời Mạt Pháp, sau khi Như Lai nhập diệt, các ông nên nương theo và truyền bá giáo pháp này. A Nan ông nên hết lòng nương theo và thực hành giáo pháp mà ta đã giảng dạy cho các ông. Trong đời Mạt pháp, sau khi ta diệt độ, các ông phải truyền bá giáo pháp này. Ðừng để cho thiên ma hoành hành; ủng hộ bảo toàn Pháp bảo, khiến cho đắc thành đạo quả Vô Thượng. Phải nên duy trì và bảo hộ Chánh Pháp, mới đắc thành được đạo quả Vô Thượng.