BỐ THÍ

Toàn Không

 

I)- Thế nào là bố thí?

Bố là chia bày ra, thí là trao tặng, cho.

Bố thí là đem năng lực vật chất như của cải tiền bạc của mình hiến dâng chia tặng cho người, hoặc đem trí tuệ như giảng nói các điều hay lẽ phải trong đời sống, đem các chân lý do Phật dạy giải thích lại cho người. Bố thí được xem như phương tiện đối trị tính bỏn sẻn tham lam ích kỉ, và thể hiện lòng bác ái từ bi. Đây là: những việc làm để nuôi dưỡng công đức cho người bố thí.

     Bố thí được dùng chung cho mọi người, nó bao gồm sự giúp đỡ những kẻ nghèo đói bệnh tật hoạn nạn, những người cần sự giúp đỡ về một phương diện nào đó, như hành động bố thí thức ăn, tiền bạc vật dụng phẩm vật cho các vị Khất sĩ, các tịnh thất, chùa; ngược lại Tăng Ni giải thích các lời Phật dạy và hướng dẫn tu hành cho các Phật tử tại gia cũng gọi là bố thí. Đối với người tu hành, vì được kính trọng nên bố thí được gọi là cúng dường, cúng dàng Phật, cúng Tam Bảo, cúng dường trai Tăng, cúng chùa v.v…Tất cả các hành động bố thí cúng dàng đều được xem là để nuôi dưỡng phúc đức.

 

II)- Có mấy loại bố thí?

    Có ba loại bố thí: Tài thí, Pháp thí, và Vô úy thí; để hiểu rõ tường tận của việc bố thí, chúng ta lần lượt phân tích từng loại.

1). Tài thí: Gồm tiền bạc của cải vật dụng cho đến cái qúy nhất là thân mạng, có hai loại:

1- Nội tài: Là những vật chí thân qúy báu như thân mạng, các bộ phận của mình đem bố thí cho người khác như xông vào lửa cứu người sắp chết cháy, nhảy xuống nước cứu người sắp chết đuối, lấy thân mình che đỡ cho người sắp bị bắn hay bị đâm. Hoặc cho người một bộ phận của mình mà người đang cần đến như cho người một qủa thận chẳng hạn, nghĩa là người bố thí sẵn sàng chịu chết, chịu tật nguyền, chịu khổ để cứu người.

    Bố thí nội tài là: một cử chỉ cao đẹp nhất mà chỉ người có “từ tâm” (tâm thương người) mới làm được, nếu còn xem thân mạng mình là qúy, không thể thực hiện được loại bố thí này.

2- Ngoại tài: Là vật thường dùng của mình như tiền bạc, xe cộ, nhà cửa, ruộng vườn, đồ đạc, quần áo, đồ ăn, thức uống v.v…, đem một trong những thứ ấy tặng cho người, gọi là bố thí ngoại tài.

   Về ngoại tài: có một vấn đề được nêu ra, đó là cách tạo dựng nên sản nghiệp. Có người tạo sản nghiệp bằng những nghề chân chính, nhưng cũng có người tạo nên bởi những nghề không chân chính như lừa đảo cờ bạc, lợi dụng sức khổ cực của người khác, hay tranh giành cướp đoạt dối trá, v.v… để làm giàu một cách phi pháp bất chính. Nếu sự tìm cầu tạo dựng của không quang minh chính đại, mà chỉ là của bất nhân bất chính do sự làm bất hợp pháp mang lại, sự bố thí không được coi là trọng, mà là thấp hèn, vô ích. Tiền của mang ra bố thí phải là tiền của do công khó nhọc của chính mình, làm việc một cách hợp pháp, hợp lý, mới được kể là trọng.

   Chúng ta hãy trích một đoạn bài Tụng của đức Phật trong Trung A Hàm quyển 3 trang 80:

. . . Nếu kiếm của hợp pháp,

Đã lo được tự thân,

Cung cấp và tự dùng,

Bố thí và tạo phước,

Cả hai đều có đức.

2). Pháp thí: Pháp là vạn vật, pháp cũng là các lời dạy của Phật, các Kinh Luật Luận của Phật cũng gọi là pháp. Đem các lời hay lẽ phải, những chân lý qúy báu ra chỉ cho người, như đem các lời dạy của Phật ra chỉ lại cho người được hiểu. Hoặc thực hành các lời dạy của Phật để làm gương cho người khác bắt chước noi theo và cải tà quy chính, đều là bố thí pháp cả.

    Pháp thí có một giá trị lớn hơn tài thí, vì tài thí chỉ giúp cho người một thời gian hay một đời là cùng, còn pháp thí ảnh hưởng nhiều đời nhiều kiếp; ngoài ra, pháp thí còn giúp cho cả kẻ sang người hèn, kẻ nghèo lẫn người giàu, nên bố thí pháp lợi ích rộng lớn hơn bố thí tài.

3). Vô úy thí: Vô úy là không sợ, bố thí vô úy là cho người khác sự không sợ hãi, hết sợ hãi; tại sao phải bố thí vô úy?

    Bởi vì trong đời sống của con người có đủ thứ sợ hãi. Khi còn bé nhỏ sợ theo bé nhỏ như sợ thua bạn bè, sợ không làm vừa lòng cha mẹ, v.v… Khi lớn lên sợ không thành danh, sợ không chọn được người bạn đời như ý v.v… Khi về già sợ bệnh này bệnh kia, sợ chết v.v…. Mỗi người từ nhỏ tới lớn đều có trăm nghìn lo sợ, do đó, nếu có sự bố thí vô úy, người được thí vui mừng biết mấy, như trút được gánh nặng nghìn cân vậy. Tỉ dụ như người đang bị tai nạn, có người đến cứu giúp làm người này hết lo sợ, bớt lo sợ.

    Muốn bố thí vô úy, trước tiên người bố thí phải không còn sợ một điều gì; muốn được vậy, muốn không còn sợ bất cứ điều gì trong lòng, người ấy phải tìm đọc để hiểu lý sống của Phật giáo một cách tường tận và áp dụng thực hành đầy đủ rồi, đâu còn gì để sợ nữa; như khi biết rõ các vật đều là hư giả không thật, cái ngã tức cái thân ta cũng không thật không qúy, tham để làm gì? Không tham tức không còn ham muốn nữa, khi không còn ham muốn sẽ không tìm cách giữ gìn hay chiếm đoạt, như vậy có gì phải lo sợ? Tiền bạc của cải không ham nên không sợ mất, danh lợi địa vị không màng nên không sợ thiếu, sinh mạng thân mình xem như giả tạm nên không sợ chết, do đó sống rất bình tĩnh tự tại trước mọi đổi thay thăng trầm của cuộc đời.  Do vậy, người vô úy sẵn sàng can thiệp vào các việc cứu người khác gặp nguy hiểm mà người thường không thể làm được.

 

III). Bố thí như thế nào?

    Sự bố thí xảy ra rất nhiều, có người giàu có bỏ ra rất nhiều tiền của để bố thí cho trẻ em xấu số như tàn tật câm điếc hoặc bệnh nan y. Có người lập nhà thương thí, trường học miễn phí, nhà dưỡng lão cho người già nghèo, trại cô nhi cho trẻ em không cha không mẹ. Có người bỏ cúng thật nhiều tiền của giúp Tăng Ni xây chùa, đúc chuông, tạo tượng, hành đạo v.v…Lại có người lập qũy, gây qũy để giúp cho những người nghèo khó, có người nhảy xuống nước để cứu người sắp chết đuối, hoặc có người xông vào lửa cứu người sắp chết thiêu v.v… Tất cả những hành động ấy đều là bố thí cả, nhưng xét về tâm lý và động lực thúc đẩy bên trong, có hai trường hợp được nêu lên ở đây:

1). Bố thí chấp tướng: Nghĩa là bố thí với dụng tâm bên trong để cầu danh cầu lợi như bố thí để được đăng báo khen tiếng tốt về mình hay tổ chức của mình. Với dụng tâm ganh đua như mình bố thí nhiều hơn người kia, hoặc tổ chức của mình bố thí nhiều hơn tổ chức kia. Hoặc giúp đỡ các em tật nguyền bênh nan y hoạn nạn cô nhi là để sau này lớn lên các em sẽ biết ơn và là công cụ, người của mình hay thuộc tổ chức, tôn giáo của mình. Hoặc nhảy xuống sông cứu người để được người “đẹp” ngợi khen cảm phục v.v….

    Những hành động đẹp đẽ ấy được che đậy giấu kín bên trong như thế không còn giá trị nữa, về phúc đức của những hành động với động lực bên trong mờ ám không sạch như thế, kết qủa như làn gió mát thổi qua, như mây trôi trong hư không sẽ tan biến mất vào hư vô không còn gì cả.

    Lấy thí dụ của Trưởng giả Cấp Cô Độc thời Phật tại thế đã mang tiền của ức tỉ ra để xây Đạo tràng Kỳ Viên cúng Phật với một tâm không chấp trước, khi qua đời Trưởng giả đã được qủa báo sinh lên cõi Trời Đạo Lợi. Còn Vua Lương Vũ Đế bên Trung Hoa, năm 528 Dương lịch, Tổ thứ 28 là Ngài Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ qua Trung Hoa. Khi gặp, Vua hỏi Tổ Bồ Đề về việc vua đã cho dựng lập được 72 chùa, đúc chuông, tạo tượng, tu sửa cầu cống, bồi đắp đường lộ v.v…  thì có những công đức gì? Khi nghe Vua hỏi một cách tự hào khoe khoang chấp tướng như thế, nên Tổ trả lời là “không có công đức”; Vua hỏi tiếp “Tại sao lại không có công đức?”, Tổ trả lời “Công đức đó chỉ được ở qủa vị Trờị Người mà thôi”. Vua lại hỏi “Làm thế nào mới gọi là chân công đức?”, Tổ đáp “Trí thanh tịnh thể vốn vắng lặng, tròn đầy, trong sáng, nhiệm mầu, công đức như vậy chẳng thể lấy thế gian pháp (của cải, tiền bạc…) mà cầu được”, Vua lại hỏi “Vậy người trước Trẫm đây là ai?”, Tổ đáp “Không có ai cả”. Vua nghe câu trả lời chót của Tổ sinh ra nghi ngờ cho rằng Tổ chẳng phải người hiểu đạo, vì sự học hỏi và tu học của Lương Vũ Đế còn thấp, không hiểu được câu trả lời của Tổ Bồ Đề. Vì Tổ đã đắc đạo rồi, biết rõ cái “vô ngã” nên đã trả lời như thế, nhưng Vua không hiểu,  tự ái, vì cái ngã (cái ta) của Vua qúa to lớn, do đó Vua đã bực (nổi sân giận). Vì sự giận này, Vua không hỏi nữa, và sau sai người đem thuốc độc trộn trong thức ăn của Tổ, nhưng Tổ không chết. Sau gần một tháng, Tổ đã rời bỏ Kinh đô đi đến ngồi quay mặt vào vách 9 năm nhập định tại chùa Thiếu Lâm, như thế công đức bố thí của Vua Lương Vũ Đế tuy nhiều, nhưng không biết có đủ bù cái nghiệp đầu độc một bậc Thánh chăng?

2). Bố thí vô tướng: Là bố thí với tâm trong sạch, người bố thí với tâm từ bi quảng đại, bố thí với tâm bình đẳng không phân biệt người này người kia, nòi giống chủng tộc, tôn giáo v.v…Bố thí không đòi hỏi bất cứ điều kiện gì, người bố thí khi cho không cần biết người nhận là ai, không cần cho người nhận biết mình là ai; khi nào mà người cho không còn thấy mình cho và kẻ nhận nữa, mới thật sự là bố thí rộng lớn, dù sự bố thí rất nhỏ nhặt cũng vẫn được gọi là bố thí rộng lớn tức là bố thí “Ba La Mật”.

    Chữ “Ba La Mật” ở đây có nghĩa là rốt ráo, bố thí Ba La mật nghĩa là bố thí đến cùng tận, vô cùng rộng lớn; nhiều người khi bố thí còn chấp cho rằng ta là người cho, người làm ơn, kẻ kia là người thọ nhận, người chịu ơn. Vì còn dính mắc nơi tướng, chấp có ngã (ta) có nhân (người), nên không được gọi là Ba La Mật. Người bố thí không thấy có ta là người làm ơn, không thấy người kia là kẻ thọ ơn, lại còn không thấy vật kia là vật cho nữa, mới được gọi là bố thí Ba La Mật, vì không còn một tí gì dính mắc tới sự tướng nữa; đây mới thực sự là bố thí cao cả trong sạch sẽ đưa người bố thí được phúc báo vô lậu thanh tịnh và đây cũng là việc làm của các vị Bồ Tát vậy.

    Đối với người tu, phải quán sát tất cả chúng sinh và mình cùng đồng một bản thể mới không còn thấy ta có bố thí và người được thọ thí, thí dụ như một người đang làm việc gì, bỗng tay trái bị thương, tay phải vội vàng lấy bông băng và thuốc bó chỗ vết thương của tay trái lại, lúc đó tay phải không có một tí nào kiêu hãnh về việc làm ấy, vì sao thế? Vì tay phải tự nhận biết rằng nó và tay trái cùng đồng một thân thể, nên nó không thấy mình (tay phải) là người ban ơn giúp đỡ và tay trái là kẻ thọ ơn; bố thí đến độ không cảm nhận được một tí nào là ơn như thế mới là bố thí Ba La Mật.

 

IV). Trưởng giả Bạt Đề và Bà Nan Đà được độ

    Theo quyển 2 Tăng Nhất A Hàm, từ trang 32 đến 48, có nói trường hợp đức Phật và các Thánh Tăng độ cho hai người keo kiết biết mở lòng nhân và gây nghiệp lành như sau:

    Khi đức Phật ngự tại thành La Duyệt, vườn Ca Lan Đà cùng 500 Tỳ Kheo (Tăng). Lúc ấy có bốn đại đệ tử của đức Phật là các Tôn giả Mục Kiền Liên, Đại Ca Diếp, A Na Luật, và Tân Đầu Lư cùng bàn luận riêng với nhau: “Chúng ta nên xem xét trong thành có ai không tạo công đức, hãy đến độ cho họ để làm cho họ được lợi ích”.

     Sau khi bàn thảo: mọi người đều đồng ý có hai người giàu có mà phước cũ đã sắp hết, nhưng họ không trồng cội phúc mới. Hai người này rất giàu có, vàng bạc châu báu, kho chứa của cải vô số, nhưng họ có tà hiến không tin vào sự làm phước lành tránh ác; họ cho rằng bố thí chỉ là phí của chẳng được lợi lộc gì, chẳng tin qủa báo thiện ác đời này đời sau. Họ không tin có nghiệp báo luân hồi, và cho rằng chết là hết chẳng còn gì mà phải bận tâm bố thí tạo phúc v.v…

    Hai người giàu có ấy lại là hai chị em, mỗi người ở một nơi; cả hai chị em đều có dinh thự qúy giá, nhà có nhiều lớp hàng rào bao quanh kiên cố, rào cao cổng kín, lại có người canh giữ cẩn thận. Họ không cho một người hành khất nào được vào bên trong để xin ăn, lại còn cho làm lướt sắt ở bên trên, chim cũng không chui lọt xuống được, để phòng người lạ trèo rào vào nhà v.v…

    Các Tôn giả bàn: “Chúng ta nên đến nhà trưởng giả Bạt Đề trước và phân chia ai đến trước ai nên đến sau.

1). Trưởng giả Bạt Đề được độ:

Sáng hôm sau, trưởng giả Bạt Đề đang ăn sáng, ăn bánh, tôn giả A Na Luật ôm bình bát từ dưới đất nhà Trưởng giả đứng lên, chui lên, bước tới gần rồi chìa bát về phiá Trưởng giả. Trưởng giả thấy người khất thực hết sức buồn không nói lời nào, bỏ một miếng bánh vào bát, Tôn giả được bánh, bèn ra về; khi ấy Trưởng giả nổi giận, ra cổng bảo người giữ cổng:

- Ta đã ra lệnh không cho người vào, sao lại có người vào như thế?

    Người canh cổng thưa:

- Cửa nẻo chắc chắn, canh giữ kỹ càng, đâu có ai vào được, không hiểu người ấy làm sao vào được, lạ thế?

    Trưởng giả im lặng không nói, đi vào nhà ăn bánh tiếp; Tôn giả Đại Ca Diếp ôm bát đến, cũng từ dưới đất chui lên, đi vào đưa bát trước mặt Trưởng giả. Trưởng giả hết sức buồn bực, không nói không rằng, bỏ một miếng bánh vào bát; Ngài Ca Diếp được bố thí liền ra về, Trưởng giả càng thêm bực tức, ra bảo người canh cổng:

- Trước ta đã ra lệnh không cho bất cứ ai vào nhà, cớ sao để cho hai Sa Môn (hai Tăng) vào nhà khất thực?

    Các người giữ cổng thưa:

- Chúng tôi không thấy người nào vào từ cổng này, mà cũng chẳng thấy Sa Môn nào từ cổng này ra, không biết họ đi bằng ngả nào? Lạ qúa!

    Trưởng giả nói la lớn:

- Các Sa Môn trọc đầu khéo dùng huyển thuật mê hoặc người, lừa gạt, họ chẳng có hạnh chân chính đâu.

    Bà vợ Trưởng giả đã thấy hai vị Tôn giả, lại nghe chồng nói như thế thì không đồng ý, bà bèn ra bảo chồng:

- Ông nên giữ mồm miệng, chớ nên nói Sa Môn dùng huyển thuật mê hoặc người, vì sao? Các Sa Môn có đức độ, có đại oai thần, họ đến nhà là có lợi cho ông, Ông có biết người đến trước và người đến sau là ai không?

- Tôi không biết.

- Người đến trước là con vua Hộc Tịnh nước Ca Tì La Vệ, tên A Na Luật, vị này rời Vương gia đi học đạo đắc A La Hán, là người có Thiên nhãn bậc nhất. Còn vị thứ hai là con của Phạm chí Ca Tỳ La giàu có nhiều tiền của tính không hết, có 999 con trâu cày, ở trong thành La Duyệt này ai mà chẳng biết. Phạm chí ấy có con tên Tỳ Ba La Da Đàn Na, cưới vợ cho con là Bà Đà, người đẹp nghiêng nước nghiêng thành. Nếu đem vàng chở bằng xe bốn ngựa đến rước cô ấy cũng bị dẹp ra chỗ khác. Thế mà vị thứ hai này bỏ vợ ngọc nữ báu ấy để xuất gia học đạo, và đã đắc A La Hán hành hạnh đầu đà đi khất thực; nay ông được lợi ích lớn mới được các vị ấy đến độ cho ông, ông không nên nói bậy như thế, chớ nên phỉ báng bậc Thánh hiền.

    Trưởng giả sau khi nghe vợ nói lai lịch của hai Sa Môn và giải thích, nên không còn bực tức nữa trở vào ăn tiếp. Một lúc lâu sau, tôn giả Mục Kiền Liên ôm bát bay lên không trung đến nhà Trưởng giả, biến thành nhỏ tí chui qua lưới sắt mà xuống, khi qua rồi thân hình trở lại như thường, nhưng ngồi kết già lơ lửng trên không ngoài cửa. Trưởng giả thấy thế, sợ hãi nói:

- Ngài là Trời hay Thần Càn thát Bà?

- Tôi chẳng phải Trời cũng chẳng phải Thần.

- Ông là Qủy hay là La Sát ăn thịt người?

- Tôi chẳng phải Qủy cũng chẳng phải La Sát, tôi là đệ tử Phật, tên là Mục Kiền Liên.

- Ông có điều gì muốn nói với tôi?

- Tôi muốn thuyết pháp cho ông nghe.

    Khi ấy Trưởng giả liền nghĩ: “Các đạo sĩ suốt đời để ý đến ăn uống, nếu nói về ăn ta sẽ không muốn nghe” Tôn giả Mục Kiền Liên biết tâm ý của Trưởng giả liền nói kệ:

Như Lai thuyết hai thí,

Pháp thí và tài thí,

Nay sẽ thuyết pháp thí,

Chuyên tâm nhất ý nghe.

    Trưởng giả nghe nói sẽ thuyết pháp thí, vui mừng nói:

- Mong Ngài nói cho: tôi nghe rồi sẽ được hiểu biết.

- Trưởng giả nên biết, Như Lai thuyết năm đại thí, nên nhớ thực hành suốt đời.

    Trưởng giả lại nghĩ: “Vừa rồi nói pháp thí, nay lại nói năm đại thí là thế nào?” Tôn giả biết tâm suy nghĩ của Trưởng giả, nên vội nói tiếp:

- Như Lai: nói hai thí là pháp thí và tài thí, bây giờ tôi chỉ nói về pháp thí chứ không nói về tài thí.

    Trưởng giả nghe vậy yên tâm hỏi:

- Cái gì là năm đại thí?

- Không được sát sinh, đây gọi là đại thí, suốt đời không nên làm; không trộm cướp, đây gọi là đại thí, suốt đời nên tránh phạm. Không tà dâm vợ người, không nói dối, không uống rượu, đây gọi là đại thí, suốt đời nên gìn giữ vâng làm, dó là năm đại thí; nếu Trưởng giả ưng làm năm đại thí này sẽ được lợi lộc vô cùng không biết đâu mà nói hết được.

    Trưởng giả Bạt Đề nghe những lời ấy rồi hết sức hân hoan nghĩ: “Ngày nay ta chẳng kham sát sinh, của cải mình đâu thiếu mà phải trộm cướp lấy của người khác, vợ mình nết na thông minh lại đẹp đẽ đâu cần lang chạ với đàn bà khác. Ta cũng chẳng ưa nói láo xưa nay, và ngày nay lớn tuổi ta chẳng nghĩ đến rượu có hại cho sức khỏe huống là nếm ư? Tất cả năm việc này đều hợp với ta, có thể làm được, chỗ diễn thuyết lại chẳng cần mất bảo vật mà được lợi lộc như thế; Phật Thích Ca thuyết pháp qủa là hay, hợp với ta”, nghĩ như thế nên Trưởng giả nói:

- Năm đại thí này tôi có thể vâng nhận làm được.

    Rồi Trưởng giả lại nghĩ: “Ta nên mời Tôn giả Mục Kiên Liên ăn cơm”, nên liền nói:

- Ngài nên hạ cố xuống đây ngồi.

    Tôn giả liền hạ xuống ngồi, Trưởng giả tự mang các thức ăn thức uống ra mời Tôn giả ăn uống. Ăn xong, Trưởng giả lại nghĩ: “Ta nên tặng Tôn giả một tấm vải dạ trắng”, liền đứng lên vào nhà kho muốn lựa tấm xấu lại cầm nhầm tấm tốt, Trưởng giả liền bỏ xuống lựa tấm khác lên cũng nhầm tấm tốt như thế ba lần. Tôn giả biết tâm niệm Trưởng giả liền nói kệ vọng vào:

Thí cùng tâm tranh đấu,

Phúc này bậc Hiền bỏ,

Lúc cho không đấu tranh,

Mới gọi tùy tâm cho.

    Trưởng giả nghe hiểu nghĩ: “Tôn giả biết ý ta”, ông liền thôi lựa chọn, cầm tấm dạ trắng mang ra dâng Tôn giả. Tôn giả nói kệ chú nguyện cho Trưởng giả:

Quán sát thí đệ nhất,

Biết có người Hiền Thánh,

Trong thí là tối thượng,

Ruộng lành sinh hoa trái.

    Tôn giả Mục Kiền Liên chú nguyện xong, nhận tấm dạ cho Trưởng giả được phúc vô cùng; Tôn giả thuyết giảng cho Trưởng giả nghe về thí luận, giới luận, luận sinh cõi Trời, dục là bất tịnh. Tôn giả nói về khổ, nguyên nhân gây ra khổ, làm sao diệt khổ, và con đường Tám đạo phẩm Hiền Thánh: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mang, chính tinh tấn, chính niệm, và chính định sẽ đưa đến giải thoát an lạc đời đời. Trưởng giả thâu nhận hết không còn nghi ngờ, ông tự quy y Phật, Pháp, Tăng, và xin thọ ngũ giới. Trưởng giả thưa:

- Từ nay về sau, xin Thế Tôn và bốn chúng nhận lời thỉnh của con mãi mãi, con sẽ cung cấp y phục, thức ăn, thuốc men không luyến tiếc.

    Tôn giả Mục Kiền Liên thuyết pháp xong ra về, các Tôn giả nói với tôn giả Tân Đầu Lư: “Chúng tôi đã độ cho trưởng giả Bạt Đề xong, bây giờ đến lượt Hiền giả”.

2). Bà Nan Đà được độ:

    Hôm sau, lúc ấy bà Nan Đà đang làm bánh sữa, Tôn giả Tân Đầu Lư ôm bát vào thành La Duyệt, đi khất thực từ đầu thành, dần dần đến nhà bà Nan Đà. Tôn giả từ dưới đất nhà bà vọt lên, đến gần chỗ bà đang làm bánh đứng chìa bát khất thực; bà Nan Đà thấy Tôn giả tự nhiên ở đâu mà vào nhà được, nên đâm ra bực tức nói:

- Tỳ kheo nên biết, dù ông có lòi mắt ra hay tự treo ngược trên không, ta cũng không cho.

    Tôn giả liền dùng sức thần thông treo ngược lên và hai mắt lòi ra ngoài; Bà thấy thế càng tức giận hơn nói dữ:

- Dù ông có phun ra khói, toàn thân bốc cháy hay toàn thân ra nước, ta cũng không cho.

    Tôn giả dùng sức tam muội cho toàn thân ra khói, rồi toàn thân bốc cháy, sau toàn thân phun ra nước. Bà thấy rồi, giận dữ càng tăng nói ác:

- Dù ông có chết trước mặt ta ngay tức thì, ta cũng chẳng cho ăn.

    Tôn giả liền nhập Diệt tận định nằm chết quay ra đất. chỉ ngáp một cái rồi không còn cử động nữa. Chờ một lúc lâu không thấy Tôn giả đứng lên, bà liền tới coi hơi thở, mạch tim đập, tất cả đều không còn. Bà đâm ra hoảng, sợ hãi cuống quýt, bà nghĩ: “Sa Môn này là con dòng họ Thích nhiều người biết, Quốc Vương, Đại Thần  đều biết, nếu họ biết ông này chết ở nhà mình, chắc là ta không tránh khỏi gặp rắc rối phiền toái”. Bà liền nói:

- Sa Môn, Sa Môn, sống lại đi, tôi sẽ cho ăn, tôi hứa là sẽ cho ăn, mau tỉnh lại đi.

    Không thấy cử động, bà đâm ra hoảng, càng sợ hãi hơn, và lay gọi nói như thế đến ba lần mới thấy Sa môn mở mắt cử động. Bà lại nói:

- Tôi hứa là sẽ cho ăn, đứng dậy đi.              

    Tôn giả Tân Đầu Lư tỉnh lại, đứng lên, bà nghĩ “Cái bánh này lớn qúa, làm cái nhỏ hơn cho ông ta”, rồi nói:

- Chờ một lúc, tôi sẽ làm cho ông một cái bánh.

    Bà lấy một chút bột làm cái bánh nhỏ, nhưng bánh lại phồng to hơn cái bánh trước, rồi bà lại làm cái khác; cũng vậy, cái sau lại lớn hơn cái trước, bà làm đi làm lại nhiều lần, vẫn thấy cái sau lớn hơn cái trước! Cuối cùng bà định lấy cái đầu tiên để cho, nhưng các bánh lại dính chặt vào nhau không tách ra được; bà biết là Tôn giả dùng sức oai thần nên như thế, bà nói:

- Tỳ Kheo! Ông cần ăn thì tự lấy mà ăn, cớ sao làm phiền nhiễu như thế?

    Tôn giả Tân Đầu Lư nói:

- Thí chủ nên biết, tôi chẳng cần ăn, chỉ muốn nói với bà.

- Tỳ Kheo muốn răn dạy điều gì?

- Thí chủ nên biết: “Nay ta đem số bánh này đến chỗ đức Phật, Thế Tôn, nếu Ngài có dạy điều gì, chúng ta sẽ cùng vâng làm”.

- Việc này rất phải.

    Bà tự bưng bánh theo sau Tôn giả đến chỗ đức Phật ngự, cúi đầu lễ Phật. Tôn giả Tân Đầu Lư thưa:

- Bà Nan Đà: chị của trưởng giả Bạt Đề, cúi xin Thế Tôn thuyết pháp cho bà được lợi lạc.

    Đức Phật bảo:

- Bà hãy đem bánh thí cho Như Lai và các Tỳ Kheo.

    Bà vâng lời, đem dâng Phật và hết lượt các Tỳ kheo, xong bà thưa:

- Thưa Ngài, bánh còn dư,

- Bà đem ra ngoài bố thí cho người đi đường.

    Bà đem bánh ra ngoài, gặp ai cũng tặng, một lúc lâu bà trở vào thưa:

- Bạch Ngài, bánh vẫn còn thừa.

- Bà đem bánh ấy bỏ chỗ đất sạch hay bỏ vào nước sạch, vì Như Lai không thấy Sa Môn, Phạm Chí, Bà La Môn, Trời, Qủy, Thần, Người có thể tiêu được bánh còn lại ấy.

    Bà Nan Đà liền đem ra ngoài bỏ bánh còn lại vào chỗ nước trong sạch, tức thời lửa bùng lên; bà thấy thế ôm lòng sợ hãi, trở lại chỗ Phật cúi lạy rồi ngồi qua một bên. Đức Phật thuyết pháp, bà nghe dần dần được tín tâm, không sợ hãi hết nghi ngờ do dự, phát tâm vui vẻ tin Tam Bảo, thọ trì Ngũ Giới và phát tâm bố thí rộng rãi

 

V). Bố thí được phúc đức gì?

    Người bố thí tài có dịp chiến thắng lòng bỏn sẻn tham lam ích kỉ, và nới rộng lòng bác ái từ bi của mình, người này có ngay tâm vui vẻ vì thấy mình làm được việc hữu ích cứu giúp người. Người bố thí đời này an vui, danh tiếng, kính ngưỡng, sinh cõi trời, đời sau gặp nhiều sự giúp đỡ nếu sinh trở lại cõi người.

    Người bố thí pháp cũng là để tự nhắc nhở mình những điều Phật dạy, noi theo và tinh tấn tu hành để giải thoát. Sự lợi ích của bố thí pháp còn bao gồm cả những sự chỉ dạy phương pháp, nghề nghiệp chân chính cho người để tự nuôi sống, tăng tiến trong cuộc sống; hay chỉ bảo những điều hay lẽ phải của thế gian để chỉ bày cho người những lợi ích trong đời sống đạo đức.

    Người bố thí vô úy là để có dịp thử thách lòng vị tha và sự chấp ngã của mình, người nhận bố thí do sự che chở đùm bọc vỗ về an ủi nên vô cùng sung sướng, ví như họ được uống nước cam lộ của người tặng vậy.

    Người bố thí sẽ có nhiều công đức khi bố thí đúng lúc, không vụ lợi, tự tay, tự nguyện vì lợi người, không mong báo đáp bất cứ hình thức nào; người bố thí còn phải biết bố thí cho bậc chân tu, bậc Thánh, và nguyện đem công đức này bố thí cho tất cả chúng sanh.

 

  Những cách bố thí với tâm trong sạch đúng với ý nghĩa của bố thí Ba La Mật như thế, người bố thí đã bước được một bước đầu tiên quan trọng trong Lục Độ là bố thí, rồi tiếp đến là nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn, thiền định và trí huệ để bước qua bờ giải thoát an vui đời đời.