CÔNG ĐỨC CÚNG DƯỜNG XÁ LỢI PHẬT


Công đức chiêm bái, cúng dường Xá lợi

Chúng ta ra đời không gặp Phật là do sự kém phước duyên - “Áo não tự thân đa

nghiệp chướng, bất kiến Như Lai kim sắc thân”. Thế nhưng, như một niềm

an ủi lớn lao, dù Phật không còn tại thế, Xá lợi mà Ngài để lại thể hiện sự

sống động của Kim thân, qua đó chúng ta có thể chiêm bái, cúng dường

như cúng dường Phật.

Kinh Đại bát Niết bàn, phẩm Sư Tử Hống Bồ tát, nói rằng: “Đức Như Lai vì muốn cho chúng sanh tăng trưởng phước đức, nên

nát rã thân thể mình thành Xá lợi để cho chúng sanh cúng dường”. Phẩm Ứng tận hườn nguyên của kinh này còn nói rõ:

“Đức Phật dầu nhập Niết bàn, nhưng còn Xá lợi và Pháp bảo vô thượng thường trụ nơi thế gian, có thể làm chỗ quy y cho chúng sanh”.


xaloi-3.gif

Tháp Ngọc Xá lợi Phật sẽ được cung đón về chùa Quán Sứ - Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Võ Văn Tường

Do đó, theo lời Phật dạy, công đức chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường xá lợi Phật sánh bằng với công đức đảnh lễ, cúng dường Kim

thân Ngài. Bản kinh sau đây chỉ rõ điều đó:

A Nan bạch Phật: Lúc Phật hiện tại nếu có người đem những vật như trên (vàng bạc bảy báu, điện đường, phòng nhà, y phục,

đồ uống ăn, tất cả đồ cần dùng, hoặc vợ con tôi tớ) cung kính cúng dường Phật; sau khi Như Lai nhập Niết bàn, nếu có người

đem những vật như thế cung kính cúng dường toàn thân Xá lợi, phước đức của hai người này, ai nhiều hơn?

Phật nói: Hai người này được phước đồng nhau, công đức rộng lớn vô lượng vô biên, nhẫn đến hết khổ, phước đó chẳng hết.

A Nan lại bạch: Lúc Phật hiện tại, nếu có người cung kính cúng dường Phật như trên, sau khi Phật nhập Niết bàn, nếu có người

cung kính cúng dường nửa thân Xá lợi, ai được phước nhiều hơn?

Phật nói: Vì hai người đều cung kính cúng dường nên được phước đồng nhau, phước đức này vô lượng vô biên.

xaloi-2.gif

Ngọc Xá lợi Phật này sẽ được cung đón về chùa Quán Sứ-Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) - Ảnh: Võ Văn Tường

Này A Nan! Nhẫn đến cung kính cúng dường một phần tư Xá lợi, một phần tám, một phần trăm, một phần ngàn, một phần

muôn, một phần hằng hà sa, hoặc chừng bằng hột cải, người này được phước cũng đồng như người cung kính cúng dường Đức

Như Lai hiện tại.

A Nan nên biết rằng, hoặc Phật hiện tại hoặc đã nhập Niết bàn, nếu có người cung kính cúng dường lễ bái tán thán, được

phước đức đồng nhau không khác.

Phật bảo A Nan cùng đại chúng: Sau khi ta nhập Niết bàn, tất cả chúng sanh hoặc thiên thượng hay nhơn gian, được Xá lợi của ta

mà vui mừng thương cảm, cung kính lễ bái cúng dường thời được vô lượng vô biên công đức.

Này A Nan! Nếu thấy Xá lợi của Như Lai thời là thấy Phật, thấy Phật là thấy Pháp, thấy Pháp là thấy Tăng, thấy Tăng là thấy Niết bàn.

A Nan nên biết rằng do nhơn duyên trên đây mà Tam bảo thường trụ không biến đổi, có thể làm chỗ quy y cho tất cả chúng sanh.

(Kinh Đại Bát Niết bàn, Phẩm Di giáo)


xaloi-1.gif

Ngọc Xá lợi Phật này sẽ được cung đón về chùa Quán Sứ - Hà Nội
& chùa Bái Đính (Ninh Bình) Ảnh: Võ Văn Tường


Đức Phật để lại Xá lợi thể hiện lòng từ bi cao cả của Ngài. Vì thương chúng sanh nên Ngài thị hiện ở đời, và vì thương chúng

sanh (nhất là những chúng sinh sau thời Phật tại thế như chúng ta) mà Ngài để lại một phần thân thể, vốn là “sự kết tinh kỳ diệu

của sự thành đạt tâm linh, của sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ”. Ngài dạy A Nan rằng: “Trà tỳ xong lượm lấy Xá lợi,

dựng tháp treo phan thờ tại ngã tư đường để dân chúng đi ngang trông thấy tháp của Phật mà tưởng nhớ lại đạo hóa của Pháp

vương Như Lai, sống thì được phước lợi, chết thì sanh thiên. (Kinh Du hành, Trường A hàm).

Phần lớn kinh điển phân biệt Xá lợi thành hai loại: Toàn bộ di cốt được đưa vào tháp gọi là Toàn thân Xá lợi; di cốt được chia ra

từng phần để thờ ở nhiều nơi gọi là Toái thân Xá lợi. Kinh Dục Phật công đức chia Xá thành: Sinh thân Xá lợi (cũng gọi Thân cốt

Xá lợi), tức di cốt của Phật; và Pháp thân Xá lợi (cũng gọi Pháp tạng Xá lợi), là giáo pháp và giới luật do Đức Phật để lại. Pháp

uyển châu lâm thì phân chia Xá lợi ra thành ba loại: Cốt Xá lợi - Xá lợi xương, màu trắng; Phát Xá lợi - Xá lợi tóc, màu đen; và Nhục

Xá lợi - Xá lợi thịt, màu đỏ.

Thông thường, Xá lợi được nói đến là những mẩu xương, hình dáng lớn nhỏ khác nhau, chất cứng và mịn. Theo truyền thuyết, di

cốt Phật được chia làm ba phần cho chư thiên, long vương và nhân gian. Sử tích thì chép rằng, sau lễ trà tỳ, Xá lợi Phật được

chia thành 8 phần cho 8 nước lân bang. Về sau, vua A Dục đã phân chia những phần Xá lợi này đựng trong 84.000 hộp nhỏ và

xây 84.000 ngôi tháp phụng thờ. Nhờ đó mà Xá lợi Phật được cất giữ và lưu truyền cho đến tận ngày nay.



xaloi.gif

Xá lợi Phật tôn trí
tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi - Ấn Độ - Ảnh: Q.KIẾN
 

Chiêm bái, đảnh lễ, cúng dường Xá lợi Phật cũng như Tứ động tâm (nơi Phật Đản sanh, Thành đạo, Chuyển pháp luân, Niết bàn)

đều giống nhau, tức hàm ý kết duyên “gặp Phật nghe pháp” và chóng thành Phật quả. Chúng ta có thể cúng dường Xá lợi bằng hương

hoa, quả phẩm; bằng sự quét dọn, lau chùi; nhưng hơn hết, cúng dường bằng việc tinh tấn tu tập theo lời Phật dạy.



xaloi-4.gif

Chiêm bái, đảnh lễ xá lợi
tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi - Ấn Độ - Ảnh: Q.KIẾN

 

Bên cạnh Xá lợi Phật, ngày nay chúng ta còn có cơ duyên chiêm bái Xá lợi của chư vị thánh Tăng, như các Ngài: Xá Lợi Phất, Mục

Kiền Liên, A Nan v.v…, và đó là một phước duyên rất lớn. Theo lời dạy của Ngài Zopa Rinpoche thì: “Mỗi phần nhục thân và Xá lợi

của các Ngài chứa đựng một năng lực mầu nhiệm có thể làm căn lành tăng trưởng và nghiệp ác giải trừ”. Vì thế, Xá lợi có năng lực

cảm hóa tâm người, phát triển lòng từ bi trong nội tâm của những ai có cơ duyên chiêm bái.



Đăng Tâm


____________________________________________________________


Xá lợi của Đức Phật

Tiếng Phạn Sarìra, Pàli Sarìra có nghĩa là tử thi, di cốt: dịch ý là thể, thân, thân cốt, di

thân.

Thông thường xá lợi dùng để chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốt hay Phật xá lợi.

Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của các bậc cao tăng sau khi viên

tịch hỏa thiêu còn lại.

Xá lợi của Đức Phật

1. Định nghĩa Xá Lợi

Tiếng Phạn Sarìra, Pàli Sarìra có nghĩa là tử thi, di cốt: dịch ý là thể, thân, thân cốt, di thân. Thông thường xá lợi dùng để

chỉ cho di cốt của Phật, nên gọi là Phật cốt hay Phật xá lợi. Chữ này về sau cũng dùng để chỉ cho phần xương đầu của

các bậc cao tăng sau khi viên tịch hỏa thiêu còn lại.

Hơn nữa, bảo tháp dùng để tôn trí xá lợi của Phật gọi là Tháp xá lợi; nơi an tri bình xá lợi của Phật gọi là Bình xá lợi; Pháp

hội cúng dường xá lợi Phật gọi là Hội xá lợi.

 

Trong tiếng Phạn còn một từ nữa cũng được dùng chỉ cho xá lợi, đó là Dhàtu, phiên âm là Đà đô. Chữ Đà đô này có nghĩa

Toái thân xá lợi. Bản chú thích kinh Trường Bộ thuộc văn hệ Pàli ghi rằng thân thể hoạn chỉnh sau khi hỏa thiêu, phần

di cốt còn lại gọi là Toàn thân xá lợi; phần tro còn lại gọi là Toái thân xá lợi.

 

Ngoài ra, nếu đem di cốt toàn thân tôn trí vào một ngôi tháp thì gọi là tháp Toàn thân xá lợi; còn tôn trí một phần di cốt vào

tháp thì gọi là tháp Toái thân xá lợi. Thuyết Toàn thân, Toái thân xá lợi này bắt nguồn từ hai phương pháp thổ táng và hỏa

táng của phái Lê Câu Phệ Đà thuộc thời kỳ cổ đại Ấn Độ. Họ gọi di thể thổ táng là Toàn thân xá lợi và hỏa táng là Toái

thân xá lợi.

2. Phân loại Xá Lợi

Theo kinh Dục Phật Công Đức thì xá lợi được chia thành hai loại là Sinh thân xá lợi và Pháp thân xá lợi.

- Sinh thân xá lợi còn gọi là Thân cốt xá lợi, tức là di cốt của Phật.
- Pháp thân xá lợi còn gọi là Pháp tụng xá lợi, tức là Giáo pháp và Giới luật của Phật còn lưu truyền lại.

Pháp Uyển Châu Lâm quyển 4 chia xá lợi làm ba loại: Xá lợi xương, xá lợi tóc và xá lợi thịt.

- Xá lợi xương có màu trắng.
- Xá lợi tóc có màu đen.
- Xá lợi thịt có màu đỏ.

3. Giá trị của Xá Lợi

Kinh Kim Quang Minh quyển 4, phẩm Xả thân (Đ.16, 354) viết: "Xá lợi là kết tinh công phu tu tập Giới, Định, Tuệ, rất khó

được, là phước điền tối thượng". Vì vậy có chỗ nói: Lễ bái di thân của Phật, lễ bái cây bồ đề chỗ Phật thành đạo, lễ bái

tòa kim cương và dấu chân của Phật đi kinh hành đều có công đức như nhau.

 

Luận Đại Trí Độ quyển 59 chép rằng: Dù cúng dường một viên xá lợi nhỏ như hạt cải công đức cũng vô lượng, vô biên.

4. Sự tích chia Xá Lợi của Phật

Kinh Trường Bộ ghi lại việc 8 nước chia xá lợi của Thế Tôn khá tường tận: Sau khi làm lễ trà tỳ nhục thể Thế Tôn, những

người Mallà xứ Kusinàrà tôn trí xá lợi Thế Tôn trong giảng đường, thành kính lễ bái, dâng hương hoa, cử lễ nhạc, múa

hát cúng dường; đồng thời bảo vệ xá lợi một cách nghiêm ngặt.

 

Vua Ajàtasattu nước Magadha hay tin Thế Tôn đã diệt độ tại Kusinàrà, liền gởi sứ giả đến thỉnh cầu người Mallà: "Thế Tôn

lạ người Sát đế lỵ, tôi cũng là người Sát đế lỵ, do vậy, tôi cũng đáng được một phần xá lợi của Thế Tôn để xây tháp cúng

dường". Tiếp đến người Licchavì ở Vesàli; người Sakyà ở Kapilavatthu; người Buli ở Allakappa; người Koli ở Ràmagàma;

Bà la môn Vethadìpaka ở Vethadìpa và người Mallà ở Pàvà cũng đều gởi sứ giả đến yêu cầu như trên. Nhưng các người

Mallà ở Kusinàrà tuyên bố rằng: "Đức Thế Tôn đã diệt độ tại quê hương chúng tôi, nên chúng tôi có bổn phận bảo quản

cúng dường xá lợi, không chấp nhận chia cho ai cả".

 

Thấy tình hình có vẻ gay cấn, Bà la môn Dona khuyên mọi người giữ bình tĩnh, không nên nóng nảy manh động, rồi ông

đích thân chia xá lợi làm 8 phần bằng nhau, giao cho 8 sứ giả, còn phần ông nhận bình dùng đong chia xá lợi.

 

Việc chia xá lợi vừa kết thúc thì sứ giả của người Moriyà cũng vừa tới nơi đưa ra thỉnh nguyện của mình. Nhưng khi ấy,

xá lợi đã chia hết chỉ còn lại tro than trà tỳ mà thôi. Do đó, sứ giả Moriyà ở Pipphalivana nhận lấy phần tro than ấy.

 

Thế là, ai nấy đều hoan hỷ thỉnh xá lợi về xứ mình xây tháp cúng dường. Vua Ajàtasattu cho xây tháp tại thành Vương Xá.

Người Licchavi xây tháp tại Vesàli. Người Sakya xây tháp tại Kapilavatthu. Người Buli xây tháp tại Allakappa. Người Koli xây

tháp tại Ràmagàma. Bà la môn Vethadìpaka xây tháp tại Vethadìpa. Người Mallà ở Pàvà xây tháp tại Pàvà. Người Mallà ở

Kusinàrà xây tháp tại Kusinàrà. Bà la môn Dona xây tháp tại khu vườn nhà mình. Người Moriyà xây tháp tại Pipphalivana.

 

Như vậy có 8 tháp xá lợi, tháp thứ 9 là bình đong xá lợi và tháp thứ 10 là tro than lễ trà tỳ.

 

Ngoài ra, kinh này còn nói rằng một phần xá lợi giao cho Long vương và răng xá lợi được cúng dường tại cõi trời Đế Thích.

[Kinh Trường Bộ, tập 1, Kinh Đại Bát Niết Bàn, từ số (24) đến hết, Viện NCPHVN ấn hành 1991].

 

Liên quan đến 8 tháp xá lợi này có nhiều truyền thuyết khác nhau. Vào năm 1898, một người Pháp là Ba Túc (W.C. Peppé)

khai quật một ngôi mộ cổ tại Pipràvà, phía Nam nước Ni Bạc Nhĩ, được một hòm lớn, trong đó có hai hộp bằng sáp ong,

một tráp nhỏ và mấy mảnh bể của bình đựng nước. Hai hộp sáp ong thì một lớn, một nhỏ đều đựng những mảnh xương.

Hộp nhỏ có hình dáng quả cầu, ngăn thành hai phần, nửa phần trên là nắp đậy. Trên nắp khắc hai hàng chữ Brahmi thuộc

thời đại vua A Dục. Nội dung nói: "Đây là chiếc hòm đựng xá lợi Phật của một nhà quí tộc thuộc dòng họ Thích Ca cùng em

gái và vợ con ông lưu giữ thờ phụng". Dữ kiện này cho ta suy đoán đây là một trong 8 phần xá lợi mà người họ Thích nhận

được trong dịp 8 nước phân chia xá lợi của Phật. Qua sự phát hiện này chứng tỏ các kinh Trường Bộ v.v... nói về việc chia

xá lợi Phật là đúng sự thật. Miếng xương ấy về sau Chính phủ Anh đem tặng lại vua Tân La, nhà vua lại đem một phần tặng

lại các nước Sri Lanka, Myanmar và Nhật Bản.

 

Ngoài ra, vào thời vua A Dục, ông đã cho khai quật 7 ngôi tháp xá lợi ngoài phạm vi nước La Ma Già, lấy xá lợi đựng vào

84.000 hộp nhỏ, rồi cho xây 84.000 bảo tháp cúng dường.

5. Xá Lợi Phật tại vài nước Phật giáo

a) Tại Sri Lanka (Tích Lan): Theo Đại sử thuộc văn hệ Pàli thì khi Ma Sẩn Đà (Mahinda) con vua A Dục đến Tích Lan truyền

giáo, vua nước này là Thiên Ái Đế Tu (Devànampiya-Tissa) đã cầu xin vua A Dục ban cho xá lợi của Phật. Sau khi nhận

được xá lợi, ông đã tổ chức lễ cung đón cực kỳ trang nghiêm.

 

Ngoài ra, trong Điều Sư Tử quốc (Tích Lan) thuộc Truyện Cao tăng Pháp Hiển chép: Trong thành của vị vua này có tinh xá

răng Phật. Đại Đường Tây Vức ký quyển 11 cũng chép: Bên cạnh vương cung nước Tích Lan có tinh xá răng Phật.

 

b) Tại Tây Vức: Ở Tây Vức cũng có truyền thống cúng dường xá lợi Phật, như Truyện Pháp Hiển chép: Trong thành Ê La ở

biên giới nước Na Kiệt có Phật đỉnh cốt tinh xá. Điều Ca Tất Thí quốc trong Tây Vức ký quyển 1 chép rằng tại nước này có

ngôi tháp do Long vương kiến tạo, nơi đây dùng để cúng dường xá lợi thịt xương của Phật. Trên bờ phía Nam của một

con sông lớn ở Tây Bắc vương thành có một ngôi già lam của vị cựu vương, trong đó tôn trí một miếng xương đầu của

Phật.

 

c) Tại Trung Quốc: Sách sử nước này ghi chép khá nhiều trường hợp do lòng chí thành mà cảm được xá lợi, như Xuất

Tam Tạng ký tập quyển 13 ghi: Khi Khương Tăng Hội đến Giang Đông, yết kiến vua nước Ngô là Tôn Quyền, vua hỏi về

sự linh nghiệm của Phật, Hội xin hẹn trong 21 ngày để cầu nguyện, quả nhiên cảm được xá lợi. Vua nghi ngờ, sai lực sĩ

dùng dùi sắt đập phá, nhưng xá lợi chẳng hề hấn gì, khiến vua rất thán phục, bèn cho xây chùa Kiến Sơ để phụng thờ.

Đây là ngôi chùa thờ xá lợi Phật đầu tiên tại Trung Quốc.

 

Lại nữa, Quảng Hoằng Minh tập quyển 17, tập Thần Châu Tam Bảo Cảm Thông Lục quyển thượng, Pháp Uyển Châu

Lâmquyển 38, 40 đều có chép những sự thần dị của xá lợi và việc kiến tạo tháp cúng dường từ đời Tấn, đời Lưu Tống

trở về sau.

 

Tây Vức ký quyển 12 chép: Khi Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang du học Tây Vức trở về nước có thỉnh về 150 viên xá lợi

của Phật. Tống Cao tăng truyện quyển 1 cũng cho biết Nghĩa Tịnh đời Đường khi về nước cũng mang về 300 viên xá lợi.

 

Theo Quảng Hoằng Minh tập quyển 15 thì chùa Pháp Môn ở Kỳ Dương là một trong 19 bảo tháp xá lợi. Năm 574, vua Vũ

Đế Bắc Chu xuống chiếu hủy diệt Phật giáo thì xá lợi nơi đây được cất giấu kỹ. Đến năm Hiển Khánh thứ tư (659), vua

Đường cho đạo dưới chân tháp, được 8 viên xá lợi. Năm sau, vua cho rước xá lợi vào Đại Nội ở Đông Đô để cúng dường,

rồi năm Long Sóc thứ hai (662), rước về lại chùa cũ. Đến năm Nguyên Hòa 14 (819), vua Đường Hiến Tông lại ra lệnh

thỉnh xá lợi vào trong cung. Lúc ấy, Hàn Dũ viết "Phật cốt biểu" chỉ trích việc này, ông nói rằng Phật là người Di Địch, không

nên đem xương khô của Ngài vào trong cung vua mà nên đem đốt hay vứt xuống nước cho tuyệt tích. Vua nổi giận đày ông

đến Triều Châu làm Thứ sử, rồi sai Trương Trọng soạn "Phật cốt bi".

 

d) Tại Nhật Bản: Ở nước này cũng có những hiện tượng do cảm ứng mà được xá lợi, như điều 13 Mẫn Đạt Thiên Hoàng

thuộc quyển 20 Sử Nhật Bản chép: Tư Mã Đạt tổ chức trai hội, do lòng chí thành mà cảm được xá lợi, rồi ông đem trình

quan Đại thần Tô Ngã Mã Tử, Mã Tử bèn dùng dùi sắt đập thử mà không hư hao gì, ông lại đem vứt xuống nước, xá lợi

cũng không chìm.

 

(Còn xá lợi Phật tại Việt Nam, xin hẹn một dịp khác sẽ trình bày).

 

*

 

Giờ đây, cách Phật ra đời hơn 25 thế kỷ, muốn được đảnh lễ, cúng dường xá lợi của Phật không phải là chuyện dễ.

Nếu như chúng ta chưa được diễm phúc trực tiếp chiêm ngưỡng, đảnh lễ, cúng dường Sinh thân xá lợi của Phật thì

chúng ta cũng nên thành tâm đảnh lễ, cúng dường Pháp thân xá lợi của Phật. Vì công đức đảnh lễ, cúng dường Sinh

thân xá lợi Phật chủ yếu phát xuất từ tha lực, còn công đức đảnh lễ, cúng dường Pháp thân xá lợi của Phật thì chủ yếu

phát xuất từ tự lực của mỗi chúng ta.