Tìm hiểu Tam Thời Hệ Niệm

Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm

Công đức tu tập Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự

 

Pháp sự siêu độ trong nhà Phật là một phương thức liên lạc cảm thông với những chúng sanh ở các cõi không gian đa chiều khác, mà pháp sự siêu độ của Tịnh Tông Học Hội thì lấy Tam Thời Hệ Niệm làm chủ yếu. Tam Thời Hệ Niệm vốn do quốc sư Trung Phong triều Nguyên (Trung Hoa) đề xướng, mục đích là siêu độ vong linh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn xa lìa biển nghiệp mênh mang.
(Trích lục từ một số bài khai thị do lão pháp sư Tịnh Không giảng về công đức và ý nghĩa tu tập Tam Thời Hệ Niệm)
Pháp sự siêu độ trong nhà Phật là một phương thức liên lạc cảm thông với những chúng sanh ở các cõi không gian đa chiều khác, mà pháp sự siêu độ của Tịnh Tông Học Hội thì lấy Tam Thời Hệ Niệm làm chủ yếu. Tam Thời Hệ Niệm vốn do quốc sư Trung Phong triều Nguyên (Trung Hoa) đề xướng, mục đích là siêu độ vong linh vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc, vĩnh viễn xa lìa biển nghiệp mênh mang.
Thế nhưng tinh thần hàm chứa trong nghi thức càng hữu ích hơn đối với người tại thế, vì người tại thế nếu thành tâm đọc tụng nghe giảng và phát nguyện phụng hành, tất cả được gá thai hoa sen mà viên mãn vô thượng bồ đề. Do đó, pháp sự Tam Thời Hệ Niệm thực sự lợi lạc cả hai cõi âm dương.
Trong pháp sự hệ niệm có tụng Kinh A Mi Đà; có khai thị, quốc sư Trung Phong có khai thị rất tinh yếu về cách tu học của Tịnh Tông, nâng cao lòng tin niệm Phật của hành giả; có nghi thức, với tác dụng khơi dẫn tâm chân thành của chúng ta, có chân thành mới có thể mang lại lợi ích cho quỉ thần.
Trong Tam Thời Hệ Niệm, mỗi thời đều có tụng kinh, niệm Phật, thuyết pháp, kinh hành, sám hối, phát nguyện, xướng tụng cả thảy là bảy tiết mục. Đại ý tam thời (ba thời) như sau:
Thời thứ nhất: Khai thị ba điều (cho cả người tại thế và người quá cố)
1. Thế giới Cực Lạc không có những khổ não như ở thế giới Ta Bà. Nếu người tu hành cầu mong qui hướng về thế giới Cực Lạc, thì nhất định phải buông bỏ tất cả trần duyên, một lòng chuyên niệm thánh hiệu Di Đà, thời có thể vượt thoát biển khổ sanh tử.
2. Sở dĩ chúng sanh chịu khổ vô tận, đều do vô  minh và tham dục ngăn che, không biết mỗi người đều tự có Phật tánh thanh tịnh, cho nên tạo nhiều ác nghiệp. Nếu hiểu rốt ráo tâm này với tâm của Phật A Mi Đà không khác, ngay lúc đó chính là Tịnh độ.
3. Chúng sanh muốn vãng sanh về nước của Phật A Mi Đà cần hội đủ ba điều: tín – hạnh – nguyện. Phải trì niệm thánh hiệu A Mi Đà Phật đến nhất tâm bất loạn, người ấy đến phút lâm chung tâm không tham luyến, ý không điên đảo, tức được vãng sanh về Cực Lạc Quốc Độ.
Thời thứ hai:
1. Cổ lệ hành giả hãy mau sớm kịp thời phát tâm Bồ đề, tinh tấn niệm Phật. Nếu không lập nguyện kiên cố cầu vãng sanh Tây Phương, ắt phải vĩnh viễn luân hồi trong lục đạo, khó có ngày giải thoát.
2. Căn dặn hành giả đem công đức Phật sự thù thắng hồi hướng cho vong linh. Nguyện họ được tẩy trừ nghiệp cấu, tăng trưởng thiện căn, giúp họ nhanh chóng sanh về Tịnh độ.
3. Khuyến tấn hành giả hãy thành tâm sám hối những ác nghiệp mình đã tạo trong quá khứ, đồng thời phát nguyện độ khắp chúng sanh, đồng thành Phật đạo.
Thời thứ ba:
1. Hành giả nên biết một câu danh hiệu A Mi Đà Phật có thể diệt trừ chúng khổ sanh tử trong tám vạn ức kiếp. Nếu nhiếp tâm niệm Phật, ắt sẽ vãng sanh Cực Lạc Quốc.
2. Bảo hành giả biết công đức thù thắng trong sáu chữ hồng danh “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Vọng tâm mê loạn của chúng sanh giống như nước đục, sáu chữ hồng danh như viên ngọc quí được ném vào nước đục (để gạn lọc), làm cho vọng tâm tịch diệt, soi rõ Phật tánh thanh tịnh tự có sẵn nơi mỗi chúng sanh.
3. Khuyên hành giả sau khi nghe đặng pháp yếu Tam Thời Hệ Niệm, hồng danh đức Phật A Mi Đà thời phải tín – thọ – phụng – hành, công đức niệm Phật tất sẽ không uổng phí.
Những năm gần đây tai ương dồn dập, lão hòa thượng động lòng từ bi, đề xướng bảy trăm ngày “Hộ quốc tiêu tai pháp hội”, kỳ nguyện với tâm chân thành của chúng ta, sẽ điều hòa mối quan hệ giữa con người với trời đất quỉ thần, hầu giảm bớt hoặc tiêu trừ tai ương.
Nhìn từ bên ngoài, pháp sự Tam Thời Hệ Niệm là biểu hiện của  đạo hiếu. Nhà Nho nói: “thận chung truy viễn” (trịnh trọng đối với sự chết và luôn nhớ ơn đối với tổ tiên), kết quả là “dân đức qui hậu” (đức tính người dân trở nên đôn hậu). Đây là cách giáo dục hay, dạy mọi người phải hiếu dưỡng cha mẹ, biết đền ơn đáp nghĩa, đó là gốc rễ của đức hạnh. Xưa nay, người Trung Hoa vẫn coi trọng đạo hiếu, đặc biệt việc chú trọng tế lễ tổ tiên. Trong các nghi lễ cổ xưa, việc tế tự rất trang trọng, nghi thức khá phức tạp. Dụng ý người xưa rất cao sâu.
Các cổ thánh tiên hiền Trung Hoa dạy rằng, tại sao phải ghi nhớ tổ tiên? Các vị viễn tổ, thủy tổ phải được truy xét trở lên thời thượng cổ; đều khẳng định là cha ta có cha, ông nội ta cũng có cha, cứ thế truy tìm đến thời thượng cổ, không chỉ vài ngàn năm, mà là vài chục vài trăm ngàn năm, vài triệu năm, vài mươi tỉ năm, các vị tổ tiên đó chúng ta không biết được, hôm nay chúng ta vẫn cúng tế, vẫn siêu độ họ, là tại sao? Đạo hiếu! Đối với tổ tiên thời xa xưa chúng ta vẫn không quên, cũng như thân nhân trước mắt ta vậy.
Thế thì làm sao chúng ta có thể không hiếu thảo với cha mẹ hiện tiền được? Lối giáo dục ngày xưa của Trung Hoa là đem việc tế tự liệt vào hạng ưu tiên làm đầu. Cúng tổ tiên là một lối giáo dục. Luận ngữ nói: “Thận chung truy viễn, dân đức qui hậu”. Thời nay, nhân tâm thiển lạc, ích kỷ tự lợi. Tại sao trở thành như thế? Cái học thờ cúng tổ tiên đã bị xao lãng.
Con người trên thế gian này đã không có tình người, đừng nói chi tình cảm giữa người với người, cả tình cảm đối với cha mẹ ông bà cũng không, thì còn gì để nói nữa? Ngày nay mối tương giao giữa người với người được tính toán qua sự lợi hại chứ không phải bằng đạo nghĩa. Nhân – nghĩa – lễ – trí – tín đã đi đâu mất rồi? Làm sao khôi phục nhân tánh? Chúng ta nói giáo dục nhân tánh, làm thế nào khôi phục đây? Chỉ có thể từ việc bắt đầu thờ cúng tổ tiên, từ gốc rễ này bồi đắp dần lên, “hiếu dưỡng cha mẹ” phải khởi sự từ căn bản này.
Nếu nhìn sâu hơn trong Phật pháp, ý nghĩa này càng to lớn. Trong “ Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh”, Đức Thế Tôn giảng rõ ràng, việc siêu độ thực sự có hiệu quả. Bà La Môn Nữ, Quang Mục Nữ, thân nhân họ đã tạo nghiệp tội rất nặng ở kiếp trước, sau khi chết bị đọa vào địa ngục. Tìm cách cứu độ người thân thoát khỏi địa ngục là tấm lòng hiếu thảo của con cái. Làm được không? Được! Vì Đức Phật có nói: “ Nhất thiết pháp tùy tâm tưởng sanh”. Phát tâm chân thành, tâm từ bi, y theo phương pháp Phật dạy mà tu tập sẽ đạt được tâm  nguyện.
Phương pháp trong kinh Địa Tạng dùng là niệm Phật. Niệm Phật nhất định phải niệm đến đạt công phu mới có hiệu quả; nếu niệm Phật không đạt công phu, thì dù niệm nhiều mà không chuyển được cảnh giới, không đạt hiệu quả siêu độ. Bà La Môn Nữ niệm Phật một ngày một đêm, trong thiền định thấy được địa ngục, gặp quỉ vương bảo cô rằng, mẹ cô đã sanh về cõi trời Đao Lợi, Vì sao bà được sanh lên cõi trời? Vì bà có người con gái chí hiếu, làm theo lời Phật dạy mà siêu độ bà.
Không những bà được siêu độ, mà chúng sanh trong địa ngục thọ tội như bà được nương nhờ công đức ấy cũng được sanh lên cõi trời. Cô niệm Phật một ngày một đêm có gì thay đổi không? “ Chuyển phàm thành thánh”. Cô đạt nhất tâm bất loạn. Đạt nhất tâm bất loạn là thánh nhân, không phải phàm phu. Vì vậy quỉ vương xưng cô là “Bồ Tát”, đây là cảnh giới trong thiền định.
Sở dĩ Bà La Môn Nữ có thể chuyển phàm thành thánh là do bà mẹ giúp; nếu mẹ cô không tạo tội, không đọa địa ngục, thì cô sẽ không niệm Phật, và mãi mãi vẫn là phàm phu. Vì vậy công đức bà mẹ là chỗ này. Bà nhờ công đức đó mà sanh lên cõi trời. Chúng ta hiểu được ý nghĩa này mới biết rằng, muốn siêu độ thân nhân quyến thuộc cần phải thành tâm, tự mình phải thật tu, thực sự tu hành chứng quả, đem công đức hồi hướng cho họ. Họ bị đọa lạc, bắt buộc chúng ta phải tu, ta không tu, họ không được độ thoát, phải chịu khổ; ta thật tu, đạt kết quả, họ mới có thể thoát ly đau khổ. Vậy là có tác dụng hổ tương (nhờ qua nhờ lại).
Hôm nay chúng ta làm Phật sự, làm theo nghi thức một biến, nếu cảnh giới của chúng ta không chuyển đổi, thì hiệu quả siêu độ rất mong manh. Vong linh tại địa ngục vẫn ở địa ngục; tại ngạ quỉ đạo vẫn là ngạ quỉ. Khi làm Phật sự, nếu quan niệm người siêu độ chuyển đổi, “chuyển ác thành thiện”, “chuyển mê thành ngộ”, người được siêu độ sẽ hưởng được lợi ích; trong lúc làm Phật sự nếu thật sự đạt được “ chuyển phàm thành thánh”, thì vong linh chắc chắn thoát ly ác đạo.
Cho nên nhận làm siêu độ cho người khác không phải chuyện dễ. Tín dồ mang tiền đến và cung kính thỉnh quí vị giúp siêu độ cho thân nhân họ, quí vị độ không được, mà tiền đã nhận, đó là phiền phức lớn đấy! Tôi cả đời không dám làm chuyện này, vì tôi hiểu cái lý và sự thật bên trong. Do đó, làm Phật sự không nên thu nhận tiền bạc, phải chân thành tận tâm tận lực mà làm, các vong linh sẽ hưởng được lợi ích. Nếu làm Phật sự cầu siêu mà nêu ra giá cả, như thế không những không có hiệu quả gì mà lại còn có tác dụng phụ, điều này chúng ta cần phải biết. Do đó, chỉ cần tự ta có lòng thành, đạt công phu, phần hình thức không quan trọng.
Trong quyển “Ảnh trần hồi ức lục”, lão pháp sư Đàm Hư có kể lại câu chuyện “tám năm đèn sách học Lăng Nghiêm”. Lúc đó, ngài chưa xuất gia, hợp vài vị đạo hữu cùng nhau học Kinh Lăng Nghiêm. Họ bỏ ra tám năm để học bộ kinh này. Họ trao dồi miệt mài với lòng thành kính và đạt được một chút công phu. Họ có hùn vốn mở một tiệm thuốc bắc. Một buổi trưa vắng khách hàng, một người trong nhóm họ ngủ gục bên bàn tiếp khách, chập chờn như giấc mộng thấy có hai quỉ đến.
Hai vong hồn này là oan gia trái chủ. Lúc còn sống họ còn tranh kiện với ông ta vì vấn đề tiền bạc của cải, rốt cuộc ông ta thắng kiện, hai người thua kiện sau đó đã thắt cổ tự tử. Hai vong hồn đến trước mặt ông quỳ xuống, ông hỏi: “Các người muốn gì?”. Hai vong hồn đáp: “Xin siêu độ cho chúng tôi”. Ông mới thấy yên tâm, bèn hỏi: “Phải làm thế nào siêu độ các người?”. Hai vong hồn trả lời: “Chỉ cần ông nhận lời là được”. Ông nói: “Được, ta nhận lời”. Hai vong hồn bèn đạp lên đầu gối ông, rồi bước lên bả vai và sanh lên cõi trời, không có nghi thức chi cả.
Liền đó lại thấy hai vong hồn nữa, một là người vợ quá cố và cái vong kia là đứa con đã chết của ông ta. Cả hai đến ông xin siêu độ, ông nhận lời, hai vong đó cũng đạp lên đầu gối và bước lên hai vai ông mà được sinh lên cõi trời. Điều này là lý do gì? Cùng một lý do như trong Kinh Địa Tạng. Chính ông đã đọc Kinh Lăng Nghiêm suốt tám năm trường mà đạt được công phu. Cho nên khi tu trì chưa đạt công phu, vong hồn không tìm đến bạn; chúng tìm đến bạn, chứng tỏ bạn có đủ công phu giúp đỡ họ.
Vì vậy tôi khuyên tất cả đạo hữu, đức hạnh là quan trọng. Có đức hạnh mới có khả năng siêu độ oan gia trái chủ. Đây là đạo lý và sự thật, chúng ta cần hiểu minh bạch rõ ràng, một khóa Phật sự siêu độ, với Tam Thời Hệ Niệm, chúng ta đã biết phải làm thế nào.
Chư đại đức ngày xưa có dạy rằng khi đọc tụng hay nghiên cứu kinh điển phải tùy văn nhập quán. Tùy văn nhập quán là khế nhập cảnh giới, làm sao nhập được cảnh giới đó. Cần nêu rõ phương pháp để mọi người tham dự đều hiểu rõ, khi đọc kinh, cảm thọ sẽ có khác; nói cách khác, đó là chuyển cảnh giới.
Tuy là thời gian chuyển nhập không lâu, nhưng đang lúc làm Phật sự mà khế nhập được mấy phần, cũng có thể đạt một phần hiệu quả. Nếu thật sự khế nhập và không thối chuyển thì công đức vô cùng to lớn, kẻ được siêu độ chắc chắn đắc độ. Cùng một lý do, khi hành trì bất cứ pháp sự nào đều phải giảng kỹ nội dung, nghiên cứu tường tận, tốt nhất là những người tham dự đều hiểu rõ, thì Phật sự đó sẽ vô cùng thù thắng. Những đạo lý này nếu dùng phương pháp khoa học hiện đại giải thích thì đó là hiện tượng ba động (làn sống giao động).
Tu học, đọc tụng, niệm Phật xác thực là có hiệu quả, không những cảnh giới của chính mình được nâng cao, mà đối với thân nhân quyến thuộc, cho đến tất cả chúng sanh đều có mang lại lợi ích. Lợi ích nhiều ít, lớn nhỏ, hoàn toàn phụ thuộc vào sự dụng tâm của mình, tâm càng chân thành, bình đẳng, hiệu quả càng thù thắng. Nếu có xen tạp nghi ngờ, lo lắng, vọng tưởng, phiền não, thì công phu hoàn toàn bị phá hủy, nên hiểu rõ cái lý này.
Trong bút ký tiểu thuyết có ghi đoạn truyện như sau: Triều đại nhà Minh có viên đại tướng tên là Thích Kế Quang. Ông là một tín đồ Phật giáo kiền thành. Có lần ông nằm mộng thấy một binh sĩ chết trận đến xin siêu độ, cầu ông tụng Kinh Kim Cang hồi hướng cho anh ta, ông nhận lời. Hôm sau, ông một lòng cung kính tụng Kinh Kim Cang, đang đọc tụng phân nửa thì có người hầu mang trà đến cho ông, ông không nói chuyện, chỉ khoát tay với dụng ý “không cần”, người hầu mang trà trở ra. Đêm hôm đó, ông lại mộng thấy vị binh sĩ đến cám ơn ông, anh nói: Tôi chỉ nhận được phân nửa bộ kinh, vì khoảng giữa ông có xen vào một cái “không cần”.
Ông mới nhớ lại vụ người hầu bưng trà, tuy ông không nói chuyện, nhưng có sanh ý niệm “không cần”. Toàn bộ kinh có xen tạp một cái “không cần”, hiệu quả bị giảm phân nửa. Qua ngày hôm sau, ông phải tụng lại toàn bộ kinh và hồi hướng công đức cho người tử sĩ kia. Vì vậy lúc công phu kỵ nhất là xen tạp, một khi có xen tạp thì hiệu quả không còn. Chính vì vậy, người xưa có nói: tụng kinh không bằng niệm chú, niệm chú không bằng niệm Phật, vì càng đơn giản, càng ngắn, càng không dễ bị xen tạp. Niệm đến thật sự không bị xen tạp, không nghi ngờ, không gián đoạn, đó chính là công phu.
Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm Pháp Sự Toàn Tập
 “Trung Phong”: là pháp hiệu của Minh Bổn thiền sư ở triều đại nhà Nguyên. Trung Phong là biệt hiệu, ông là người xứ Tiền Đường ở Hàng Châu, ngày nay gọi là Tiêu Sơn, Hàng Châu. Ông là một Đại đức cao siêu lỗi lạc, có tu có chứng, có đức độ có học thức. Vị cổ đức Thiền tông này đã biên tập hệ niệm pháp sự có ý nghĩa rất cao sâu. Ngài dạy rằng, mục tiêu cuối cùng của Phật pháp chính là cầu vãng sanh Tịnh Độ, nhân đây chúng ta càng thấy rõ sự thù thắng của pháp môn Tịnh Độ.
Tam thời tức ba thời. Pháp sự này gồm thời thứ nhất, thời thứ hai, thời thứ ba. Ngày xưa ở Ấn Độ, người ta chia ban ngày ra làm ba thời, ban đêm ba thời. Do đó, tam thời hàm ý ngày đêm không xao lãng.
 “Niệm   ” kết cấu chữ này thuộc về hội ý; trên là chữ “kim   ” có nghĩa là hiện tại, dưới là chữ “tâm   ” kết hợp lại có nghĩa là trong tâm hiện tại có Phật. Trong tâm thật có, mới gọi là niệm, không phải có ở quá khứ, không phải có ở vị lai. Hệ niệm có nghĩa là niệm niệm chẳng rời.
 “Pháp”: là phương pháp. Quốc sư Trung Phong vì chúng ta mà chế định quyển pháp này, để y theo đó tu tập pháp sự cầu vãng sanh.
 “Sự”: là chuyên cầu vãng sanh Tịnh Độ.
 “Tập”: là bản toàn tập đang nói đây. Pháp sự này do quốc sư Trung Phong hội tập. Bản hội tập này gồm ba thời hoàn chỉnh, nên gọi là “toàn tập”.
Kinh Phật nói, nguyên nhân của nạn lụt là tham dục, nguyên nhân hỏa hoạn do sân hận phát khởi. Ngu si chiêu cảm bão tố, ngạo mạn bất bình chiêu cảm động đất. Mâu thuẩn xung đột, chiến tranh loạn lạc đều bắt nguồn từ sự oan oan tương báo, đòi nợ trả nợ. Phật pháp thế pháp đều không rời lý nhân quả, gọi là “ vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Đây là định luật vĩnh viễn bất biến.
Những năm gần đây, thiên tai nhân họa xảy ra dồn dập khắp thế giới. Do người đời theo đuổi phát triển văn minh vật chất khoa học kỹ thuật, tiêu hao số lượng to tát của tài nguyên trái đất, môi trường thiên nhiên bị phá hoại nghiêm trọng. Nhân và quả có quan hệ qua lại, nhân quả sẽ tuần hoàn mãi mãi, do đó tai ương có xảy ra hay không, là do ở lòng người. Nếu nhân tâm bỏ ác theo thiện, kiếp nạn có thể hóa giải, có thể hoãn lại.
Thời nay các khoa học gia nói đến sóng tư tưởng, tư tưởng người đời rất phức tạp, nhất là những tư tưởng tà ác như những luồng sóng to cuồn cuộn lên xuống dữ dội. Người niệm Phật phải là “thanh tịnh bình đẳng giác”, sóng tư tưởng này là bình lặng thăng bằng.
Niệm Phật thường phát ra từ trường an tịnh ổn định. Niệm Phật tỏa ra sóng tư tưởng thanh tịnh bình đẳng giác, có thể làm hòa hoãn và quân bình làn sóng tư tưởng tà ác của thế nhân. Dòng sóng tư tưởng bình lặng thăng bằng của chúng ta xung kích vào ngọn sóng tà ác cuồn cuộn của thế gian, có thể làm nó giảm yếu đi, đó là nguyên lý hóa giải tà ác và tai ương. Cho nên khi chúng ta niệm Phật với tâm bình khí hòa sẽ có tác dụng hữu ích cho nền hòa bình của thế giới và sự ổn định của xã hội. Phát tâm niệm Phật chân chánh sẽ mang lại lợi ích tự độ độ tha, cứu vãn tai kiếp trên thế gian.
Nguyện cầu tứ chúng đồng đạo chí thành cung kính, hết lòng tha thiết sám hối tất cả tội nghiệp ở kiếp quá khứ và hiện tại, trịnh trọng thực hiện lời giáo huấn của Đức Phật. Dùng tâm chân thành – thanh tịnh – bình đẳng – giác ngộ – từ bi, thành thật niệm câu Phật hiệu. Chúng ta tin tưởng sâu xa rằng tạo duyên nghiệp vạn thiện tất sẽ chiêu cảm phước báo vạn thiện. Đại chúng chí tâm thành ý, chư Phật Bồ Tát sẽ tùy xứ ứng hiện, cảm ứng đạo giao.
Làm Phật sự Tam Thời Hệ Niệm phải nhất tâm chú niệm một câu hồng danh sáu chữ, nhờ sức mạnh oai đức gia trì của chư Phật, lễ thỉnh chư vong linh, cô hồn, những chúng sanh khổ nạn đến dự thắng hội, nghe pháp, tụng kinh, trì danh, sám hối, phát nguyện, thọ trì tam qui, hồi hướng, đem Phật pháp thù thắng cúng dường chúng sanh, làm cho họ tâm khai ý giải, lìa khổ được vui, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Kính thỉnh phát tâm tổ chức
"Pháp hội Tam thời hệ  niệm Hộ quốc tức tai 100 thất"
Gần đây trên toàn cầu phát sinh đủ loại tai nạn. Loại cúm độc dịch heo tại Mễ Tây Cơ, các chuyên gia tuyên bố là vô phương khống chế. Các nơi trong nước Úc xảy ra những tai nạn cháy rừng, gió bão không khác gì cảnh địa ngục. Tảng băng ở hai miền Nam Bắc Cực tăng tốc độ tan hóa, việc này chẳng còn là tin tức mới mẻ nữa. Viện nghiên cứu Mỹ báo cáo “ Mực nước của những dòng sông lớn trên thế giới đã hạ thấp một cách rõ rệt”. Sự khủng hoảng kinh tế đang phủ trùm toàn cầu, nguy cơ về tài nguyên năng lượng, lương thực cũng đang bành trướng…
Thêm vào đó những lời tuyên đoán về Nhật Bổn, Sumantra của Indonesia sẽ phát sinh cuộc động đất dữ dội, rất nhiều thành phố của Mỹ sẽ bị gió xoáy, vũ bão, gió tuyết đồng thời bao phủ.Indonesia, Nhật Bổn, Đại hàn, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan sẽ bùng phát trận dịch cúm một cách đại quy mô; sóng thần sẽ nhận chìm rất nhiều thành phố ven biển của toàn thế giới.
Cho dù có bao chuyện đã xảy ra hoặc chưa xảy ra theo tiên đoán; với đại trí tuệ của Phật đà nhìn thấu ngọn nguồn cùng với sự khải thị của các kinh điển Đại thừa: “Tất cả tai nạn đều do các phiền não, tham, sân, si, ngã mạn chiêu cảm, do những ác nghiệp sát, đạo, dâm, vọng tạo thành”. Muốn mau chóng hóa giải những nguy cơ tai nạn, chỉ một điều duy nhất là triệt để buông bỏ cái tâm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, cùng nhau chí thành sám trừ nghiệp chướng, đoạn ác tu thiện, nhất tâm niệm Phật, giải trừ oán thù.
Tịnh Không một đời chuyên chí trong việc giảng kinh dạy học và hiểu rõ một cách sâu sắc việc dùng luận lý nhân quả, đạo đức của Thánh hiền, giáo dục của Tôn giáo để giáo hóa toàn dân, tẩy rửa tâm tánh, chuyển ác làm lành. Đây là căn nguyên giúp chúng sanh thoát ly căn gốc của khổ đau.
Giả sử như muốn thích ứng với căn cơ của chúng sanh thời mạt pháp, hóa giải mọi oán kết giữa kẻ âm và người dương, pháp hội “Trung Phong Tam Thời Hệ Niệm” là phương pháp trọng yếu vô cùng. Chính vì vậy, bắt đầu từ năm vừa qua Tịnh Không đặc biệt khuyến khích những pháp sư trẻ tuổi phát tâm bồ đề, tổ chức “Pháp hội Tam thời hệ niệm Hộ quốc tức tai 100 thất”. Mỗi ngày tụng niệm trọn bộ liên tiếp 100 thất (khoảng 2 năm). Chuyên vì khuyến hóa chúng sanh cõi âm, tin sâu, nguyện thiết pháp môn niệm Phật, phát tâm cầu sanh Cực lạc tịnh độ, miễn trừ những khổ đau, phiền trừ của lục đạo. Chư vị nhân giả nếu thực sự phát tâm, ổn định nhân tâm để tùy văn nhập quán, chắc chắn trong 100 thất sẽ đạt nhiều lợi ích thâm diệu không thể nghĩ bàn.
Tịnh Không nay đã 83 tuổi già, chí thành tha thiết, cung thỉnh Tịnh tông học viện Úc châu và các đoàn thể Phật giáo trên toàn thế giới, chư vị nhân giả phát bồ đề tâm, tổ chức “Pháp hội Tam thời hệ niệm Hộ quốc tức tai 100 thất”, chí thành hồi hướng cho chúng sanh trên toàn cầu được tiêu tai miễn nạn, âm dương lưỡng lợi. Dù là đọc tụng hoặc làm pháp hội, điều quan trọng là phải dùng tâm chân thành, thanh tịnh, trọng thực chất chứ không trọng hình thức.
Phật nói: “Thân an đạo hưng”. Thế giới quả có thể an định hài hòa, đây chính là điều trợ duyên giúp người học Phật nâng cao cảnh giới, giúp quảng đại chúng sanh học tập giáo dục của thánh hiền, cho nên chớ có xem thường. Người chân tu thật sự thực hành, chắc chắn được chư Phật, Long thiên hộ pháp hộ trì và Tịnh Không cũng xin cúi đầu đảnh lễ tán thán.
Một lần nữa kính mong mọi người cùng nhau thực hành.
 
Hòa Nam ngày 28/4/2009
Thích Tịnh Không