Hạnh Bồ Tát

Hoàn cảnh khó là chướng duyên mà ta tháo gỡ được, mới giải thoát.

 

“Tổ Đạt Ma hỏi Thần Quang rằng ai trói ông. Mình tự trói thì phải tự gỡ, nhưng tất cả chúng ta đều rơi vô thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhơn. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, cho nên chúng ta hành đạo phải tháo gỡ thập triền thập sử, cái gì ràng buộc, cái gì sai sử chúng ta cắt bỏ để không bị ràng buộc, không bị sai khiến”

 

Hàng Thanh văn, Duyên giác có độ cảm tâm sâu xa, hay có trí tuệ mới đi vào đạo, học đạo được. Còn những người khác chỉ là kết duyên với đạo mà thôi. Hoàn tất quá trình tu của Thanh văn, Duyên giác mới chuyển sang hành Bồ-tát đạo giáo hóa chúng sanh, gọi là tự độ mới độ tha. Đắc La-hán là học xong rồi mới thực tập trong cuộc đời là tìm người có nhân duyên để giáo hóa. Các anh em làm đúng trình tự như vậy sẽ ít gặp khó khăn.

Mới ban đầu giáo hóa chúng sanh là phát tâm Bồ-đề từ tâm chơn như, gọi là chơn như duyên khởi, không phải phát tâm từ vọng tâm hay A-lại-da duyên khởi. Đa số chúng ta phát tâm tu từ ham muốn, từ suy nghĩ, đó không phải là phát tâm Bồ-đề. Khi thầy hỏi phát tâm chưa, ta trả lời là đã phát tâm thì đó là phát từ vọng tâm, không phải Bồ-đề tâm. Nếu từ chơn như duyên khởi phát tâm thì thầy có hỏi hay không, hoặc hỏi mà mình yên lặng là phát tâm rồi, vì tâm đã lắng yên, đắc La-hán và khởi ý niệm thương chúng sanh, muốn cứu độ chúng sanh mới là phát Bồ-đề tâm. Vì vậy, kinh Hoa nghiêm nói rằng sơ phát tâm thủy thành Chánh giác, nghĩa là đã chứng A-la-hán mới phát tâm, nhưng chúng ta không hiểu đúng, hay không áp dụng được. Sơ phát tâm là Phật rồi. Phật này là Như Lai tại triền, tức sâu kín trong lòng chúng ta phát tâm rồi, nhưng còn thân tứ đại bị ngũ uẩn ngăn che, nên phải trải qua một giai đoạn dài tu hành để tháo gỡ ngăn che này.

Thật vậy, ai tu cũng có chướng duyên, nhưng chướng duyên làm chúng ta đi cao hơn, hay làm trở ngại mình. Nếu đó là thắng duyên thì chúng ta phát sanh trí tuệ, nhưng là chướng duyên cho người chưa thực phát tâm. Người chưa thực phát tâm thường nói tôi muốn tu mà họ không để yên cho tôi tu, không cho mình tu.

Hoàn cảnh khó là chướng duyên mà ta tháo gỡ được, mới giải thoát. Vì vậy, Tổ Đạt Ma hỏi Thần Quang rằng ai trói ông. Mình tự trói thì phải tự gỡ, nhưng tất cả chúng ta đều rơi vô thập triền thập sử tích thành hữu lậu chi nhơn. Đó chính là nguyên nhân sâu xa, cho nên chúng ta hành đạo phải tháo gỡ thập triền thập sử, cái gì ràng buộc, cái gì sai sử chúng ta cắt bỏ để không bị ràng buộc, không bị sai khiến. Tôi thấy rõ chúng ta bị lệ thuộc ở tham vọng, tham vọng sai sử mình. Vì vậy, cắt tham vọng thì không bị trói buộc. Ta có nhiều ham muốn, thậm chí muốn tu nhưng người không cho tu; vì cái muốn tu này của ta đụng chạm quyền lợi của người khác. Người khác muốn ta lao động vì ta là công dân mà từ chối nghĩa vụ lao động sao được. Có trí tuệ thấy rõ điều này, nên tôi được giải thoát. Thật vậy, sau khi đất nước giải phóng, người ta nghĩ lao động là vinh quang thì tôi sắm quần áo lao động và đạp xe xuống chùa Huê Nghiêm 2 để làm ruộng, vì xã hội lúc đó chủ trương có làm mới có ăn, người ta muốn mình lao động thì mình cũng muốn như vậy, mới được giải thoát.

Kinh Pháp hoa nói người đắc La-hán mà không phát tâm được là tăng thượng mạn, vì đắc La-hán là trở về tâm chơn như, nhưng lại không phát tâm được chứng tỏ họ chưa đạt đến sở đắc này.

Qua kinh Bát-nhã, theo tôi cũng phát xuất từ trí tuệ theo kinh Nguyên thủy là giới định tuệ. Tuệ sanh, ta lấy trí tuệ làm mạng của mình. Người tu khác người đời ở chỗ có giới thân và huệ mạng. Người tu không có đức hạnh không hơn gì người đời. Đối với người tu, đức hạnh là thân. Ai cũng có thân tứ đại, nhưng thân người được kính trọng vì họ có đức hạnh. Đức Phật cho biết phải trải qua vô lượng kiếp tu hành kết tinh những việc làm phước đức mới có được thân đáng kính trọng. Thật vậy, người tu 20 năm sẽ hiện thân tướng khác với người mới phát tâm tu và người tu 40 năm là Hòa thượng phải có tướng giải thoát. Người không kính trọng, phải nghĩ vì mình thiếu đức nên sợ mà lo tu. Tôi gặp người xem thường mình, tôi không khởi tâm khó chịu, nhưng quay ngược lại mình xem tại sao họ lại đối xử tệ với mình bằng cách quán sát nhân duyên. Họ kính trọng vì ta đáp ứng yêu cầu của họ. Họ nói xấu vì ta làm tổn thương họ. Thí dụ thầy A thưa với tôi rằng thầy B làm điều gì đó. Nếu tôi giải quyết theo nguyện vọng của thầy A thì thầy B hận tôi, ngược lại, tôi giải quyết theo thầy B thì thầy A buồn tôi. Tôi gọi việc này là phản ứng phụ. Vì vậy, ta làm gì tốt nhất có thể được, còn phản ứng phụ chắc chắn phải có, nên ta cố gắng điều hòa được đến mức nào đó mà thôi.

Lấy trí tuệ làm mạng sống để giải quyết việc một cách tốt nhất. Muốn được như vậy, phải có trí tuệ và đức hạnh. Trong đại chúng, người có đức hạnh dễ được mọi người nghe theo và có trí tuệ đưa ra quyết định đúng đắn, họ cũng phải nghe. Vì vậy, phát Bồ-đề tâm mà chưa có trí tuệ và đức hạnh, đương nhiên không hành Bồ-tát đạo được. Nếu chúng ta có làm thì tôi coi đó là việc từ thiện của thế gian, không phải của Bồ-tát. Việc thế gian, vui thì làm, thích thì làm, buồn thì bỏ, giận thì chống lại. Nhìn kỹ bức tranh cuộc đời thấy rõ mới làm đạo được.

Tu Thanh văn, Duyên giác, trí tuệ sanh rồi, chúng ta nhìn đời chính xác mới qua Bồ-tát đạo. Trên nền tảng này, Bồ-tát Văn Thù dạy Thiện Tài trước nhất phải cầu học với Đức Vân Tỳ-kheo đi kinh hành trên mây.  Nghĩa là anh em muốn hành Bồ-tát đạo, phải có cuộc sống mà cuộc đời không bao giờ tác động ta được, không làm ta vui buồn. Ta luôn thanh thản với cuộc đời, đối với những điều tốt xấu xảy ra, ta vẫn tự tại, mỉm cười nhìn đời. Cuộc đời dù đầy dẫy đau khổ, bất công vẫn không tác hại ta, gọi là đi trên mây. Khi tôi quán tưởng pháp này, bạn bè thường nói rằng chết đến nơi mà không sợ. Sợ là chưa có niềm tin, không hành Bồ-tát đạo được.

Bồ-tát THẬP TÍN

Kinh Hoa nghiêm nói rằng niềm tin là mẹ sanh ra các công đức. Tin Phật hộ niệm ta làm đạo, tin Phật rước ta. Vì vậy nỗ lực làm nhiều việc tốt để hết duyên thì Phật rước ta đi thanh thản. Và điều quan trọng là khi ta thanh thản được thì người tới với ta cũng thanh thản, an lạc theo. Nói xa như Tổ dạy là vô tác diệu lực. Còn thực tế theo kinh nghiệm của riêng tôi, người thấy ta an lạc giải thoát, phiền lụy của họ cũng tiêu tan. Nếu ta còn buồn giận thì người tới, ta lại sợ mang họa nữa.

Theo kinh Hoa nghiêm, nhập môn là bắt đầu bằng niềm tin của chúng ta phải vững, đương nhiên có nhiều thử thách chông gai, cạm bẫy mà kinh Pháp hoa gọi là năm trăm do tuần đường hiểm sanh tử. Nghĩa là từ khi chúng ta phát Bồ-đề tâm đến khi thành Phật, chúng ta sẽ gặp không biết bao ma chướng, truyện Tây du gọi đó là 81 tai nạn. Ngài Trần Huyền Trang phát tâm thỉnh kinh ở Ấn Độ, phải trải qua 81 nạn và khi ngài vượt được 80 nạn đến Tây Thiên thì Bồ-tát Di Lặc phải cho ngài gặp một nạn cuối cùng để đủ con số 81 nạn. Đây là tiểu thuyết hóa Bồ-tát đạo cho dễ hiểu.

Thiết nghĩ bước đường hành Bồ-tát đạo có nhiều chướng duyên để chúng ta bước lên. Thí dụ bệnh là chướng duyên nhưng cũng là thắng duyên. Nếu biết thì bệnh sẽ là thắng duyên, không biết thì nó là chướng duyên. Khi bị bạo bệnh, nghĩ mình không sống được, mới buông bỏ; còn sống thì không dám buông. Nghe bác sĩ báo rằng mình bị bệnh ung thư, không thể sống quá sáu tháng. Sự thật này là cái án để ta phản tỉnh, ý thức mãnh liệt về thời gian sống còn rất ngắn, nên vội vàng buông hết, lo tu. Còn luôn khỏe mạnh, tưởng mình sống lâu nên quên tu.

Ma chướng xảy ra cũng là thắng duyên để thử lòng ta, xem mình có bị tác động không, đe dọa có sợ không, cám dỗ có ngã lòng không. Trước kia, Hòa thượng Minh Thành ở chùa Ấn Quang có thị giả thường bị ông la rầy. Một bữa nọ, Hòa thượng thử thị giả có tu đàng hoàng hay không, mới nhờ người đệ tử đến nói với ông thị giả này rằng thầy ông khó tánh quá, tôi thương ông, nếu bằng lòng thì về nhà tôi ở để tu. Nhà tôi duy nhất có một con gái. Nghe bà nói vậy, ông thị giả thấy đúng, về nhà bả ở sướng hơn và có thể bả tính chuyện gả con cho ông. Suy nghĩ như vậy, ông viết thư để lại cho Hòa thượng, xin về nhà và mang túi đồ đi. Nhưng đến nhà bà này, chẳng những không được đón tiếp mà còn bị bà nạt đuổi đi, nói ông là tu sĩ giả. Có thử thách như vậy, nếu kiên tâm bền chí tu hành sẽ vượt qua cám dỗ là biến chướng duyên thành thắng duyên. Ngài Ngộ Đạt diễn tả lý này là chuyển khổ duyên thành lạc cụ. Người tu không vượt qua chướng duyên không thành Phật. Trên bước đường tu nên biết rằng có rất nhiều chông gai thử thách gian lao mà chúng ta phải đổ mồ hôi, thậm chí đổ máu để vượt qua thì mới trưởng thành, mới lên ngôi Phật. Đừng mơ có người trải thảm nhung đón ta. Không làm gì cho đạo cho đời thì chỉ là con nợ.

Phát tâm Bồ-đề đúng pháp theo kinh Hoa nghiêm phải trải qua mười chặng đường để xem tâm chúng ta bền vững không, gọi là thập tín và nếu tâm vững mới bước qua thập trụ là trụ tâm. Giai đoạn một ở thập tín vượt qua thử thách, đến giai đoạn hai vững tâm rồi, chắc chắn không bị cuộc đời lung lay và biến cuộc đời thành công cụ làm đạo, biến ác ma thành pháp lữ, vì họ không hại được ta, thấy ta cao thượng hơn họ, mới trở thành bạn. Thể hiện lý này một cách trọn vẹn là Phật đã chuyển hóa hàng ngoại đạo thành đệ tử của Ngài, đó chính là tinh thần Bồ-tát đạo theo Đại thừa.