Phẩm 27: Bồ Tát Tán Dương 

Khi đức Thích ca mâu ni thế tôn tuyên thuyết kinh Ánh sáng hoàng kim, thì mười phương quốc độ có vô lượng bồ tát, đều từ quốc độ của mình mà đến đỉnh Thứu phong, chỗ đức Thế tôn, năm bộ phận gieo xuống sát đất, đảnh lễ Ngài rồi nhất tâm chấp tay, khác miệng cùng tiếng mà tán dương.

(1) Sắc thân Thế tôn  
như màu hoàng kim,  
ánh sáng trải khắp  
như núi vàng thật,  
trong sạch ôn nhu  
như là hoa sen,  
với bao màu sắc  
trang sức tuyệt đẹp.  
(2) Ba mươi hai tướng  
trang hoàng cả người,  
tám mươi nét đẹp  
trang sức toàn hảo,  
ánh sáng rực rỡ  
không ai đồng đẳng,  
trong suốt tựa như  
vầng trăng tròn đầy.  
(3) Tiếng Ngài trong thanh  
cực kỳ tinh tế,  
oai như sấm nổ  
như sư tử gầm,  
với tám đặc tính (103)  
thích ứng mọi người,  
hơn cả tiếng chim  
tần dà vân vân.  
(4) Trang nghiêm hình dung  
bằng trăm phước mầu,  
ánh sáng toàn hảo  
không gợn vẩn đục,  
tuệ giác lắng trong  
in như biển cả,  
công đức rộng lớn  
in như không gian.  
(5) Viên quang chiếu khắp  
mười phương quốc độ,  
tùy duyên hóa độ  
vô lượng sinh linh,  
ái nhiễm thì đến  
thói quen cũng hết,  
đuốc Pháp thường đốt  
không bao giờ tắt.  
(6) Xót thương ích lợi  
bao loại chúng sinh,  
hiện tại vị lai  
đều cho yên vui,  
thường tuyên thuyết cho  
đệ nhất nghĩa đế,  
làm cho thể chứng  
Niết bàn chân tịnh.  
(7) Thế tôn nói pháp  
cam lộ siêu việt,  
đem cho nghĩa lý  
cam lộ nhiệm mầu,  
dẫn vào thành trì  
cam lộ niết bàn,  
làm cho thụ hưởng  
cam lộ pháp lạc.  
(8) Thường xuyên ở trong  
biển cả sống chết,  
cứu vớt đau khổ  
cho bao chúng sinh,  
làm họ đứng vững  
đại lộ yên ổn,  
đem cho cái vui  
như ý khó lường.  
(9) Biển cả công đức  
cực kỳ sâu rộng,  
không phải ví dụ  
có thể minh họa,  
thường nổi đại bi  
đối với chúng sinh,  
phương tiện hóa độ  
không lúc nào ngừng.  
(10) Biển cả tuệ giác  
không có ngoại biên,  
nhân loại chư thiên  
cùng nhau ước lượng,  
giả sử đến cả  
ngàn vạn ức kiếp  
cũng không biết được  
một phần chút ít.  
(11) Chúng con ước lược  
tán dương Phật đức,  
chỉ là một giọt  
trong biển đức ấy,  
hướng khối phước này  
về cho chúng sinh,  
nguyện cùng tốc chứng  
bồ đề diệu quả.  
Khi ấy đức Thế tôn bảo chư vị bồ tát, lành thay, chư vị khéo tán dương như vậy đối với phẩm chất của Phật, lợi ích chúng sinh, quảng tác việc Phật: diệt được vô lượng ác nghiệp, sinh được vô lượng phước báo.

 

Phẩm 28: Diệu Tràng Tán Dương 

Lúc ấy bồ tát Diệu tràng liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vắt vạt áo của vai bên phải, gối bên phải quì xuống chấm đất, chắp tay hướng về đức Thế tôn mà tán dương.

 

(1)   Tướng hảo Thế tôn  
trăm phước viên mãn,  
vô lượng công đức  
tự trang nghiêm mình,  
thanh tịnh bàng bạc  
ai cũng thích nhìn,  
ánh sáng chiếu tỏa  
như ngàn mặt nhật.  
(2) Ánh sáng rực lên  
với bao màu sắc,  
tướng hảo uy nghi  
như khối ngọc quí,  
như mặt trời mọc  
chiếu sáng không gian,  
với màu hồng, trắng  
xen màu hoàng kim.  
(3) Và như núi vàng  
trải rộng ánh sáng  
khắp mọi nơi chốn  
trăm ngàn quốc độ,  
diệt cho chúng sinh  
vô lượng đau khổ,  
đem cho chúng sinh  
an vui siêu việt.  
(4) Tướng hảo đầy đủ  
và rất nghiêm tịnh,  
chúng sinh thích nhìn  
không ai biết chán.  
Tóc thì mềm mịn  
với màu xanh sẫm,  
như ong đen huyền  
họp trên hoa đẹp.  
(5) Đại hỷ đại xả  
rất là trang nghiêm,  
đại từ đại bi  
rất là viên mãn,  
tướng hảo tuyệt diệu  
trang sức thân thể,  
là do các pháp  
giác phần tạo thành.  
(6) Ban cho chúng sinh  
bao nhiêu phước đức,  
để họ thường được  
yên vui lớn lao.  
Và được trang hoàng  
bằng các diệu đức,  
nên trải ánh sáng  
ngàn vạn quốc độ.  
(7) Ánh sáng, tướng hảo  
cùng cực viên minh,  
nên như mặt trời  
sáng rực không trung.  
Và như tu di  
công đức đủ cả,  
biến thể cùng khắp  
mười phương quốc độ.  
(8) Miệng vàng tuyệt đẹp  
và rất uy nghiêm.  
Răng trắng, đều, khít  
giống như tuyết, ngọc.  
Và cả khuôn mặt  
không ai sánh bằng,  
với tướng bạch hào  
uốn theo chiều phải;  
(9) sáng nhuận tươi trắng  
in như pha lê,  
lại như trăng tròn  
lồng lộng không trung.  
Đức Thế tôn bảo bồ tát Diệu tràng, bồ tát tán dương Phật đức như vậy thật bất khả tư nghị, lợi ích chúng sinh, làm cho những người trước đây chưa biết đến đều tùy thuận tu học.

 

 

(1)   Phẩm 29: Thọ Thần Tán Dương 

(2)   Bấy giờ Bồ đề thọ thần cũng sử dụng chỉnh cú tán dương đức Thế tôn.

(3)   (1) Kính lạy tuệ giác  
cực kỳ thanh tịnh,  
kính lạy tuệ giác  
thường cầu chánh pháp,  
kính lạy tuệ giác  
tách rời phi pháp,  
kính lạy tuệ giác  
vĩnh siêu phân biệt.  
(2) Hiếm có cái hạnh  
không có biên cương,  
hiếm có khó thấy  
như hoa ưu đàm,  
hiếm có như biển  
trấn cho núi chúa (104) ,  
hiếm có ánh sáng  
không có số lượng.  
(3) Hiếm có cái nguyện  
từ bi rộng lớn,  
hiếm có cái sáng  
vượt quá thái dương,  
tuyên thuyết kinh này  
ngọc trong các kinh,  
thương tưởng lợi ích  
cho bao sinh linh.  
(4) Thể hiện vắng lặng  
giác quan định tĩnh,  
hội nhập vắng lặng  
thành trì niết bàn,  
sống trong vắng lặng.  
các pháp đẳng trì (105) ,  
thấu triệt vắng lặng  
lĩnh vực sâu xa.  
(5) Trú ở ở trong  
cái Không siêu việt,  
đệ tử cũng thấy  
bản thân là không,  
cũng thấy các pháp  
toàn không tự tánh,  
cũng thấy chúng sinh  
toàn là vắng lặng.  
(6) Con thường nhớ đến  
chư vị Thế tôn,  
con thường thích nhìn  
chư vị Thế tôn,  
con thường thiết tha  
đối với Thế tôn,  
con thường gặp được  
mặt trời Thế tôn.  
(7) Con thường kính lạy  
chư vị Thế tôn,  
khao khát ước nguyện  
lòng không rời bỏ,  
cảm kích rơi lệ  
lòng không gián đoạn,  
nguyện được phụng sự  
lòng không nhàm chán.  
(8) Xin đức Thế tôn  
khởi tâm đại bi,  
cho con thường thấy  
dung nghi Thế tôn,  
nguyện cầu Thế tôn  
cùng Thanh tịnh chúng  
thường xuyên tế độ  
vô lượng nhân thiên.  
(9) Thân Ngài rỗng sáng  
in như không gian,  
biến thể thì như  
ảo tượng, trăng nước (106) .  
Xin Ngài tuyên thuyết  
niết bàn cam lộ,  
để phát sinh ra  
cái khối công đức.  
(10) Lĩnh vực thanh tịnh  
của đức Thế tôn,  
từ bi, chánh hạnh  
toàn bất tư nghị;  
Thanh văn Độc giác  
đã không lường nổi,  
mà chư Bồ tát  
cũng không lường thấu.  
(11) Xin đức Thế tôn  
thương tưởng đến con,  
thường cho con thấy  
thân đấng Đại bi.  
Con đem ba nghiệp  
không hề mệt mỏi  
thờ đức Đại từ,  
nguyện con mau chóng  
thoát khỏi sinh tử  
hội về chân như.  
Đức Thế tôn nghe những chỉnh cú tán dương này rồi, dùng tiếng Phạn âm mà bảo Bồ đề thọ thần, lành thay thiện nữ; thiện nữ có thể có những lời tán dương tự lợi lợi tha như vậy, tán dương diệu tướng của pháp thân Như lai, cái thân chân thật, không dối, trong sáng. Do công đức tán dương này làm cho thiện nữ mau chóng chứng được bồ đề tối thượng, lại làm cho chúng sinh cùng tu tập như thiện nữ. Ai nghe được những lời tán dương này thì nhập vào Cam 
lộ, vào cửa Vô sinh.

 

(4)   Phẩm 30: Biện Tài Tán Dương 

(5)   Vào lúc bấy giờ Đại biện tài thiên nữ tức thì đứng dậy khỏi chỗ mình ngồi, chắp tay cung kính, đem những trực từ dưới đây mà tán dương đức Thế tôn.

(6)   Con xin kính lạy Ngài, đức Thích ca mâu ni, đấng Như lai, đấng cúng, đấng Chánh đẳng giác. Thân màu hoàng kim. Cổ như xa cừ. Mặt như trăng rằm. Mắt như sen xanh. Môi và miệng đỏ và đẹp như pha lê. Mũi cao, dài và thẳng như đỉnh vàng. Răng trắng, đều và khít như sen trắng. Ánh sáng thân thể chiếu tỏa như trăm ngàn mặt trời. Màu sắc ánh sáng ấy như vàng Thiệm bộ.

(7)   Nói không sai lầm. Mở ba cửa giải thoát và chỉ ba đường giác ngộ. Tâm thường thanh tịnh, ý thích cũng vậy. Chỗ Ngài ở và chỗ Ngài đi (107) cũng thường thanh tịnh. Không thiếu uy nghi, cử chỉ không sơ suất. Hành khổ hạnh sáu năm, chuyển pháp luân ba vòng, hóa độ chúng sinh khốn khổ, làm cho trở về bờ giác. Thân tướng giống như câu đà đại thọ. Sáu độ huân tu, ba nghiệp toàn hảo. Đủ nhất thế trí, viên mãn tự lợi lợi tha. Nói gì cũng là vì chúng sinh. Nói không vô ích, làm đại sư tử họ Thích. Kiên cố, dũng mãnh, hoàn thiện tám pháp giải thoát.

(8)   Nay con tùy khả năng của mình mà tán dương chút ít phẩm chất của đức Thế tôn. Việc ấy chỉ như muỗi mòng uống nước biển cả. Nhưng con xin đem cái phước này hồi hướng cho tất cả chúng sinh, nguyện cùng vĩnh ly sinh tử khổ, thành tựu vô thượng đạo.

(9)   Đức Thế tôn bảo Đại biện tài thiên nữ, lành thay thiện nữ; thiện nữ tu tập đã lâu và có đại hùng biện, nay lại trình bày sự tán dương đối với Như lai. Việc này làm cho thiện nữ tốc chứng pháp môn tối thượng, tướng hảo viên minh, ích lợi tất cả.

 

(10)Phẩm 31: Ký Thác Kinh Vua 

(11)Khi ấy đức Thế tôn phổ cáo đại hội, gồm có vô lượng bồ tát, nhân loại và chư thiên, rằng các người nên biết, trong vô số đại kiếp, Như lai siêng tu khổ hạnh, mới được cái Pháp cực sâu -- cái Pháp làm nhân tố chính yếu cho tuệ giác bồ đề, và nay đã đem nói cho các người. Các người ai có chí dũng mãnh mà cung kính giữ gìn Pháp ấy? Như lai nhập niết bàn rồi, đối với Pháp ấy ai là người có khả năng quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này?

(12)Trong đại hội, bấy giờ, có sáu mươi câu chi bồ tát và sáu mươi câu chi chư thiên, khác miệng cùng tiếng mà tác bạch như vầy, bạch đức Thế tôn, chúng con ai cũng hân hoan, thích thú, không tiếc tính mạng để kính giữ cái Pháp cực sâu -- cái Pháp làm nhân tố chính yếu của tuệ giác bồ đề, mà đức Thế tôn tu hành khổ hạnh trong vô số đại kiếp mới đạt được. Sau khi đức Thế tôn nhập niết bàn, đối với Pháp ấy, chúng con sẽ quảng bá lưu thông, làm cho tồn tại lâu dài trên thế giới này. Các vị đại bồ tát tức thì đối trước đức Thế tôn nói những lời chỉnh cú sau đây.

(13)(1) Thế tôn nói chân thật,  
trú ở pháp chân thật:  
chính sự chân thật ấy  
hộ trì cho kinh này.  
(2) Đại bi làm áo giáp,  
đại từ làm đất đứng:  
do từ bi lực ấy  
hộ trì cho kinh này.  
(3) Viên mãn phước tư lương,  
thì sinh trí tư lương;  
chính sự viên mãn ấy  
hộ trì cho kinh này.  
(4) Chiến thắng các loại ma,  
hủy diệt các tà thuyết,  
loại trừ các ác kiến,  
hộ trì cho kinh này.  
(5) Thiên vương và Đế thích,  
Phạn vương và tám bộ,  
chư thiên thiện thần ấy  
hộ trì cho kinh này.  
(6) Trên đất và trong không,  
ở lâu những chỗ này,  
kính tuân lời Phật dạy  
hộ trì cho kinh này.  
(7) Thích ứng bốn phạn trú,  
trang hoàng bốn thánh đế,  
chiến thắng bốn loại ma,  
hộ trì cho kinh này.  
(8) Hư không thành chất ngại,  
chất ngại thành hư không,  
nhưng Pháp mà Phật giữ  
thì không thể khuynh đảo.  
Bốn vị Thiên vương nghe đức Thế tôn hỏi sự hộ trì Pháp, thì ai cũng tùy hỷ, hộ trì Pháp ấy, và cùng lúc cùng tiếng mà nói chỉnh cú.

(14)(9) Đối với kinh pháp này,  
chúng con và quyến thuộc  
đều nhất tâm hộ trì  
cho lưu thông rộng rãi.  
(9) Có ai trì kinh này,  
tạo bồ đề chính nhân,  
chúng con từ mọi phía  
hộ vệ và phụng sự.  
Đế thích chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(15)(10) Thế tôn chứng Pháp này,  
rồi muốn báo ơn đức  
nên tuyên thuyết kinh này  
lợi ích cho bồ tát.  
(11) Con đối với Thế tôn  
thường nghĩ sự báo ơn,  
nên hộ vệ kinh này  
cùng những người thọ trì.  
Đỗ sử đa thiên tử chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(16)(12) Thế tôn thuyết kinh này,  
nếu ai thọ trì được  
thì ở ngôi tuệ giác  
mà sinh Đỗ sử đa.  
(13) Thế tôn, con hân hoan  
bỏ lạc thú chư thiên  
mà ở trong Thiệm bộ  
tuyên dương kinh vua này.  
Phạn vương chủ thế giới Sách ha chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(17)(14) Các định có vô lượng,  
các thiền, các giải thoát,  
toàn xuất từ kinh này,  
nên kinh này phải nói.  
(15) Ngay chỗ nói kinh này,  
con bỏ vui của con,  
để được nghe kinh này,  
thường hộ vệ chỗ ấy.  
Con trai của Ma vương tên là Thương chủ, chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(18)(16) Những ai trì kinh này,  
bản kinh thuận chánh hạnh,  
thì không tùy ma hành,  
và diệt trừ ma nghiệp.  
(17) Nên đối với kinh này  
chúng con cũng hộ vệ;  
chúng con đại tinh tiến  
tùy chỗ mà quảng bá.  
Ma vương chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(19)(18) Những ai trì kinh này,  
đàn áp các phiền não,  
thì những người như vậy  
con giữ cho yên vui.  
(19) Những ai giảng kinh này  
thì ma không được dịp;  
do uy thần Thế tôn  
con sẽ hộ vệ họ.  
Diệu cát tường thiên tử cũng đối trước đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.

(20)(20) Tuệ giác của Thế tôn  
được nói trong kinh này,  
nên ai trì kinh này  
là hiến cúng Thế tôn.  
(21) Con sẽ trì kinh này  
giảng nói cho chư thiên,  
ai cung kính lắng nghe  
thì khuyên đến bồ đề.  
Di lạc từ tôn chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(21)(22) Những ai đứng vững vàng  
nơi bản thể bồ đề,  
thì vì họ con làm  
người bạn không cần mời;  
cho đến bỏ tính mạng  
mà hộ trì kinh vua.  
(23) Con nghe Pháp này rồi  
trở về Đỗ sử đa,  
do Thế tôn da trì  
mà nói cho nhân thiên.  
Đại ca diếp ba thượng thủ chắp tay cung kính mà nói chỉnh cú.

(22)(24) Đức Thế tôn đã nói  
rằng con ít trí tuệ,  
nên con tùy sức mình  
mà hộ trì kinh này.  
(25) Ai trì được kinh này  
thì con sẽ thu nhận,  
trao cho từ vô ngại  
cùng với biện vô ngại (108) ,  
và con thường tùy hỷ  
tán dương rằng lành thay.  
Trưởng lão A nan đà chắp tay hướng về đức Thế tôn mà nói chỉnh cú.

(23)(26) Đích thân từ Thế tôn  
con nghe vô số kinh,  
nhưng chưa từng được nghe  
kinh vua của các kinh.  
(27) Con nghe được kinh này  
là thân nghe trước Ngài,  
ai ưa thích tuệ giác  
con quảng bá cho họ.  
Bấy giờ đức Thế tôn thấy chư vị bồ tát, chư thiên và nhân loại, cùng cả đại hội, ai cũng phát tâm quảng bá hộ vệ kinh vua này, khuyến tiến bồ tát và quảng lợi chúng sinh, nên đức Thế tôn tán dương rằng lành thay, đối với kinh vua này các người chân thành quảng bá được như vậy, đến nỗi sau khi Như lai niết bàn cũng nguyện không để kinh vua này mất đi. Việc làm này chính là nhân tố chính yếu của vô thượng bồ đề, và công đức đạt được thì nói mấy kiếp cũng không cùng tận. Bốn bộ đệ tử của Như lai, và những thiện nam hay thiện nữ khác, biết hiến cúng, tôn kính, sao chép, lưu hành và giải thích đối với kinh vua này, thì công đức đạt được cũng là như vậy. Do vậy, đại hội các người hãy siêng năng thực thi sự khuyến khích của Như lai.

 

(24)Bấy giờ cả đại hội nghe đức Thế tôn huấn dụ, thì ai cũng đại hoan hỷ, tín thọ phụng hành.