Ngài Moggallana
(Mục-kiền-liên)


Khoảng một a-tăng kỳ và một trăm ngàn kiếp về trước, có một đại phú gia tên Sirivaddha - là bạn chí thân của đạo sĩ Sarada, tiền thân của Sàrìputta. Lúc bấy giờ, nhờ nghe lời vị đạo sĩ bạn, ông đại phú phát tâm trong sạch thiết lập trai đàn, cúng đường trai tăng đến một trăm ngàn thánh chúng do Ðức Phật Tổ Anomadassì chủ tọa. Ðến ngày thứ bảy, ông cúng dường vãi may y hảo hạng cho Ðức Phật và toàn thể thánh chúng và nhất tâm lập đại nguyện:

-- Bạch Ðức Thế Tôn, đạo sĩ Sarada - bạn chí thân của đệ tử - đã phát nguyện làm đệ nhất Ðại Ðệ Tử của vị đương lai Phật Tổ nào thì đệ tử cũng xin được làm Ðệ nhị Ðại Ðệ Tử cũa vị Phật Tổ ấy.

Ðức Thế Tôn Anomadassì, qua thiên nhãn thuần tịnh, nhận thấy lập nguyện của Sìrìvaddha sẽ được thành tựu, bèn nghiêm từ thọ ký:

-- Một a-tăng kỳ và một trăm ngàn kiếp về sau, ngươi sẽ được làm vị Ðệ nhị Ðại Ðệ Tử của Ðức Phật tổ Gotama.

Kể từ ấy, ông đại phú luôn luôn tích cực tiến tu Phúc Huệ nhất là thực hiện hạnh đại -thí trong những hoàn cảnh thuận duyên. Sau khi mạng chung, ông được hóa sanh dục thiên giớI. Ðược làm vua trời Ðế Thích 177 lần, làm chuyển luân vương 55 lần, làm Quốc vương 108 lần. Ðến thời Ðức Bổn Sư, ông sinh vào một gia đình Bà-la-môn, làng Kolità, gần thành Ràjagaha, tên Kolita. Sau khi xuất gia được gọi là Moggallàna (Mục-kiền-Liên). Thân sinh là ông Kolita, thân mẫu là bà Moggalì. Mối tình thâm giao giữa Kolita và Ðại Ðức Sàrìputta đã được tường thuật đầy đủ ở câu chuyện số 2.

Khi được nghe nguyên văn câu Phật ngôn do bạn Upatissa đọc lại thì Kolita đắc được thánh quả Tu-đà-hườn. Sau đó, hai bạn nhất trí cùng nhau, mỗi người hướng dẩn 500 người gia nhân đến bái kiến Ðức Thế Tôn, nhưng chỉ có phân nửa tình nguyện đi theo, còn phân nửa xin ở lại. Trong cuộc bái kiến Ðức Thế Tôn lần này, hai bạn cùng được xuất gia bằng phương thức "Thiện-lai tỳ-kheo". Xuất gia được bảy ngày, Ðại Ðức Moggallàna tịnh cư hành thiền ở gần làng Kalavàla, xứ Magadha, nhưng bị triền cái hôn thụy chi phối trầm trọng. Nhờ Ðức Bổn Sư trợ duyên điềm chỉ phương pháp minh sát, quán về Tứ-Ðại nên đắc được A-la-hán, bậc có bốn tuệ vô-ngại-giải. Sau khi Ðại Ðức Xá-lợi-Phất được chính thức ấn chứng là Ðệ nhất Trí Tuệ thì cũng được Ðức Thế Tôn chính thức tuyên dương là Ðệ nhất Thần Thông.

Trong một phiên họp vô cùng quan trọng có tánh cách quyết định của nhóm Lục Sư ngoại đạo để đối phó với Phật-giáo, họ nhất trí phải thanh toán Ðại Ðức Moggallàna, vì theo họ, sở dĩ Phật giáo được cực thịnh là nhờ Ðại Ðức khi thì lên trờI, lúc thì xuống đ�a ngục tìm hiểu sinh hoạt lạc, khổ của các hạng chúng sanh ấy rồi dem về thuật lại ở cỏi dương gian cho nên mọi người mới nể phục, tin tưởng và quy ngưỡng Phật-giáo. Nếu thanh toán được Ðại Ðức thì Phật-giáo sẽ bị suy yếu hoặc tối thiểu bị dậm chân tại chổ.

Quyết định xong, họ thuê 500 tên cướp hạ sát Ðại Ðức. Tiền tài, ám nhãn, hơn nửa, đã quen tánh cướp của giết người, cọng thêm số tiền thù lao quá lớn, bọn cướp quyết tâm thi hành thủ đoạn. họ bao vây Ðại Ðức suốt ba tháng ròng rả. Tháng đầu, Ðại Ðức dùng thần thông thoát thân theo cánh én; tháng thứ hai, theo lổ lạc. Ðến tháng thứ ba - tháng định mệnh - Ðại Ðức dùng Túc-mạng-Thông truy nguyên thì thấy rỏ đây là quả báo của trọng nghiệp trong tiền kiếp, vì nghe lời vợ, đánh đập cha mẹ đến phải thương vong.Tự thấy tội lỗ tầy trời của mình không đáng hưởng trường hợp ngọai lệ, nên Ðại Ðức vui lòng trả nghiệp, mặc dù ngài có thừa thần thông thoát. Ðừng nói một bọn cướp 500 tên, mà ngay thiên binh vạn mã, cũng không làm gì được nếu ngài phản ứng. Lúc bấy giờ, bọn cướp giết được ngài nhưng vì quá sợ thần lực của ngài nên chúng chặt ngài ra từng đoạn, đập gảy xương từng khúc, rồi dần nát ra và khi tin chắc ngài không thể sống được, chúng mới chịu rút lui.

Sau khi bọn cướp đi rồi, Ðại Ðức dùng thần thông hoàn hình như cũ và bay về chùa Trúc Lâm, bái kiến Ðức Bổn Sư, xin phép nhập Niết-bàn. Ðức Bổn Sư phán hỏi:

-- Mục-kiền-Liên sẽ Niết bàn tại đâu?

-- Bạch Thế Tôn, đệ tử sẽ Niết bàn tại làng Kàlasilà.

-- Mục-kiền-Liên hãy liệu lấy thời cơ.Nhưng sau cuộc tiếp xúc này, các pháp hữu của ông sẽ không còn gặp lại một vị tỳ-kheo như ông nữa. Vậy, ông hãy ban bố cho họ một thời pháp.

Tuân hành thánh huấn, Ðại Ðức Xá-lợi-Phất hiển lộng thần thông như Ðại Ðức đã từng khai triển một tuần trước. Sau đó, Ðại Ðức dảnh lễ lần cuối cùng bàn chân Ðức Thế Tôn và đi đến làng Kàlasilà nhập Niết bàn.

Tin Ðại Ðức nhập diệt đã khiến dư luận xúc động mãnh liệt. Họ đều bảo rằng Ðại Ðức bị mưu sát, chớ chưa đến thời kỳ nhập Niết bàn. Tin động trời này lọt đến tai đức vua A-xà-Thế (Ajàtasattu). Nhà vua hạ mật lịnh truy lùng những kẻ sát nhơn. Không đầy ba hôm, 500 tên cướp đều bị sa lưới pháp luật. Trong cuộc thẩm vấn, bọn cướp cung khai là do nhóm Lục sư ngoại đạo thuê giết. Những kẻ chủ mưu thuộc nhóm Lục sư bị bắt thêm khoản 500 người nửa. Tất cả đều bị hành hình.

Những bài kệ do Ðại Ðức ứng khẩu trong nhiều trường hợp có đến 68 bài, ý nghĩa súc tích, thâm huyền, hướng thượng và chứa đựng chất liệu giải thoát. chúng to6i xin trích ghi lại đây một phần nhỏ để nói lên lòng tôn sùng tuyệt đói và sự ngưỡng mộ cao độ của chúng tôi đói với vị Thánh Tăng Ðệ Nhất Thần Thông có một không hai trong đạo tràng của Ðức Từ Phụ.

Trước khi trích ghi bài kệ sau đây của ngài, tưởng chúng ta cũng nên biết qua duyên khởi:

... Một lần nọ, một cô kỷ nữ dùng nhiều lời lẽ trử tình cám dổ ngài. Ngài cảnh tỉnh cô ta:

-- Bần đạo kinh tởm cái chòi bằng nhiều khúc xương, chằng chịt bằng những sợi gân, chứa đựng toàn vật nhơ uế, muì hôi xông lên khó ngữi. Những uế vật ấy được bài tiết theo cữu khiếu thường trực. Nhờ lớp da bao bọc, bằng không, cái thân nhơ uế của tín nữ còn đáng kinh tởm hơn nhiều. Nếu mọi người đều thấy rỏ thực chất đáng gớm ấy trong cơ thể tín nữ thì họ sẽ tránh xa tín nữ như tránh xa hầm phẩn vậy.

Mặc dù trong thâm tâm đã ít nhiều nhận sự thật, nhuung chưa chịu khuất phục, cô ta trả đòn nhẹ nhàng nhưng nguy hiểm ;

-- Thưa ngài Sa-môn, thưa nguuời hùng! Những lời ngài nói hoàn toàn đúng sự thật. Nhuung người đời đa số đều thích nhào xuống hầm phẩn ấy như bò già bị sa lầy.

Thấy chưa đánh tan được dục niệm trong lòng cô ta, Ðại Ðức tăng viện đạo lực:

-- Này tín nữ, người lấy chàm hoặc nước sơn để nhuộm hoặc tô màu hư không sẽ bị hoài công vô ích. Tâm hồn bần đạo như hư không. Tín nữ chớ đem cái tâm niệm dục nhiễm của tín nữ mà đánh giá tâm niệm vô cấu, vô nhiễm của bần đạo. Nếu tín nữ không kịp thời tỉnh ngộ, đình chỉ dục niệm bất chánh thì cầm bằng như con thiêu thân lao đầu vào đóng lửa tự sát.

Nhờ Ðại Ðức thẳng thắn cảnh giác, cô kỷ nữ cảm thấy hổ thẹn, rút lui.

Ðệ tử kính lễ ngài Trưởng lão Moggallàna, bậc thánh A-la-hán có bốn trí tuệ vô-ngại-giải, vị Ðại Ðệ Tử tay trái, được Ðức Thế Tôn ấn chứng thanh vị Ðệ Nhất Thần Thông. Cầu mong thần thông kỳ diệu của Ngài hoán chuyển tâm hồn những người còn nhiều mê vọng được đắc quả vô thượng bồ đề. Ðệ tử cầu xin đắc được một phần thần thông vô cấu, vô nhiễm của Ngài.

 

 

THẦN THÔNG VÀ NGHIỆP LỰC CỦA TÔN GIẢ MỤC-KIỀN-LIÊN

 

 

 

 

Lịch Sử Phật Giáo

Viết bởi Thích Trí Lộc   

“Pháp môn vô lượng thệ nguyện học”.

Đó là một câu trong “Tứ hoằng thệ nguyện” của người con Phật. Đến với Phật Pháp là đến với kho tàng kinh điển mênh mông, được mệnh danh là “Tam tạng kinh điển”. Tam tạng kinh điển gồm có: Kinh tạng, luật tạng và luận tạng, trong ấy chứa đựng vô lượng pháp môn tu học để hành giả áp dụng tu tập vượt thoát khổ đau. Suốt một đời người bỏ công ra đọc (chưa cần hiểu nghĩa) cũng chưa chắc là đọc hết được, nhưng người con Phật với chí nguyện cao cả phải phát nguyện học tập không nản lòng “thệ nguyện học”.

Trong Tam tạng kinh điển, chúng ta bắt gặp rất nhiều thuật ngữ Phật học, thần thông và nghiệp lực là hai trong những thuật ngữ phổ thông nhất, hầu như người con Phật nào cũng hiểu và biết được. Cuộc đời của tôn giả Mục-kiền-liên, ngoài thể hiện hiếu tâm cao cả, Ngài còn là một vị Thánh đệ tử có thần thông bậc nhất, bên cạnh ấy nghiệp lực của Ngài cũng được thể hiện rất rõ nét. Hai yếu tố thần thông và nghiệp lực diễn ra trong cuộc đời Ngài một cách rõ ràng và sâu sắc; đôi lúc như có phần mâu thuẫn nhau, điều này gây ra những thắc mắc không nhỏ cho những người sơ cơ mới tìm hiểu về Phật giáo. Trong bài này, người viết xin giới thiệu đôi nét về thần thông và nghiệp lực qua cuộc đời của tôn giả Mục-kiền-liên.

A. Thần thông qua cuộc đời của Ngài

Trong những đấng giáo chủ sáng lập ra những tôn giáo lớn, hay những bậc đạo sư sáng lập nên những triết lý, học phái… chắc chắn không có một đấng giáo chủ hay đạo sư nào có được chúng đệ tử xuất gia cũng như tại gia nhiều như đức Phật. Chỉ cần nhìn vào hình ảnh đức Phật mỗi buổi bình minh cùng với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỳ-kheo theo sau, từng bước khất thực trang nghiêm trên xứ Ấn, thì không một vị giáo chủ nào, đạo sư nào có được diễm phúc như vậy. Trong số hàng ngàn vị Tỳ-kheo, bậc A-la-hán, đệ tử đức Thế Tôn ấy thì tôn giả Mục-kiền-liên được đức Phật và Thánh chúng khẳng định là bậc có thần thông vĩ đại nhất, và thường được gọi là bậc có thần thông đệ nhất.

1. Nguyên nhân cầu thần thông

Theo từ điển Phật học, thần thông được giải thích như sau: Thần có nghĩa là không lường được, thông có nghĩa là không trở ngại. Không thể lường được lại có sức lực không gì trở ngại được thì gọi là thần thông. Với năng lực thần thông siêu tuyệt của mình, tôn giả Mục-kiền-liên có thể dời non, lấp bể, biến hóa tự tại… tùy duyên giáo hóa, cứu độ chúng sanh.

Không phải vô tình hay ngẫu nhiên mà hai tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên trở thành hai vị Đại đệ tử của đức Thế Tôn, mà nhờ vào nhân duyên từ vô lượng kiếp trong quá khứ hai Ngài đã từng quì dưới chân đức Phật Anomadassi thành tâm phát nguyện trở thành những Đại đệ tử của đức Phật trong kiếp sau cùng (đức Phật Thích-ca). Cũng như thế, không phải vô tình mà tôn giả Mục-kiền-liên trở thành bậc Thánh có thần thông đệ nhất. Nguyên nhân có được năng lực thần thông siêu việt ấy là nhờ trong tiền kiếp Ngài đã phát nguyện: Thuở ấy, Ngài là một ngư phủ làm nghề đánh cá; hằng ngày đánh bắt hàng trăm con cá để đem ra chợ bán. Cho đến một hôm, chàng ngư phủ chợt ý thức về những việc làm sát hại sinh vật của mình là tàn nhẫn, không lương thiện và chàng quyết định bỏ nghề đánh cá để lên thành thị chọn một nghề lương thiện để sinh sống. Cũng chính nhờ nhân duyên đổi nghề, tại thành thị ấy chàng đã gặp một vị Bích Chi Phật, và chàng đã thỉnh vị Bích Chi Phật về nhà cúng dường trai phạn. May mắn thay cho chàng, vị Bích Chi Phật này có năng lực thần thông siêu phàm, sau khi thọ trai xong, cảm động trước tấm lòng thành của chàng thanh niên trẻ, vị Bích Chi Phật đã hóa hiện những năng lực thần biến siêu phàm: trên thân nước chảy, dưới thân lửa cháy, bay lượn du hành tự tại trên không trung… Chứng kiến được diệu cảnh hy hữu ấy, chàng thanh niên đã đem tất cả lòng thành phát nguyện cầu chứng được thần thông siêu việt ở đời sau. Nhờ nhân duyên ấy, cộng với quyết tâm tu tập của Ngài, trải qua vô lượng kiếp và đến thời đức Phật Thích-ca, Ngài xuất gia nỗ lực tinh tấn tu tập, và chỉ trong vòng bảy ngày đã chứng được thần thông bậc nhất không ai so sánh được. Cũng nhờ năng lực thần thông ấy đã giúp Ngài rất nhiều trong việc đem Phật pháp giáo hóa độ sanh, hàng phục ngoại đạo…

2. Thần thông với sự nghiệp hoằng pháp

Đức Thế Tôn không khuyến khích hàng đệ tử Ngài sử dụng thần thông để hoằng pháp, bởi vì thần thông nếu không được sử dụng một cách đúng đắn thì dễ sanh ra tự cao ngã mạn… rơi vào tà đạo. Hơn nữa các loài phi nhân hay ma ba tuần thường sử dụng thần thông để gạt người. Chính vì thế mà đức Thế Tôn không cho hàng đệ tử Ngài sử dụng thần thông để hoằng pháp lợi sanh. Trường hợp tôn giả Mục-kiền-liên có lẽ là một ngoại lệ. Đức Phật không cấm tôn giả Mục-kiền-liên sử dụng thần thông để độ sanh vì đấy là hạnh nguyện của tôn giả đã gieo trồng trong vô lượng kiếp, hơn nữa tôn giả Mục-kiền-liên là một vị A-la-hán đã đoạn tận tham sân si, và có lòng đại bi, hiếu hạnh; do vậy trong hàng đệ tử đức Thế Tôn, chỉ có mình tôn giả Mục-kiền-liên được cho phép sử dụng thần thông tự tại để giáo hóa mọi người.

Đọc qua sự nghiệp giáo hóa của tôn giả Mục Kiền Liên, ta thấy có nhiều điều nổi bật đáng cho ta ca ngợi và kính ngưỡng: Dời núi độ phạm chí ngoại đạo, hàng phục ác quỉ, chúng ngạ quỉ thưa hỏi nhân duyên nghiệp báo, sắc đẹp không cự nổi thần thông…

a. Dời núi độ Phạm chí: Thuở đức Phật còn tại thế, có rất nhiều ngoại đạo phạm chí, họ cũng có những năng lực tu luyện chứng đắc thần thông, nhưng vì họ chỉ lo tu luyện cầu chứng đắc thần thông để tìm cầu lợi danh và sự cung kính của người đời. Tại biên giới phía nam Ấn Độ có nhiều ngoại đạo Phạm chí cũng tu luyện chứng đắc thần thông, họ có khả năng hô mưa, gọi gió, dời núi, lấp sông… làm cho vua, quan và dân chúng nước này đều tuân phục, thờ kính họ, vì họ không tu tập từ tâm nên khi được cung kính họ càng tỏ ra ngã mạn, tự cao, chìm đắm trong danh lợi, không hề tin tưởng đến Phật pháp.

Vâng lời dạy của đức Phật, tôn giả vận dụng thần thông đến nước ấy để giáo hóa. Khi đến nơi thấy một ngọn núi đang chuyển động, Ngài quan sát biết được những ngoại đạo Phạm chí đang vận dụng thần lực để dời ngọn núi đi nơi khác làm con đường cho vua. Ngài liền bay lên đứng trụ trên đỉnh núi, làm ngọn núi đang di chuyển bỗng đứng yên không hề nhúc nhích, các Phạm chí sử dụng tất cả năng lực thần biến của mình cũng không sao di chuyển được. Trong lúc các ngoại đạo đang hoang mang chưa biết cách nào để di dời ngọn núi, trước mặt vua và thần dân, tôn giả Mục Kiền Liên đã dùng thần thông làm ngọn núi biến thành một khu đất bằng phẳng để vua làm đường và dân chúng sinh sống. Bọn ngoại đạo Phạm chí vô cùng kính phục, cùng với vua quan và thần dân chắp tay cầu xin tôn giả thâu nhận làm đệ tử, tôn giả Mục-kiền-liên từ chối và hướng dẫn họ về qui y với Chánh pháp, qui y với đức Thế Tôn, cả vua quan và thần dân nước này trở thành những vị Phật tử thuần lương sống an lạc trong giáo pháp của đức Phật.

b. Chúng ngạ quỉ thưa hỏi về nhân duyên nghiệp báo:

Với năng lực thần thông siêu việt của mình, tôn giả Mục-kiền-liên không những du hành thăm viếng các cõi Phật, xuống các địa ngục quan sát khổ báo chúng sanh… mà Ngài còn quan sát biết được mọi nhân duyên tiền kiếp của các chúng sanh khác. Chính vì thế mà Ngài là một trong những chứng nhân vĩ đại để đức Phật thuyết các kinh về ngạ quỉ, chư thiên, địa ngục… Đặc biệt, Ngài thường dạy cho các ngạ quỉ biết về tiền thân của chúng:

“Một hôm, tôn giả hành cước bên bờ sông Hằng, lúc ấy ánh sáng nhạt dần như rút theo con nước, màu hoàng hôn hoang vắng, Tôn giả thấy ban đêm đi hành hóa không tiện, bèn ngồi tịnh lự bên bờ sông.

Gió chiều nhẹ thổi, không trung lác đác vài vì sao. Bên bờ sông Hằng các loài ngạ quỉ lắm phen tụ tập, muốn tìm nước uống để trừ đói khát, nhưng gặp phải một con quỉ hung ác giữ mé sông, tay cầm gậy sắt xua đuổi, do đó các quỉ đói không dám đến gần bờ nước. Mục-kiền-liên ngồi ngay thẳng chánh niệm, thấy các loài ngạ quỉ thọ tội không đồng, bèn gọi chúng lại. Nhân cơ hội ấy, chúng quỉ thưa hỏi về nhân duyên tội nghiệp.

Quỉ thứ nhất hỏi: Tôn giả! Đời trước chúng tôi là người nay bị đọa làm thân quỉ đói, thường bị khổ khát, nghe nói nước sông trong mát, mà khi đến lấy nước uống, nước liền nóng sôi, chỉ cần hớp một miếng, lục phủ ngũ tạng liền cháy tiêu, còn bị quỉ giữ nước sông cầm gậy đánh đuổi. Xin hỏi tôn giả chúng tôi do nghiệp gì mà thọ khổ báo này?

Mục-kiền-liên dùng sức định thần thông quan sát nhân quả ba đời và nói cho ngạ quỉ này nghe: Đời trước ngươi làm thầy toán số, khi nói tướng kiết hung cho người, nói dối nhiều hơn nói thật, tùy ý khen chê, tự xưng mình thông suốt mà thật là dối láo, vì muốn cầu lợi dưỡng không thương người mê muội nên mới thọ nghiệp báo như vậy.”

Cứ như thế từng ngạ quỉ lần lượt thưa hỏi về nhân duyên nghiệp báo của mình, vì lòng từ bi, Ngài tận tình quan sát trả lời, làm cho các ngạ quỉ kính phục Ngài, lo ăn năn, sám hối tội nghiệp của mình, Ngài hướng các ngạ quỉ qui ngưỡng về chánh pháp tu tập, dần dần thoát khổ.

c. Thần thông với sắc đẹp:

Trong các giai thoại về thần thông của tôn giả Mục-kiền-liên, câu chuyện Ngài hóa độ nàng Liên Hoa Sắc là câu chuyện để lại trong ta nhiều ấn tượng nhất: Nàng Liên Hoa Sắc là một người con gái rất đẹp, lại là con gái duy nhất của gia đình trưởng giả ở thành Đức-xoa-thi-la. Khi nàng lên mười sáu tuổi, cha nàng kén rể lập gia thất cho nàng. Không bao lâu cha nàng qua đời, bà mẹ góa bụa của nàng bèn tư thông với chồng nàng, lúc ấy nàng đã có một người con gái với người chồng này. Khi hay biết được việc này, nàng quá đau khổ và quyết định bỏ nhà ra đi. Một thời gian sau, nàng được một thương gia cưới về làm vợ. Có một lần, người chồng thương gia này đi buôn bán từ Đức-xoa-thi-la trở về lén lấy nàng một ngàn đồng tiền vàng để mua tiểu thiếp. Sợ nàng biết, ông đưa tiểu thiếp mới mua qua giấu ở nhà một người bạn. Khi nàng hay tin, lòng ghen và tức giận nổi lên, liền tìm đến nhà người bạn ấy để đánh ghen kẻ cướp chồng nàng. Khi đến nơi, nàng không thể chịu đựng được sự trớ trêu của kiếp người nên té xỉu xuống đất, vì người con gái ấy chính là đứa con của nàng với người chồng trước.

Quá uất hận trước hoàn cảnh éo le của thế thái nhân tình, nàng chán ghét tất cả mọi người, chán ghét cả thế gian… và bỏ nhà ra đi dấn thân vào con đường thanh lâu, tửu điếm, làm kẻ mua vui cho thiên hạ, lúc này nàng mới ba mươi tuổi. Với nhan sắc diễm lệ, cộng với lòng căm hận cả thế thái nhân tình, nàng đã làm không biết bao gia đình tan nhà nát cửa, phát triển mọi sinh hoạt tội lỗi của mình.

Tôn giả Mục-kiền-liên sử dụng năng lực thần thông hàng phục các ngoại đạo, phần lớn những ngoại đạo này đều kính ngưỡng quay đầu về với Chánh pháp, nhưng có một số không chịu khuất phục, tuy thế không làm sao hại được Tôn giả, họ bèn thuê nàng Liên Hoa Sắc dùng sắc đẹp của nàng để quyến rũ tôn giả Mục-kiền-liên, hằng mong hạ uy tín và làm nhục Ngài. Không còn phân biệt thiện ác, vốn dĩ đã hận đời, nàng đã đồng ý ra sức cám dỗ Ngài.

Một buổi sáng đẹp trời, nàng chọn một khu đồi vắng đẹp, nơi tôn giả Mục-kiền-liên thường khất thực đi ngang qua; đợi Ngài đến gần, nàng dùng lời đường mật, dáng điệu mê hồn ngỏ lời cám dỗ: “Thưa Tôn giả, Ngài có bận đi đâu không? Ngài có thể dừng chân nói chuyện với em không ạ!”.

Với năng lực thần thông siêu việt của mình, tôn giả biết được mọi động cơ, suy nghĩ của Liên Hoa Sắc, Ngài liền cảnh tỉnh nàng:

“Bần đạo kinh tởm cái chòi bằng nhiều khúc xương, chằng chịt bằng những sợi dây gân, chứa đựng toàn những vật ô uế, mùi hôi xông lên khó ngửi. Những uế vật ấy được bài tiết theo cửu khiếu thường trực. Nhờ lớp da bao bọc, bằng không cái thân nhơ uế của tín nữ còn đáng kinh tởm hơn nhiều. Nếu mọi người đều thấy rõ thực chất ấy đáng gớm trong cơ thể tín nữ, thì họ sẽ tránh xa tín nữ như tránh xa hầm phẩn vậy.”

Vừa kính, vừa sợ vì chưa từng gặp được một người nào phát ngôn với một tư duy sâu sắc như thế; nhưng vẫn có chút tự ái và sân giận trong lòng, Liên Hoa Sắc vẫn cố gắng khiêu khích: “Thưa Ngài Sa-môn, thưa người hùng! Những lời Ngài nói hoàn toàn đúng sự thật. Nhưng người đời đa số đều thích nhào xuống hầm phẩn ấy, như bò già bị sa lầy.”

Trước những lời khiêu khích của Liên Hoa sắc, vì  tưởng mình như những thế nhân thường tình, Ngài đã nhấn mạnh tâm định của mình:

“Này tín nữ, người lấy chàm hoặc nước sơn để nhuộm hoặc tô màu hư không sẽ hoài công vô ích. Tâm hồn của bần đạo như hư không, tín nữ chớ đem cái tâm niệm dục nhiễm của tín nữ mà đánh giá tâm vô cấu, vô nhiễm của bần đạo. Nếu tín nữ không kịp thời tỉnh ngộ, đình chỉ dục niệm bất chánh thì cầm bằng như con thiêu thân lao đầu vào lửa tự sát.”

Bằng năng lực thần thông hiểu biết mọi tâm niệm của người khác (tha tâm thông), tôn giả Mục-kiền-liên đã nói lên mọi suy nghĩ, động cơ cũng như những khổ đau, tư tưởng hận đời… của nàng, vì sao nàng đến đây… Khi nghe những lời của Tôn giả dạy, Liên Hoa Sắc vô cùng kính phục và hoảng sợ, nàng quì xuống, chắp tay cầu xin sự cứu giúp của Tôn giả, vì nàng nghĩ rằng tội nghiệp của nàng đã gây ra quá nặng khó lòng cứu được. Ngài từ bi chỉ dạy:

“Cô không nên tự làm khổ mình, cũng đừng thất vọng, tội nghiệp dù nặng đến đâu chỉ cần một phen sám hối thì đều có thể cứu vãn, y phục dơ có thể giặt giũ, thân thể ô uế có thể dùng nước tẩy trừ, tâm không thanh tịnh có thể dùng Phật pháp rửa sạch. Trăm dòng sông nhớp nhúa một phen chảy vào biển cả, nước biển lớn thảy đều làm sạch nước trăm sông. Lời dạy của đức Thế Tôn đủ sức khiến thanh tịnh lòng người ô uế, có thể cho sám hối những tội nghiệp quá khứ.”

Nghe những lời dạy của Tôn giả, nàng Liên Hoa Sắc vô cùng mừng rỡ cúi đầu đảnh lễ sám hối Tôn giả và xin phát nguyện xuất gia. Tôn giả Mục-kiền-liên chấp thuận lời cầu xin sám hối của nàng và hướng dẫn nàng trở về tinh xá diện kiến đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã thuyết pháp cho nàng nghe và gởi nàng sang xuất gia tu học trong giáo đoàn Ni giới. Không còn bận tâm quyến luyến bất cứ điều gì trong cõi hồng trần, nàng Liên Hoa Sắc đã nỗ lực tinh tấn tu tập, và chỉ sau một thời gian ngắn nàng đã chứng được quả vị vô sanh.

 

 http://senvamco.com/home/wp-content/uploads/Muc-kien-lien.-ledai.letri.dung-hoanchinh-2009-web.jpg