NHỮNG CHUYỆN CẢM ỨNG THẤY PHẬT A DI ĐÀ

 

 

 

SỰ CẢM ỨNG TẠO TƯỢNG PHẬT ĐƯỢC THẤY CÕI CỰC LẠC

.

Thích Huệ Cảnh, người Truy Châu, xuất gia tu ở chùa Ngộ Chân. Sau khi thế phát, Sư gắng công khai giới khổ hạnh. Lòng mến cảnh Tịnh độ, Sư tạo hai tượng Thích ca và Di đà, hằng lễ bái cúng dường.

Đến lúc sáu mươi bảy tuổi, ngày rằm tháng giêng, Huệ Cảnh nằm mộng thấy một vị Sa môn thân sắc vàng ròng, bảo rằng:

- Ngươi muốn thấy Phật và cảnh Tịnh độ chăng?

Đáp:

- Thưa, từ lâu tôi rất ước mong được chiêm ngưỡng!

Sa môn trao bát cho và bảo:

- Hãy nhìn vào trong bát!

Huệ Cảnh tiếp lấy và nhìn vào, bỗng như lạc đến cõi khác, thấy cảnh Tịnh độ rộng rãi trang nghiêm, các thứ báu đẹp lạ. Đất toàn bằng vàng ròng, đường sá có dây vàng làm ranh giới. Cung điện lầu các trùng điệp không cùng tận, trong đó các thiên đồng vui vẻ nhàn du. Chúng Bồ tát, Thanh văn đông như mây, rộng như biển, hội lại vây quanh đức Thế Tôn nghe thuyết pháp.

Lúc đó, Huệ Cảnh thấy vị Sa môn đi trước, mình nối gót theo sau, lần tới chỗ Phật. Đến nơi, vị Sa môn bỗng biến mất. Huệ Cảnh chắp tay đứng trước kim dung, bỗng nghe Phật hỏi:

- Ngươi có biết vị Sa môn dẫn đường đó chăng?

Đáp:

- Bạch Thế Tôn! Con không được biết.

Đấng Từ Tôn bảo:

- Đó là Phật Thích ca Mâu ni, còn ta là Phật A di đà, hai vị mà người đã tạo tượng. Phật Thích ca như ông cha, ta như bà mẹ, chúng sinh ở thế giới Ta bà như con khờ dại thơ ngây, lầm rớt xuống bùn lầy. Cha vào nơi bùn sâu bồng con lên, để trên bờ cao ráo sạch sẽ, mẹ lại ôm con nuôi nấng, dạy bảo đừng nên trở lại chốn bùn nhơ. Chúng ta cũng như thế. Phật Thích ca dạy dỗ chúng sinh mê tối trược ác ở cõi Ta bà, làm vị mở đường dẫn lối về nơi Tịnh độ. Còn ta ở cõi Tịnh độ còn bổn phận nhiếp hóa, khiến cho các chúng sinh ấy không còn luân hồi thối chuyển.

Huệ Cảnh nghe nói vui mừng khấp khởi, muốn đến gần tham bái đức Thế Tôn, nhưng cảnh tượng bỗng biến mất.

Tỉnh giấc, Sư cảm thấy thân tâm an vui, như vào thiền định. Từ đó, Sư càng tin tưởng sự cúng lễ tượng hai đức Như Lai.

Một hôm, Huệ Cảnh lại mộng thấy vị Sa môn khi trước bảo:

- Hai mươi năm sau, ngươi sẽ sinh về Tịnh độ.

Nghe lời ấy, ngày đêm Sư lại thêm tinh tấn tu hành, không khi nào biếng trễ. Đến năm tám mươi chín tuổi, một hôm nọ, Huệ Cảnh từ giã đại chúng, rồi an nhiên vãng sinh. Đang lúc ấy, có vị tăng ở phòng bên, nằm mộng thấy trăm ngàn Thánh chúng từ phương Tây đến rước Sư đi. Trên hư không, tiếng âm nhạc dìu dặt rồi xa nhỏ lần, nhiều người khác cũng được nghe biết.

(Trích lục: Tân Lục)

.

SỰ CẢM ỨNG THỜ HỌA TƯỢNG PHẬT A DI ĐÀ ĐƯỢC VÃNG SINH

.

Đời Tùy, Thích Huệ Hải, tục tánh họ Trương, gốc người ở Võ Thành, xứ Thanh Hà. Sau khi xuất gia, sư thường ngụ nơi chùa An Lạc tại Giang Đô. Tuy thông hiểu các kinh luận, sư không thích bàn diệu nói huyền, chỉ thành thật tu hành, lấy Tịnh độ làm nơi quy hướng. Hàng ngày, sư chuyên tịnh niệm Phật, được nhiều điều linh cảm.

Một hôm, có Tỷ kheo Thích Đạo Linh ở Tể Châu, đem một bức tượng cổ đến bảo:

- Đây là họa tượng đức A di đà Thế Tôn, Phật ở chính giữa, xung quanh là năm mươi vị Bồ tát, tất cả đều ngồi trên hoa sen. Tượng này khởi nguyên do một vị Bồ tát ở chùa Kê đầu ma bên xứ Thiên Trúc, dùng thần thông đến cõi Cực Lạc, mô tả lại kim dung để làm duyên tín hướng cho chúng sinh ở Ta bà. Bức tượng này là một trong các bức được truyền họa lại, nay tôi xin đem kính tặng.

Huệ Hải đã từ lâu tu Tịnh độ, lại được bức tượng ấy thật là thâm hợp với sở nguyện, tự nghĩ đây là một duyên lành. Vì thế, đối với bức tượng, Sư hết lòng thành kính cúng dường tôn phụng. Thường thường mỗi khi lễ sớm, nơi bức tượng bỗng chớp ra những tia thần quang sáng lạ. Thấy vậy, Sư càng tin tưởng, đem hết tâm tư họa lại một bức khác, nguyện nhờ công đức ấy sớm được thoát khổ, sinh về Tây Phương.

Năm sáu mươi chín tuổi, một đêm sau khi lễ sám, Sư đối trước tượng, ngồi kiết già trì niệm Phật thật lâu. Đến sáng thấy vẫn còn ngồi, chư tăng lại xem thì sư đã vãng sinh, gương mặt an hòa vui tươi như người còn sống.

(Trích lục: Đường Cao Tăng Truyện)

.

SỰ CẢM ỨNG TẠO TƯỢNG A DI ĐÀ CAO BA TẤC CỦA THÍCH ĐẠO DŨ

.

Đời Tùy, Thích Đạo Dũ ở chùa Khai Giác, chuyên tu Tịnh độ. Sư có tượng Phật A di đà bằng gỗ chiên đàn, cao ba tấc mộc. Mỗi khi hành đạo, Sư thường để tượng Phật ấy trên đầu.

Một hôm, Đạo Dũ bỗng tắt hơi, nơi ngực còn ấm, bảy ngày sau chợt sống lại bảo:

- Trước tiên, tôi thấy mình cùng một hiền giả vãng sinh đến một ao báu bên Tây Phương. Hiền giả đi nhiễu quanh hoa sen ba vòng, hoa liền nở ra, vị ấy bước vào ngồi chính giữa. Tôi cũng đi nhiễu quanh hoa sen ba vòng, nhưng hoa không nở. Tôi vuốt mở cánh hoa, hoa theo tay héo rụng. Lúc ấy, Phật A di đà bỗng xuất hiện đến bảo: “Ngươi còn tội chướng, hãy trở lại cõi Ta bà dùng nước thơm tắm gội và sám hối. Chờ lúc sao mai mọc ra ta sẽ đến rước. Nhưng tại sao ngươi tạo tượng ta lại quá nhỏ?”. Tôi đáp:“Tâm lớn Phật lớn, tâm nhỏ Phật nhỏ”. Đáp xong tượng Phật bỗng lớn đầy khắp hư không”.

Nói đoạn, Đạo Dũ nhờ tăng chúng nấu nước thơm. Sau khi tắm gội sạch sẽ, Sư đến trước Phật chí tâm sám hối cả đêm. Khi sao mai mọc, Đạo Dũ bạch chúng xin trợ niệm. Đạo chúng tề tựu đông đủ niệm Phật được một lúc, tất cả đều thấy kim quang sáng rỡ, hóa Phật từ Tây Phương đến tiếp rước.

Nhìn lại thì Đạo Dũ đã chắp tay vãng sinh. Lúc ấy, nhằm niên hiệu Khai Hoàng thứ tám.

(Trích lục: Thoại Ứng Truyện)

.

SỰ CẢM ỨNG TẠO TƯỢNG PHẬT CỨU ĐƯỢC SONG THÂN

.

Trương Ngươn Thọ, người ở Tinh Châu, tuy có tâm lành, nhưng sống về nghề sát sinh. Sau khi cha mẹ qua đời, ông dứt nghiệp sát, phát tâm niệm Phật. Vì muốn cứu độ song thân, ông tạo tượng Phật A di đà cao ba thước, để thờ nơi gian nhà cũ của cha mẹ ở. Hàng ngày, Ngươn Thọ đều trì niệm lễ bái, hương hoa đèn nến thường tiếp tục luôn.

Một đêm, sau thời khóa lễ, ông nằm mộng thấy trong nhà hào quang rực rỡ. Trong ánh sáng có hơn hai mươi người thân tướng cao đẹp ngồi trên đài sen. Hai người trong đó bay tới trước kêu:

- Trương Ngươn Thọ!

Ông hỏi là ai, thì đáp:

- Chúng ta là cha mẹ của con lúc sinh tiền. Chúng ta tuy biết niệm Phật, nhưng vì ưa rượu thịt, giết hại loài chim cá quá nhiều, nên khi chết đọa vào địa ngục Khiêu Hoán. Tuy đọa địa ngục nhưng nhờ sức niệm Phật, nước đồng sôi hóa thành mát mẻ. Hôm trước, có vị Sa môn thân vàng cao ba thước, đến thuyết pháp. Chúng ta cùng hơn hai mươi người đồng nghiệp nơi địa ngục đều được thoát khổ sinh về Tây Phương. Do nhân duyên đó, chúng ta đến đây mách bảo cho con biết. Những vị ngồi đài sen đây là các vị đồng nghiệp được vãng sinh.

Nói xong, tất cả đồng bay về Phương Tây.

Tỉnh mộng, sáng ra Ngươn Thọ đến chùa đem việc ấy thưa hỏi. Một vị tăng bảo:

- Đó là do tâm hiếu kính tạo tượng của ông hiện thành sức cảm ứng, nên tượng Phật đến cứu thoát được các đồng nghiệp địa ngục, trong đó có lệnh từ nghiêm (nghiêm phụ, từ mẫu).

(Trích lục: Tinh Châu Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG TẠO TƯỢNG PHẬT CỨU CHÚNG SINH Ở TAM ĐỒ

.

Thích Đạo Như, người ở Tấn Dương tại Tinh Châu. Sư chuyên tu Tịnh độ, là hàng đệ tử huyền tôn của Đạo Xước thiền sư. Đạo Như tâm tánh nhân từ, thương chúng sinh ở tam đồ hằng chịu khổ, phát nguyện tạo kim thân Phật A di đà cao một trượng sáu. Vì thanh tu, phương tiện thiếu kém, nên ba năm sau tượng mới hoàn thành. Sư hằng tinh cần cúng dường tượng, nguyện nhờ Phật lực, chúng hữu tình ở tam đồ được sớm siêu sinh.

Đêm nọ, đang ngồi tịnh niệm trước Phật tượng, Đạo Như chợt mơ màng đường vào mộng, thấy một vị minh quan đem điệp vàng đến bảo:

- Đây là điệp thư vua Diêm la tùy hỷ sự phát nguyện của pháp sư.

Đạo Như tiếp lấy mở ra xem, thấy trong đó đại khái nói: “Pháp sư vì thương xót muốn cứu chúng sinh chịu khổ ở tam đồ, nên tạo tượng Phật A di đà, tượng ấy thường vào địa ngục, phóng ánh sáng, thuyết pháp cứu độ chúng sinh, y như Phật sống. Sự lợi ích thật không thể nghĩ bàn! Những chúng sinh nghiệp nhẹ ở địa ngục đều lìa khổ được vui, thoát về nơi An Lạc…

Tỉnh lại, sư càng thêm chuyên tâm niệm Phật, cầu nguyện. Những ngày trai, nơi ngực tượng Phật thường phóng quang minh, nhưng mười người chỉ năm sáu người được trông thấy. Có kẻ nằm mộng thấy Đạo Như hiện thân sắc vàng vào nơi địa ngục, hoặc vào chỗ ngạ quỷ, súc sinh mà thuyết pháp. Những sự cảm ứng như thế rất nhiều.

“Hữu thành hữu cảm” âu là một việc tất nhiên.

(Trích lục: Tinh Châu Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG TẠO TƯỢNG PHẬT CỦA SA MÔN TĂNG CAO

.

Đời Tống, Thích Tăng Ca ở chùa Trường Sa tại Giang Lăng, thường niệm Phật cầu vãng sinh Tây Phương. Đại sư phát nguyện tạo tượng A di đà cao một trượng sáu, toàn bằng đồng, nhưng vì nguyên liệu không đủ nên đã mấy năm tượng chưa làm được. Ý chí cứng cỏi, đại sư nghe ngôi miếu núi Đông Khê tại Tương Châu có nhiều đồ đồng, muốn đến đó khuyến hóa quỷ thần để lấy vật liệu về làm tượng.

Lòng đã quyết định, Tăng Cao đến Toại Châu trình bày sự việc với quan thứ sử Trương Thiệu, xin giúp cho hai chiếc thuyền to và một trăm tráng sĩ. Thứ sử nói:

- Tôi nghe miếu ấy rất linh, những kẻ đến đó đều vong mạng, lại có người Mán canh giữ, sợ e khó thành công.

Song, Trương Thiệu vẫn cấp cho người và thuyền. Đoàn người chưa đến nơi, thần đã hay trước một đêm, làm gió mưa mù mịt, giục cầm thú kêu gào. Nhưng lúc đại sư đi trước tới nơi khấn nguyện, thì sương mù tan, mặt trời tỏa rạng, tiếng thú cầm cũng im bặt. Đoàn tráng sĩ tiếp tục nối gót theo sau. Còn cách hơn hai mươi bộ đến trước miếu, đã thấy có hai cái vạc đồng cực to, mỗi cái chứa ước được vài trăm hộc. Bỗng có một con rắn lớn, dài hơn mười trượng, từ trong vạc vượt ra, ngang mình đón đường. Một trăm tráng sĩ đều kinh sợ lui chạy ra xa. Sa môn Tăng Cao sửa cà sa, rung tích trượng, nghiêm chỉnh ngó ngay rắn thần và bảo:

- Đàn việt vì tội nghiệp đời trước mới thọ thân rắn, nếu không nương về Tam Bảo thì làm sao tự do được? Nay ta muốn tạo tượng Phật A di đà cao một trượng sáu, nghe ở đây có nhiều đồ đồng, mong đàn việt gây phước duyên bố thí, giúp cho công đức ấy được viên mãn.

Rắn cất cao đầu lên, nhìn kỹ Đại sư một lúc rồi lặng lẽ bỏ đi. Tăng Cao liền gọi các người tùy tùng mau đến lấy đồ vật. Cả đoàn bước vào miếu thấy bốn cái ống nhổ đồng thật lớn gần bên giường, có mấy con trùng dài hơn một thước bò ra bò vào, Đại sư bảo đừng lấy. Ngoài ra, những vật qua to nặng thì để lại, còn tất cả đồ đồng nhỏ đều đem xuống núi chở đầy thuyền trở về. Những người Mán giữ miếu tuy đông, song cũng không thấy chống cự.

Sa môn Tăng Cao đem đồng về chùa khởi công đúc tượng. Niên hiệu Ngươn Thọ thứ chín, tượng Phật hoàn thành, thân tướng đoan nghiêm, ánh sáng lấp lánh. Sự việc cảm phục quỷ thần lấy đồng đúc tượng, được truyền đi khắp nơi.

(Trích lục: Lương Cao Tăng Truyện)

.

SỰ CẢM ỨNG PHẬT HÓA CHIM ANH VÕ DẪN NGƯỜI NIỆM PHẬT

.

Nước An Đức ở miền biên địa, dân tánh quê thật, ít biết Phật pháp. Một độ, có con chim anh võ rất lớn bay đến, sắc lông vàng ánh, điểm xen màu xanh, trắng. Chim đó biết nói tiếng người, gặp ai cũng thưa gọi chào hỏi, nên từ vua đến dân đều yêu mến. Có kẻ thấy chim tuy lớn, nhưng khí lực dường như kém yếu, liền hỏi:

- Người dùng thức chi?

Anh Võ đáp:

- Tôi không dùng món chi được, chỉ nghe niệm danh hiệu Phật thì thân thể no đủ khỏe mạnh. Nếu muốn cho tôi ăn xin vì tôi niệm câu “Nam mô A di đà Phật”.

Do đó, mọi người khi thấy chim, đều đua nhau niệm Phật, chim cũng bay khắp đó đây chào hỏi và niệm Phật đáp lại.

Trải thời gian khá lâu, anh võ bay đến chỗ đông người, bảo:

- Các vị muốn thấy cảnh tốt đẹp an vui chăng?

Có kẻ đáp:

- Muốn thấy.

Chim nói:

- Nếu thế thì lên ngồi trên lưng, tôi sẽ đưa đi xem:

Vài ba người nghe nói lên lưng anh võ ngồi, chim bay lên nhưng sức còn yếu, liền bảo:

- Các vị nên niệm Phật liên tiếp cho tôi có đủ sức khỏe để đưa đi.

Mấy người ngồi trên lưng chim y lời, và anh võ bay xa về hướng Tây, đi luôn không trở lại.

Vua và quan xứ An Tức hay biết việc ấy, đều lấy làm lạ, than thở, cùng nhau bàn luận: “Đây tất là Phật A di đà dùng phương tiện hóa thân chim để dẫn độ dân chúng nước ta. Sự trở đi đó há chẳng phải là việc hiện thân được vãng sinh ư?”

Vua liền cho lập ngôi chùa lớn tại chỗ chim bay đi, hiệu là Anh Võ Tinh Xá. Chùa ấy thờ cốt tượng Phật A di đà rất to, hiện nay vẫn còn. Những ngày trai giới, đều có nhiều người đến niệm Phật.

Do nhân duyên ấy, người nước An Tức thông hiểu Phật pháp thì ít, nhưng niệm Phật được sinh Tịnh độ lại chiếm số nhiều.

(Trích lục: Ngoại Quốc Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG PHẬT HÓA LÀM THÂN CÁ DẪN ĐỘ NGƯỜI NIỆM PHẬT

.

Ở cực xa về hướng Tây Nam nước Chấp Sư Tử có một hòn đảo. Trên đảo có hơn năm trăm nhà, dân chúng ở đó không biết Phật pháp, chuyên bắt cá để làm thức ăn.

Một lúc nọ, không biết ở đâu trôi dạt về quanh đảo vô số cá lớn. Giống cá này biết nói tiếng người, thường xướng to lên: “Nam mô A di đà Phật”. Người trên đảo không rõ nguyên do, cứ gọi là cá A di đà Phật. Có một cư dân ở đó đến bờ biển nhại theo tiếng cá gọi liên tiếp “Nam mô A di đà Phật”, thì cá càng dạn dĩ lội đến gần và quanh quẩn không chịu đi. Người này liền bắt cá giết làm thức ăn, thì thấy thịt rất ngon. Việc ấy lan truyền ra, dân chúng trên đảo muốn ăn thịt cá, đều tới bờ biển niệm Phật dụ nó đến gần để bắt. Có điều lạ làm họ để ý là khi nào niệm Phật thì thịt cá tuyệt ngon, niệm ít thì vị cá nhàn nhạt không ra gì. Do nguyên cớ đó, khi dẫn dụ cá, dù nó đã đến gần họ không vội bắt, đợi niệm Phật một lúc cho thật lâu, sau cùng mới chịu bắt. Những kẻ ưa đắm vị ngon của cá, lại càng niệm Phật lâu hơn. Trải một thời gian, người ăn thịt cá đầu tiên già chết. Sau khi mãn phần ba tháng, người này cỡi mây tìm bay đến bờ đảo, phóng ánh sáng quy tụ dân chúng ở đó lại, bảo rằng:

- Tôi là người ăn thịt cá đầu tiên và niệm Phật cũng nhiều nhất. Sau khi mạng chung, tôi đã sinh về thế giới Cực Lạc rất tốt đẹp an vui. Thứ cá lớn đó là Phật A di đà hóa thân hiện. Đức Phật ấy thương xót chúng ta ngu si, nên hóa thân làm cá, để dẫn dắt chúng ta tu pháp Niệm Phật Tam muội. Nếu các vị không tin, hãy thử trở về xem, xương cá đều là hoa sen.

Những người trên đảo nghe nói rất mừng, đến chỗ có xương cá, thì thấy đều đã biến thành hoa sen. Họ bỗng cảm ngộ, dứt nghiệp sát và đều niệm Phật.

Về sau, tất cả cư dân ở đó đều được vãng sinh Tịnh độ, trên đảo hoang vắng không người. Một vị A la hán nước Chấp Sư Tử là tôn giả Sư Tử Hiền, dùng thần thông hay đến đảo ấy, khi trở về đã thuật lại các di tích và sự việc.

(Trích lục: Ngoại Quốc Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG NIỆM PHẬT ĐƯỢC THOÁT KHỔ ĐỊA NGỤC

.

Ở nước A du sa xứ Thiên Trúc, có một Bà la môn ngu si không tin Tam Bảo, thường tạo nghiệp ác. Vợ ông này có lòng tin trong sạch, thông hiểu pháp, tu Niệm Phật Tam muội. Cô thường khuyên chồng niệm Phật A di đà, nhưng không được nghe theo.

Vợ Bà la môn là người đẹp, nên ông thương yêu đắm nhiễm, dường như không biết chán. Cô vợ hiện nhận rõ điều đó, mới phương tiện bảo chồng rằng:

- Vợ chồng như chim liền cành, sao anh không đồng tu tập như tôi? Nếu anh không tùy thuận theo tôi, tất giữa vợ chồng không có sự đồng nhất, từ đây về sau trong mọi sự việc tôi cũng không tùy thuận theo anh.

Chồng nói:

- Tôi kém dở nên không thể tu theo cô được, biết làm sao?

Vợ bảo:

- Anh hãy dành ra một thời, khi tôi đánh trống xướng niệm danh hiệu Phật, thì phải niệm theo. Như thế tôi mới cho vào phòng.

Bà la môn vì thường muốn gần gũi vợ, phải miễn cưỡng y theo.

Ba năm sau, Bà la môn đau xoàng rồi tắt hơi, Nhưng nơi ngực còn nóng. Người vợ nghi ngờ, đắp liệm để đó chưa vội chôn. Qua năm ngày ông bỗng sống lại, thương khóc bảo vợ rằng:

- Khi chết, tôi bị đọa vào địa ngục Phất Thắng, thấy quỷ La sát cầm gậy sắt đánh đập tội nhân. Vừa đầu gậy đánh trật va vào thành vạc sôi, phát ra một tiếng “choang” thật lớn. Tôi chợt nhớ đến tiếng trống đồng của cô, bất giác cao tiếng niệm to “Nam mô A di đà Phật”. Liền đó, lửa đỏ dầu sôi nơi địa ngục đều hóa thành ao nước mạnh mẽ, trong đấy mọc đầy hoa sen. Các tội nhân đều được giải thoát. Quỷ La sát đem sự việc thưa lại Minh Vương. Vua tha cho tôi về, bảo đem điều linh cảm này thuật lại cho người dương thế biết. Minh Vương lại nói thêm bài kệ rằng:

Nếu người tạo nhiều tội

Đọa vào ngục lửa vạc

Vừa niệm hiệu Di đà

Lửa dữ thành nước mát!

Sau khi lành mạnh, Bà la môn đem việc ấy truyền thuật lại. Mọi người nghe nói, vừa kinh sợ, vừa hoan hỷ.

(Trích lục: Ngoại Quốc Hiền Thành Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG VỀ TU TẬP KINH QUÁN VÔ LƯỢNG THỌ

.

Đời nhà Tề, Đàm Loan là bậc tuấn sĩ, cảm thấy thế cuộc vô thường, đến tham phỏng Đào Ân Cư học về tiên thuật. Đào trao cho mười quyển Tiên Kinh, bảo đó là pháp trường sinh bất tử.

Trên đường về, Đàm Loan gặp một vị Phạm tăng là Bồ đề lưu chi. Trong khi trò chuyện, Đàm hỏi Phạm tăng:

- Trong đạo Phật, có pháp nào hay hơn kinh này chăng?

Bồ đề lưu chi mỉm cười, nói:

- Ở phương này làm gì có pháp trường sinh bất tử! Dù tu tiên được sống lâu, nhưng mãn kiếp cũng phải luân hồi trong ba cõi, nên không phải bất tử mà chỉ có trường sinh đó thôi!

Nói xong, Phạm tăng trao cho quyển kinh Quán Vô Lượng Thọ bảo:

- Đây mới chính là pháp trường sinh bất tử của đấng Đại giác kim tiên. Nếu y theo tu hành, sẽ sinh về Cực Lạc, được vĩnh viễn giải thoát không còn luân hồi nữa.

Đàm Loan hoan hỷ, đốt bỏ mười quyển Kinh Tiên rồi xuất gia, tu hành theo Quán Kinh.

Trải mấy mươi năm tu tập, lúc sắp viên tịch, Đàm Loan thấy Long Thọ Bồ tát đến nói kệ khai thị. Ngài liền bưng lò hương xoay mặt về Tây niệm Phật mà vãng sinh. Lúc ấy, đại chúng nghe giữa hư không có tiếng âm nhạc mầu nhiệm nổi lên, rồi lần lần xa ẩn về phương Tây.

Đời Lương, Đạo Trân pháp sư niệm Phật, y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, tu phép Thủy Quán. Đêm nọ, Sư nằm mộng thấy trên mặt nước mênh mang trong vắt, một con thuyền chở trăm người hướng về Tây Phương. Đạo Trân xin đi theo, người trên thuyền không cho và bảo:

- Sư chưa tụng kinh A di đà và làm nhà tắm cho chư tăng, tịnh nghiệp chưa thành nên không đi được.

Tỉnh giấc, pháp sư ghi nhớ, từ đó về sau thực hành y theo lời khuyên bảo.

Đến sau, Đạo Trân lại nằm mộng, thấy một vị nương tòa lâu đài bằng bạc bay đến vẫy tay nói:

- Tịnh nghiệp của Pháp sư đã viên thành, quyết định sẽ sinh về Tây Phương. Tôi đến đây báo trước, hãy khéo dụng tâm!

Khi lâm chung, đỉnh đầu Đạo Trân pháp sư nóng như lửa, mùi hương lạ bay khắp chùa. Hàng đệ tử soạn trong hòm kinh, tìm thấy di bút mới biết rõ sự việc.

(Trích lục: Thoại Ứng Ký)

.

SỰ CẢM ỨNG CỦA TỶ KHEO THÍCH TĂNG CẢM

.

Tỷ kheo Tăng Cảm ở Tinh Châu, hằng tụng kinh Di đà  Quán Vô Lượng Thọ, cầu sinh Tịnh độ. Đêm nọ, Sư nằm mộng thấy thân mình sinh ra hai cánh, cánh bên trái đầy văn kinh Quán Vô Lượng Thọ, cánh bên phải hiện văn kinh A di đà. Tâm niệm khởi động chớp cánh muốn bay lên, nhưng thân còn nặng chưa bay được.

Tỉnh giấc, Sư càng tin tưởng, chuyên tụng hai thứ kinh ấy. Ba năm sau, lại nằm mộng thấy cánh đã dài, bay lên được nhưng chưa đi xa. Trì tụng thêm hai năm nữa, trong giấc mộng, Sư cảm thấy thân nhẹ nhàng bay đi tự tại, liền cất mình lên hư không bay về Tây Phương. Đến một cảnh giới tốt đẹp trang nghiêm. Tăng Cảm gặp Phật và hai vị Bồ tát bảo:

- Sức tụng kinh của người chỉ đến được biên địa cõi Tịnh độ. Vậy ngươi hãy trở về Ta bà, tụng mỗi ngày bốn mươi tám quyển, ba năm sau sẽ sinh lên thượng phẩm ở Cực Lạc.

Tỉnh mộng, Sư y theo lời dạy tu hành, ba năm sau quả nhiên được vãng sinh.

Khi sư viên tịch rồi, chỗ nằm bỗng mọc lên chín đóa hoa sen, bảy ngày vẫn còn tươi đẹp.

(Trích lục: Tân Lục)

.

SỰ CẢM ỨNG KHI TẠO TƯỢNG ĐẠI THẾ CHÍ BỒ TÁT

.

Cha của ông Lý Triệu Đải, người huyện Du ở Ung Châu, nhân hủy báng Phật pháp, mộng thấy thần quở trách, mang bệnh thổ huyết rồi chết. Triệu Đài kính thành quy y Đại Thế Chí, niệm danh hiệu Phật, Bồ tát cầu nguyện cho cha. Ông lại thuê thợ giỏi tạo kim thân đức Đại Thế Chí cao ba thước để cúng dường. Ngày khởi công, đất khắp nơi bỗng rung chuyển, nhiều người cho là cơn địa chấn, luận bàn tốt xấu phân vân. Hai tháng sau tượng thành, Triệu Đải mộng thấy một vị kim thân, đầu đội bảo quan, đến nói:

- Ta là Đại Thế Chí Bồ tát. Ngươi có biết nguyên do cơn động đất hôm trước chăng? Đó là do ngươi phát nguyện tạo tượng, ta đến đây để chứng minh, khi đặt chân xuống thế giới này, cõi đại thiên rung động, chúng sinh trong đó đều được thoát khổ. Ta y theo môn niệm Phật chứng vào Vô sinh nhẫn, nhiếp thủ chúng sinh niệm Phật ở mười phương. Ngươi tạo tượng ta lại niệm Phật, nên ta đã cứu cha ngươi thoát khỏi địa ngục, đưa về Tịnh độ.

Lý Triệu Đải nghe nói, chắp tay chiêm ngưỡng Bồ tát, vừa muốn cúi xuống đảnh lễ, bỗng giật mình thức giấc. Ông vừa vui mừng vừa cảm động, từ đó chuyên niệm Phật không biếng trễ.

(Trích lục: Tư Mạng Chi)

 

.

 

Trích: Tam Bảo Cảm Ứng Yếu Lược Lục

Việt dịch: HT. Thích Thiền Tâm