Niệm & niệm Phật

 

Trong kinh có nói một thí dụ như sau: Có một người nọ đắc tội với quốc vương, đáng phải xử tử. Bấy giờ quốc vương sai lấy một bát đựng đầy dầu, bắt người tội bưng lấy bát dầu đi ra đường phố đến một địa điểm đã quy định, nếu như anh ta có khả năng giữ bát dầu không rơi ra ngoài một giọt thì quốc vương sẽ miễn tội chết cho. Kẻ phạm tội đó trong khi tính mạng đang bị uy hiếp mà tìm thấy con đường sống, cho nên đã để hết tâm ý vào tay bưng bát dầu. Trên đường đi có biết bao nhiêu màn ca múa hát xướng anh ta cũng không nghe không thấy; có biết bao trò đánh đá cãi vã ồn ào anh ta cũng mặc kệ; cho đến những đoàn xe ngựa chạy tới chạy lui, biết bao cảnh vật xung quanh tác động vậy mà anh ta đều không để mắt tới, chỉ duy nhất tập trung tâm ý vào việc giữ gìn bát dầu sao cho khỏi rơi ra ngoài dù chỉ một giọt. Cuối cùng thì anh ta cũng bưng được bát dầu đi đến nơi quy định mà không để rơi một giọt nào, nhờ vậy anh được thoát khỏi tội chết.


Xưa nay, người tu theo pháp môn niệm Phật, đại đa số mọi người chỉ biết niệm bằng cái miệng, cũng giống như nhà thiền nói chuyện thiền trên lưỡi, gọi là ‘khẩu đầu thiền’, có rất ít người biết được ý nghĩa thâm sâu của pháp môn niệm Phật. Nếu niệm Phật mà chỉ niệm bằng cái miệng suông, trong tâm không có Phật, không tưởng nhớ công đức của Phật, không quán tưởng về Phật và cảnh giới của Phật thì cũng như máy niệm Phật thôi!


Cho nên, nếu chỉ niệm Phật bằng cái miệng suông, tâm không nhớ Phật thì không thể gọi là niệm Phật được, mà chỉ có thể gọi là ‘kêu tên của Phật’, ‘phụ họa niệm Phật’... Niệm Phật chân chính là phải tâm tâm buộc niệm vào cảnh giới Phật, cột tâm vào danh hiệu Phật, ghi nhớ rõ ràng, không để xao lãng, không để quên mất. Nói một cách đơn giản, niệm Phật là phải nhớ Phật. Phật là người như thế nào, có những công đức gì, tướng hảo trang nghiêm ra sao… mình phải ghi nhớ rõ ràng trong tâm khi đọc đến, nghe đến, niệm đến danh hiệu của Ngài.

Về phương pháp niệm Phật thì chính Đức Bổn sư Thích-ca mâu-ni Phật đã hướng dẫn: “Tỳ-kheo chánh thân, chánh ý, ngồi bắt tréo chân, cột niệm ở trước, chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác. Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời. Trong khi mắt không rời, niệm tưởng công đức Như Lai”. Đoạn kinh này chỉ dẫn ba cách niệm Phật:

- Chuyên tinh niệm Phật, không có niệm tưởng nào khác là Trì danh niệm Phật hay Xưng danh niệm Phật. Hành giả buộc tâm vào câu Phật hiệu Nam-mô A-di-đà Phật, niệm niệm liên tục, niệm trước tiếp nối niệm sau không dứt, không để bất cứ một ý niệm nào khác xen tạp vào. Niệm như vậy trong vòng năm mười phút mà không bị gián đoạn, không có vọng tưởng, thì đạt được định, gọi là niệm Phật tam-muội. Nếu niệm được từ một đến bảy ngày liên tục không gián đoạn, không xen tạp, nhất tâm bất loạn thì ngay hiện tiền chứng được bất thối chuyển, lúc lâm chung được Phật A-di-đà và Thánh chúng đến đón về Tịnh độ.

- Quán hình của Như Lai, mắt không hề rời là Quán tượng niệm Phật. Hành giả thỉnh một tượng Phật, hoặc hình Phật, hoặc bức tranh Tây phương Cực lạc… thiết trí nơi trang nghiêm. Mỗi ngày để ra năm mười phút ngồi ngay thẳng trước tôn tượng, tập trung tâm ý, mắt nhìn tượng Phật, nhìn thật chăm chú, ngắm nhìn từ nét mặt đến nếp y, hình dáng… sao cho hình ảnh của Đức Phật A-di-đà in đậm trong tâm thức đến nỗi khi rời khỏi Phật điện, đi đến bất cứ đâu và ở bất cứ lúc nào, hễ khởi tâm nhớ Phật, niệm Phật thì lập tức hình ảnh Đức Phật hiện ra rõ ràng trước mắt, lúc nào trong tâm cũng thấy Phật. Trong tâm lúc nào cũng thấy Phật thì bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng đều tiêu trừ, bao nhiêu công đức thù thắng đều thành tựu, ngay trong hiện đời cảm được pháp lạc vô dư.

- Niệm tưởng công đức của Như Lai là Quán tưởng niệm Phật. Hành giả nhớ nghĩ đến công đức của Phật A-di-đà, Ngài có 48 đại nguyện cứu độ chúng sanh, từ bi nguyện lực sâu rộng… Dù trong đời này hay đời khác, hay trên thiên giới, không có tài bảo vi diệu nào sánh với Đức Như Lai. Ở đây, Phật là tài bảo tối thắng vi diệu. Bằng sự thực này, ước nguyện tất cả đều được an lành, lâm chung đều được sanh về cảnh giới của Phật A-di-đà.


Trên đây là ba phương pháp niệm Phật căn bản, được Tăng Ni, Phật tử thực tập rất thịnh hành ngay thời Phật còn tại thế. Trong các phương pháp niệm Phật, thì phương pháp ‘Xưng danh niệm Phật’ là giản dị nhất.

Nhưng ‘Xưng danh niệm Phật’ tuyệt đối không phải chỉ là xưng niệm trên miệng. Xưa nay chúng ta trì tụng kinh A-di-đà của ngài Cưu-ma-la-thập dịch, trong bản kinh này nói ‘chấp trì danh hiệu’, tức niệm danh hiệu Phật liên tục, không gián đoạn; nhưng trong một bản dịch khác của ngài Huyền Trang thì câu kinh đó là ‘tư duy niệm Phật’, tức thiền quán về danh hiệu Phật. 

Từ đó chúng ta thấy rằng, ‘Xưng danh niệm Phật’ tuyệt đối không phải chỉ là niệm Phật bằng cái miệng, mà phải niệm bằng cái tâm, để danh hiệu Phật vào trong tâm, buộc niệm vào danh hiệu Phật rồi tư duy thiền quán. Nhờ xưng niệm danh hiệu Phật A-di-đà, và nhờ danh hiệu mà thể hội được công đức, thật tướng của Phật; buộc niệm tư duy về công đức và thật tướng của Phật mới gọi là niệm Phật.


Cho nên, điều quan trọng nhất của hành giả Tịnh độ là khi xưng niệm danh hiệu Phật là đừng bao giờ dừng lại ở chỗ chỉ xướng tụng bằng cái miệng, niệm Phật trên miệng mà trong tâm rỗng tuếch thì không khác gì máy niệm Phật!


Văn Thù Sư Lợi sở thuyết ma-ha bát-nhã ba-la-mật kinh dạy rằng: “Ai muốn nhập vào tam-muội nhất hạnh, nên đến ở một chỗ trống vắng, bỏ hết những loạn ý, không duyên vào tướng mạo, buộc tâm vào một Đức Phật mà chuyên đọc danh tự của Đức Phật ấy; tùy theo phương hướng xứ sở của Đức Phật ấy mà ngồi thẳng xoay mặt về phương hướng xứ sở đó”.


Đoạn kinh trên cho thấy, nếu hành giả niệm Phật muốn đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn thì phải ‘đến ở một chỗ trống vắng, bỏ hết những loạn ý, không duyên vào tướng mạo (bên ngoài), cột tâm vào một Đức Phật, chuyên niệm danh hiệu Phật ấy’. Nếu hành giả muốn vãng sanh Tịnh độ của Phật A-di-đà thì phải ngồi ngay thẳng, xoay mặt về hướng Tây, chuyên niệm danh hiệu ‘Nam-mô A-di-đà Phật’.


Để niệm Phật dễ đắc định, hành giả vừa niệm vừa nghe lại âm thanh niệm Phật của mình. Phương pháp này gọi là phản văn niệm Phật, cũng gọi là Kim cang trì. Hành giả niệm thư thả, tiếng không lớn cũng không nhỏ quá, vừa niệm vừa lắng tai nghe lại tiếng niệm của mình từng chữ một: Miệng niệm, tai nghe, tâm tưởng, ba yếu tố này phải đồng thời tương ưng với nhau. Khi niệm Phật phải niệm cho rõ ràng, bình tĩnh, không ồn ào, không hoảng hốt. Quan trọng nhất là, khi niệm Phật không phải niệm bằng cái miệng, mà cần phải lắng tai để nghe âm thanh niệm Phật của mình, nghe thấy rõ ràng, chú tâm mà nghe, tức là trong tâm của mình cũng đồng thời vừa niệm vừa nghe danh hiệu Phật, mỗi niệm mỗi niệm rõ ràng, trong sáng.

Mục đích của niệm Phật là đạt đến cảnh giới nhất tâm bất loạn, mà muốn đạt đến cảnh giới đó cần phải mặc niệm, tức là phải niệm thầm, niệm bằng ý thức, mà nói chính xác là niệm bằng tâm sở tầm và tâm sở tứ, tức niệm bằng ngôn ngữ của ý.


Mặc niệm, hay niệm thầm, còn gọi là Kim cang trì, tức là đem danh hiệu Phật đặt vào trong tâm, niệm bằng ngôn ngữ của tâm, miệng không phát ra âm thanh. Tuy không niệm ra tiếng nhưng tâm lại nghe được tiếng, đó là tiếng nói hay ngôn ngữ của tâm, gọi là ý ngôn, mỗi chữ mỗi câu đều nghe được rất rõ ràng. Niệm Phật bằng cách này thì từ từ tâm sẽ hướng về một cảnh, ngoại duyên từ từ bị cắt đứt, khi đó chúng ta mới đạt được định.


Hai yếu tố tâm sở tầm và tứ rất quan trọng trong quá trình tu niệm. Tầm là nắm lấy danh hiệu Phật, khởi niệm niệm Phật; tứ là duy trì chánh niệm trong suốt quá trình niệm Phật, tức là khi nào cũng ý thức, chánh niệm, tỉnh giác biết rõ mình đang niệm Phật, chỉ có tâm với danh hiệu Phật, ngoài ra không có bất kỳ một ý niệm nào khác. 

Niệm Phật theo cách này thì chỉ cần năm mười phút là mình có được hỷ lạc liền, như trong kinh Phật nói: “Một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ”.