Nữ Doanh nhân xuất gia đi tu

 

Bài 1: 

Chị Ngọc Diệp từ doanh nhân trở thành nhà sư Đức Tâm

 
(PGVN)

Chị Ngọc Diệp được sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng đất thép Củ Chi, thuộc ngoại ô Tp.HCM. Ngay từ thuở ấu thời, chị đã phải lao động vất vả để phụ giúp gia đình.

Ngay từ lúc con nhỏ chị đã biết sống vì người khác, biết dùng khả năng của mình để đem đến hạnh phúc cho người khác.
 
Gia đình chị có truyền thống đạo Phật, nhưng chỉ là đi theo với tư cách là một tín ngưỡng dân gian, mọi người trong gia đình hầu như không hiểu nhiều về Phật Pháp. Vào những dịp lễ, Tết, chị cũng thường theo mẹ đến chùa lễ Phật, nhưng chỉ là để cầu bình an cho gia đình, cầu thuận lợi, may mắn trong cuộc sống, trong công việc chứ chưa biết gì về giáo lý đạo Phật. 

 Chị Ngọc Diệp bên Ni sư Tsomo - Chủ tịch Hội Sakyadhita
 
Nếm trải sự khổ cực của gia đình và chứng kiến cảnh gian khổ của người dân trong vùng, chị luôn hy vọng thoát khỏi cảnh đói nghèo, và chị sớm nhận thấy được con đường duy nhất để thoát nghèo đó là học vấn. 

Vì thế, dù phải vất vả để phụ giúp gia đình kiếm kế mưu sinh, chị vẫn luôn phấn đấu vươn lên trong học tập. Có lúc tưởng chừng như không thể nào học tiếp được, nhưng với nghị lực phi thường và tấm lòng hiếu thảo của một người con, chị đã tìm đủ mọi cách, làm nhiều công việc để có thể có đủ điều kiện đi học. Và cuối cùng thì chị cũng đã tốt nghiệp hai bằng đại học. 
 
Với kiến thức chuyên môn và trình độ ngoại ngữ của mình, chị bước vào đời. Công việc chính thức đầu tiên của chị là hướng dẫn viên du lịch tại địa đạo Củ Chi. Không dừng lại ở đấy, chị đã bươn chải, trải qua nhiều công việc khác nhau trong xã hội. Năm 1996, chị bắt đầu bước vào kinh doanh, 24 tuổi chị đã làm giám đốc một công ty. 
 
Một hôm, có một người quen tặng cho chị cuốn sách “Bước đầu học Phật” củaHT.Thích Thanh Từ. Vì là lần đầu tiên đọc sách Phật giáo nên chị thấy khó hiểu và có những vấn đề khó chấp nhận được. Thế là chị dừng lại giữa chừng, không đọc nữa. Đây là điều dễ hiểu đối với những người mới bước đầu học Phật.
 
Trong quá trình kinh doanh, chị đã đi theo các bạn bè, các doanh nhân khác để làm các chương trình từ thiện. Tuy nhiên, lúc này chị làm từ thiện chỉ là để chia sẻ, để tạo phước cho mình mà thôi. Chị tham gia nhiều chương trình từ thiện, chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, và từ đó chị ưu tư, suy nghĩ: “Tại sao cùng sinh ra ở đời mà mỗi người lại có mỗi hình tướng khác nhau, có điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau, phải chăng đấy chỉ là sự ngẫu nhiên?”. Sự hoài nghi ấy thôi thúc chị tìm hiểu và rồi chị biết được rằng, sở dĩ có sự khác biệt giữa người này với người khác là do nghiệp mỗi người mỗi khác, sự khác nhau ấy là do tác động của luật nhân quả, nghiệp báo. 

Giáo lý nhân quả, nghiệp báo mà đức Phật dạy đã giúp chị giải tỏa được hoài nghi. Từ đó chị càng cảm mến đạo Phật hơn, chị lại quay về đọc sách Phật giáo, tìm hiểu về đạo Phật và phát nguyện quy y Tam bảo, trở về nương tựa và tu học theo Phât, Pháp, Tăng. Chị quy y với Hòa thượng Thích Trí Quảng với pháp danh là Hoa Minh. 
 
Cũng từ những chuyến đi từ thiện, chị trăn trở, suy nghĩ về phương thức làm từ thiện sao cho hiệu quả, lâu bền, chị nghĩ: Thay vì dùng số tiền khá nhiều mà mọi người đã dùng vào các việc thiện hàng năm thì dùng làm vốn kinh doanh, rồi từ đó lấy lợi nhuận làm từ thiện, như thế thì công tác từ thiện sẽ ổn định hơn. 

Từ ý tưởng này cộng với tâm nguyện muốn truyền bá đạo Phật, đem hình ảnh Phật giáo đến gần với mọi người hơn, muốn giúp mọi người gieo duyên với Phật pháp, chị và một số người thân quen đã cùng nhau góp vốn thành lập chuỗi nhà hàng chay, đó là: Nhà hàng Việt Chay, nhà hàng chay Mandala, nhà hàng chay Varja. Sau đó chị mở các Trung tâm Phật ngọc để phát hành văn hóa phẩm Phật giáo, Công ty du lịch Ngọc Việt Travel. Rồi thành lập Trung tâm Mani, một trung tâm truyền thông Phật giáo, nơi sản xuất các ấn phẩm Phật giáo. 

Gần đây chị còn thành lập Siêu thị Pháp Hoa và cơ sở sản xuất pháp phục Lam Hiền, Trung tâm Tịnh Hóa. Tất cả các việc chị làm đều với tâm nguyện gieo duyên cho mọi người đến với Phật pháp, hướng mọi người đến với chân thiện mỹ và cũng là góp phần truyền bá Phật pháp và tôn vinh hình ảnh đạo Phật. 

Tất cả lợi nhuận thu được từ các công việc ấy đều được chị sử dụng vào các hoạt động hoằng dương chính pháp, cúng dường Tam Bảo và làm từ thiện. Và chị còn tham gia vào việc tổ chức, điều hành một số công việc của Giáo hội, như là điều hành Tổ in ấn và phát hành Kinh sách của Thành hội Phật giáo Tp.HCM, tham gia vào Ban Tài chính, Ban Văn hóa của Giáo hội.

 Sư Đức Tâm đi bên cạnh HT.Thích Thanh Từ
 
Chị còn là người đưa Phật pháp đến gần với giới doanh nhân hơn thông qua chương trình Chất Lượng Cuộc Sống (The Quality of Life), nơi chia sẻ giáo lý và nếp sống thiện lành dành cho người bận rộn. Và chị cũng là người đầu tiên đưa mô hình phòng trà ca nhạc Phật giáo vào hoạt động với tên gọi là chương trình Giai Điệu Yêu Thương. Những băng đĩa của các chương trình ấy đều được in ra để biếu cho thực khách tại các nhà hàng chay. 
 
Riêng với cá nhân chị, kể từ khi trở về nương tựa với Tam Bảo, nếp sống và nếp nghỉ của chị đều có sự thay đổi nhiều. Chị sống điềm tỉnh hơn và cống hiến nhiều hơn. 

Trước đây, chị khá nóng tính. Nhờ học Phật, tu tập mà chị đã chuyển được phần lớn sự nóng tình của mình. Từ một vị Giám đốc của 3 công ty, chị đã nhường lại chức vụ đó cho các em mình để tập trung vào các hoạt động phật sự, tu tập và làm từ thiện. Chị sống giản dị, không chú trọng về những thứ gọi là thể hiện “đẳng cấp” của đời thường. 

Chị đi đến những vùng khó khăn từ Bắc chí Nam để tặng quà cho người nghèo, trao học bổng và tặng quà cho học sinh nghèo, tổ chức các chương trình mổ mắt từ thiện để mang lại ánh sáng cho người già, người bệnh… đồng thời tìm cách gieo duyên cho họ đến với Phật pháp để họ có thể tìm được niềm an vui trong cuộc sống.
 
Những lúc gặp khó khăn, trở ngại trong công việc, những lúc bị chùn bước trước khó khăn, chướng ngại, chị thường cầu nguyện Tam Bảo và Thiên Long, Hộ Pháp gia hộ cho mình. 

Đặc biệt, những lúc như vậy chị thường nghĩ đến công hạnh và sự hy sinh cao cả, nghị lực phi thường của chư vị tổ sư, chư vị Thánh tử đạo, nhất là tấm gương cao cả của hai nữ Thánh tử đạo Nhất Chi Mai, Quách Thị Trang và Bồ tát Thích Quảng Đức, các vị ấy đã ảnh hưởng rất nhiều đến chị, đã cho chị có thêm nghị lực, khả năng để vượt qua những khó khăn, chướng ngại.
 
Hơn nữa, lúc trước chị thường bị cuốn theo công việc, lao mình vào công việc và không làm chủ bản thân mình nhưng hiệu suất công việc thì lại không cao. 

Từ khi tu tập theo đạo Phật chị dần dần hiểu được việc gì nên làm và việc gì không nên làm, chị biết sắp xếp công việc theo chế độ ưu tiên, biết phân phối thời gian cho công việc và làm chủ được công việc. 

Nhờ thế mà chị làm được nhiều việc hơn và hiệu quả lại cao hơn trước, đồng thời chị vẫn còn thời gian để tham gia các thời khóa tu học ở chùa cũng như thời khóa của riêng mình. Và chị cảm thấy cuộc sống an lạc hơn, nhẹ nhàng hơn. Chị có nếp sống rất giản dị. Chị ăn chay trường và trên người chị lúc nào cũng mặc những bộ đồ màu nâu và màu lam mộc mạc. Đồ dùng và các nhu cầu cá nhân thì cũng giảm thiểu đến mức tối đa. Ngoài thời gian làm việc, chị dành thời gian cho việc tu niệm. 
 
Càng gần gũi với chư tăng, ni càng tu học theo lời Phật dạy thì chị càng cảm mến đức hạnh người tu, càng tôn thờ lý tưởng xuất gia. Thế là chí nguyện xuất gia học đạo đã nảy nở và lớn dần trong tâm chị. Va rồi, nhân duyên đã hội đủ, chí nguyện đủ lớn, cuối tháng 5/2013 chị đã từ bỏ tất cả các chức vụ, chuyển giao các công việc và xả ly tất cả những thứ sở hữu để xuất gia tu học, bái Sư cô Thích Nữ Huệ Đức làm sư phụ. 

Từ đây mái tóc xanh của chị đã được cắt bỏ, cát ái từ thân, chị nương vào đại chúng tại Quan Âm Tu Viện, Q. Phú Nhuận, Tp.HCM để tu tập với pháp tự là Đức Tâm. 

Vậy là từ nay chị có thể chuyên tâm tu tập để thực hiện chí nguyện cao cả của mình “Tìm cầu Phật đạo và phụng sự chúng sanh”. Cầu chúc chị luôn được bình an và gặp nhiều thuận duyên trên đường đạo. 
 
 
Bài 2:
 
Doanh nhân Ngọc Diệp tổng giám đốc Việt Chay group đã xuất gia
 

Vào ngày 26/7/2013 (nhằm ngày 19/6/Quý Tỵ), lễ xuất gia cho doanh nhân Phật tử Huỳnh Long Ngọc và một người bạn đồng tu đã chính thức được long trọng cử hành tại Quan Âm Tu Viện, Q. Phú Nhuận, TP.HCM.

Nhắc đến cái tên Huỳnh Long Ngọc Diệp thì chắc hẳn trong giới doanh nhân Sài Gòn nhiều người biết đến. Chị Ngọc Diệp là một doanh nhân trẻ và khá thành đạt. Chị vốn xuất thân trong một gia đình nhà nông nghèo khó và đông anh em. Nhờ sự thông minh sẵn có và nghị lực phi thường, chị đã phấn đấu vươn lên không ngừng. Thời còn đi học, chị vừa học vừa phụ giúp cha mẹ trong mọi công việc gia đình. Bước vào đại học, chị vừa học vừa làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và phụ giúp gia đình. Chị bước vào đời với hai bàn tay trắng. Với vốn kiến thức, sự nhạy bén và sáng tạo của mình, chị đã bước vào lĩnh vực kinh doanh. Chị kinh doanh khá sớm, đến năm 24 tuổi thì chị đã là giám đốc của một công ty, đó là vào năm 1996, chị thành lập Công ty thiết kế bao bì thực phẩm Huỳnh Long. Đến năm 2004, chị thành lập thêm Công ty Máy in công nghiệp và dây chuyền chiết rót Willet. Thành công nối tiếp thành công, năm 2005, chị tiếp tục mở thêm Công ty Pihana chuyên sản xuất bao bì mỹ phẩm (2005).

Trong quá trình kinh doanh, bên cạnh việc quan tâm, chăm lo đời sống của công nhân viên của mình, chị còn tham gia các chương trình từ thiện, dùng đồng tiền chân chính do mình làm ra để chia sẻ, giúp đỡ cho những mảnh đời khó khăn, những hoàn cảnh bất hạnh trong xã hội. Và rồi nhân duyên đã đưa chi đến với đạo Phật. Cảm mến đạo Phật, chị dần dần tìm hiểu và thực tập theo những lời Phật dạy và chị cảm nhận được những lợi ích thiết thực từ những lời dạy cao quý của Đức Phật. Khi đã hiểu và tin sâu vào đạo Phật, chị đã phát tâm quy y Tam bảo, chính thức trở thành người Phật tử.

Kể từ khi trở thành người Phật tử, có được những an vui và lợi lạc từ việc tu học theo giáo pháp của Đức Phật, chị muốn chia sẻ những giá trị cao quý ấy với người khác, muốn nhiều người biết đến lời Phật dạy và có được lợi ích từ sự tu học theo đạo Phật như chị, nên chị dồn tâm huyết và sức lực của mình vào việc gieo duyên lành cho nhiều người biết đến Phật pháp và sống theo tinh thần đạo đức mà Đức Phật đã dạy. Khởi đầu của tâm nguyện này là việc thành lập nhà hàng Việt Chay vào cuối năm 2007. Tiếp theo đó là sự ra đời của một chuỗi các nhà hàng chay khác do chị và những người cộng sự thành lập, đó là nhà hàng chay Mandala ở Q.1, nhà hàng chay Varja ở Q.10 và Q.5, TP.HCM. Không dừng lại ở lĩnh vực ẩm thực nhằm khuyến khích mọi người ăn chay, chị mở Công ty truyền thông Phật giáo Mani, Công ty du lịch hành hương Ngọc Việt Travel, rồi Siêu thị Pháp Hoa - nơi bày bán tất cả các văn hóa phẩm và các mặt hàng liên quan đến Phật giáo, và xưởng may Pháp phục Lam Hiền chuyên may y phục Phật giáo. Nguồn lợi thu được từ các nhà hàng, các cơ sở kinh doanh, sản xuất nói trên chị đều dùng vào việc hoằng dương đạo Phật và làm từ thiện. Chưa bằng lòng với những gì đang có, chị Ngọc Diệp còn tổ chức chương trình Chất Lượng Cuộc Sống vào mỗi chiều thứ Bảy cách tuần tại nhà hàng chay Mandala. Đây là chương trình chia sẻ về giáo lý đạo Phật và nếp sống thiện lành dành cho các doanh nhân và trí thức trẻ. Tính đến nay chương trình đã tổ chức được 48 kỳ và vẫn đang tiếp tục thực hiện. Và chị còn tổ chức chương trình ca nhạc Phật giáo “Giai Diệu Yêu Thương” tại nhà hàng Việt Chay vào tối ngày 02 và 16 (Âm lịch) mỗi tháng. Chương trình “Giai Điệu Yêu Thương” mở ra đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của rất nhiều người, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ, vì chương trình đã tạo cơ hội cho những người yêu âm nhạc Phật giáo được thưởng thức, được sáng tác và được thể hiện. Do vậy, “Giai Điệu Yêu Thương” đã góp phần rất lớn trong việc làm giàu nhạc Phật. Bên cạnh đó chị còn đảm trách một số chức vụ quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM.

Cũng từ lúc biết đến đạo Phật, tu học theo lời Phật dạy, cuộc sống của chị Ngọc Diệp đã có nhiều thay đổi. Chị không còn quá chú trọng đến những thứ thể hiện “đẳng cấp” của người doanh nhân. Chị sống giản dị, ăn chay trường, điềm tĩnh hơn và sống vì người khác nhiều hơn. Chị đã tập buông xả dần dần, nhường quyền quản lý và sở hữu ba công ty sản xuất, kinh doanh bên ngoài lại cho các em của mình để dồn tâm huyết cho đạo Phật.

Càng thâm nhập vào trong nếp sống của đạo Phật, càng gần gũi với các vị Tăng Ni, chị càng cảm mến nếp sống hiền thiện, từ bi, trí tuệ và thanh tịnh của người tu sĩ Phật giáo. Nhìn lại chính mình, chị cảm thấy những cống hiến, đóng góp của mình cho đạo chưa thấm vào đâu và chưa thật sự rốt ráo. Thế là chí nguyện xuất gia tu học, trở thành người tu sĩ Phật giáo bắt đầu nhen nhúm trong lòng chị. Chị muốn trở thành người xuất gia để lòng thanh thản hơn, để có được cuộc sống an bình và hạnh phúc thực sự, và đặc biệt là để có thể toàn tâm toàn ý phụng sự cho đạo, cống hiến cho đời, có thể dẫn dắt được nhiều người đến với đạo Phật, tu tập theo lời Phật dạy. Dù còn nhiều ràng buộc, dù gặp nhiều sự ngăn cản và khó khăn nhưng chị vẫn không nhụt chí, không nãn lòng. Và cuối cùng thì chị cũng đã được toại nguyện. Sư cô Thích Nữ Huệ Đức, trụ trì Quan Âm Tu Viện (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) đã nhận chị làm đệ tử và đặt pháp danh cho chị là Đức Tâm.

Sáng ngày 26/7/2013, chị đã được xuống tóc xuất gia, chính thức trở thành người tu sĩ Phật giáo. Buổi lễ xuất gia của chị đã diễn ra trong không khí trang nghiêm, thiêng liêng và đầy ý nghĩa, với sự chứng minh, tham dự của Chư tôn đức Ni trong giáo hội, Sư bà viện chủ Quan Âm Tu Viện và Sư phụ của chị, Sư cô Thích Nữ Huệ Đức. Song thân của chị cùng đông đảo anh chị em, bà con quyến thuộc và bạn bè, thân hữu của chị cũng đã đến tham dự và chung vui cùng chị trong ngày lễ trọng đại, đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời chị. Thế là từ đây chị chính thức dự vào hàng ngũ các vị tu sĩ Phật giáo, từ giã song thân, từ bỏ tất cả những danh lợi, chức vụ, địa vị trong xã hội để dấn thân vào lộ trình tìm cầu Phật quả và hóa độ những người hữu duyên.

Trong cuộc sống thường có nhiều điều bất ngờ xảy ra. Việc doanh nhân Huỳnh Long Ngọc Diệp xuất gia cũng là một điều hết sức bất ngờ đối với người thân và bạn bè. Không ai nghĩ rằng, một nữ doanh nhân tài giỏi và thành đạt như thế lại có thể từ bỏ tất cả để sống đời sống thanh đạm của một người tu sĩ Phật giáo.

Từ sự xuất gia của chị, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học giá trị cho bản thân. Đầu tiên là bài học về tầm quan trọng của nếp sống tâm linh trong cuộc sống. Nhiều người mãi chay theo vật chất, tiền tài, danh vọng mà bỏ quên đời sống tình cảm, tinh thần của mình để rồi cảm thấy hụt hẫng, khổ đau và trống vắng khi đứng ở đỉnh cao danh vọng hoặc đứng trên bờ vực của sự bại vong. Vật chất, tiền tài là điều kiện cần thiết để có được sự an vui, hạnh phúc. Tuy nhiên, điều kiện đủ để sống an vui, hạnh phúc là phải có những dưỡng chất cho tinh thần, phải thực tập những phương pháp để nuôi dưỡng niềm tin yêu, lạc quan và sự bình an nội tâm. Cho nên phải đảm bảo sự cân bằng giữa đời sống vật chất và tinh thần. Thứ hai là bài học về sự xả ly. Càng tham chấp, càng bám víu vào danh vọng, địa vị, tài sản thì càng đau khổ. Nếu biết xả bỏ, biết cho đi đúng lúc, đúng đối tượng thì sẽ thấy nhẹ lòng, thấy hạnh phúc và được nhiều người tin yêu. Ở đây không yêu cầu chúng ta phải xả bỏ tất cả để trở thành người tu sĩ, mà là xả bỏ những gì cần xả và cho đi những lúc đáng để cho. Thứ ba là bài học về niềm tin tôn giáo. Chị Ngọc Diệp đã đến với đạo từ sự hiểu biết rồi tin tưởng, từ sự học tập đến sự thực hành và cảm nhận. Nhờ vậy mà niềm tin của chị lớn dần cùng với sự hiểu biết và bề dày kinh nghiệm tu tập. Chị Ngọc Diệp là một doanh nhân trí thức chứ không phải là người thất học, thế mà chị đã tin sâu vào Phật pháp và mạnh dạn từ bỏ tất cả để xuất gia tu học, chứng tỏ rằng giáo lý của đạo Phật có những điều vô cùng giá trị, còn quý hơn cả tiền tài, danh vọng. Do vậy, con đường vững chãi nhất và cũng là an toàn nhất để đến với tôn giáo là từ trí tuệ, từ sự hiểu biết và thực tập chứ không phải là từ sự cả tin và mù quáng.

Việc làm của chị Ngọc Diệp đã nhắc nhở chúng ta nhìn lại bản thân mình xem mình đã làm gì để giúp ích cho gia đỉnh, cho xã hội và khuyến khích mình cố gắng phấn đấy để làm một người có ích cho xã hội, một người đem an lạc, hạnh phúc đến cho cộng đồng xã hội. Cảm ơn chị và cầu chúc chị luôn gặp nhiều duyên lành trong quá trình tu học để sớm hoàn thành chí nguyện của chị.