PHƯƠNG PHÁP TỌA THIỀN

 

 

Phương pháp: Dùng hơi thở theo dõi hơi thở, không nghĩ gì khác. Phương pháp theo dõi hơi thở ra vào được đức Phật Thích Ca khen ngợi và trực tiếp truyền đạt cho học trò. Trong tập V kinh Tương Ưng, có cả một chương dài, ghi lời Phật nói về pháp môn đặc sắc này (kinh Tương Ưng Bộ, chương 10, từ trang 463-98, bản dịch: Thích Minh Châu). Hơi thở là biểu hiện cụ thể nhất của sự sống, khi thở mà theo dõi hơi thở ra vào với tâm an tịnh, thì tác dụng đối với thân và tâm thật không thể lường. Một điều căn dặn của các thiền sư từng tu tập lâu năm về pháp môn này, là khi tập hãy giữ cho cả thân và tâm thật sự thoải mái, không căng thẳng. Các tạp niệm có thể móng lên, hãy cứ để cho chúng qua đi, vì chúng có khác gì mây bay, bay đến rồi lại bay đi, bầu trời tức là cái chân thật của chúng ta. Không phải vì vài bóng mây thoảng mà mất đi cái lớn lao, cái trong sáng vốn có của nó. Thậm chí, các thiền sư Tây Tạng còn khuyên, khi theo dõi hơi thở ra vào cũng không cần tập trung tư tưởng quá mức, hãy tập trung khoảng 25%, còn thì 75% tâm hãy để cho thư giãn, thoải mái, tâm mình như treo giữa hư không, không vướng vào đâu hết. Đúng theo câu kinh Kim Cang: "Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm", nghĩa là cái tâm không trụ vào đâu hết, không vướng vào đâu hết.

 

 

Cảnh Giới Tứ Thiền Thiên  

Người tham thiền khi nào tới được tình trạng vô ngã vô nhân tức là vào được cảnh giới Sơ thiền, còn gọi là "Ly sanh hỷ lạc địa". Tới giai đoạn này, thiền giả phá sự chấp trước về chúng sanh, chứng được "thiền duyệt vi thực" và cảm thấy một niềm hỷ lạc với pháp một cách sung mãn. Trong cảnh định này, hô hấp chấm dứt, nghĩa là không thở ra, không thở vào, thiền giả vui sướng một cách đặc biệt. Loại khoái lạc này rất kỳ diệu không thể tả ra được, tóm lại người thường không có được khoái lạc đó.

Trong cảnh Nhị thiền, còn gọi là "Ðịnh sinh hỷ lạc địa" thiền giả cảm thấy một niềm hỷ lạc tột cùng. Thiền giả ngồi tại chỗ, chẳng ăn, chẳng uống, mạch không còn đập nữa, giống như người đã chết, nhưng ý niệm vẫn còn, biết là mình đương tĩnh tọa.

Trong cảnh định của Tam thiền, hay còn gọi là "Ly hỷ diệu lạc địa", thiền giả lìa bỏ thiền duyệt vi thực, lìa cả sự khoái lạc sung mãn về pháp hỷ, chứng được một sự khoái lạc vi diệu, không có gì tả được, hoàn toàn chẳng thể nghĩ bàn. Trong cảnh giới này, các niệm đều dừng lại, một niệm cũng chẳng dấy lên. Có câu nói:

Một niệm chẳng sanh toàn thể hiện

Sáu căn chợt động, bị mây che.

Tứ thiền còn gọi là "Xả niệm thanh tịnh địa" là một cảnh giới trong đó không những các niệm dừng lại mà chúng còn bị buông xả hết. Lúc ấy thiền giả đạt tới một trạng thái thanh tịnh phi thường, và sự khoái lạc cũng phi thường vi diệu. Tuy nhiên, cảnh giới của Tứ thiền vẫn là cảnh giới phàm phu, chưa phải là chứng quả, thiền giả chớ quá tự hào. Giai đoạn chứng quả thì hãy còn xa lắm, thiền giả phãi cố gắng tham, tiếp tục tham, dấn bước thêm nữa mới tới được cảnh giới của"Năm Cõi Trời Bất Hoàn hay Ngũ Bất Hoàn Thiên", ở đây mới là nhập vào dòng Thánh.

 

____________________________________________________

 

Phương Pháp Tọa Thiền

H.T THÍCH THANH TỪ

 

 

Ngồi lưng thẳng vừa phải, đừng quá ưỡn cũng đừng để cong hoặc ẹo, đầu hơi cúi (lưng còng và đầu cúi dễ sanh hôn trầm) chiều chóp mũi ngay đầu ngón tay cái, hai trái tai đối xứng với bả vai, mắt mở 1/3, tầm nhìn không quá 6 tấc từ giao điểm giữa hai chân, gương mặt bình thản ngồi yên.

 

Dùng mũi hít vô cũng đừng mạnh, cũng đừng gấp, phải đều đều nhẹ nhẹ, tưởng như "Không khí trong sạch vô khắp châu thân làm cho những chỗ không thông theo hơi thở lưu thông", rồi há miệng thở ra sạch tưởng như "Phiền não, bệnh hoạn, cấu uế đều theo hơi thở ra ngoài." Thở như thế đến 3 lần cũng từ thô đến tế (từ mạnh rồi nhẹ dần). Thở xong ngậm miệng lại, môi và răng vừa khít lại, lưỡi để lên trên. Từ đây về sau chỉ hít thở bằng mũi đều đều nhẹ nhẹ.

 

B. Trụ

 

Có ba phương pháp dành cho người sơ cơ:

 

1. Sổ tức quán

 

Sổ là đếm, tức là hơi thở, sổ tức quán là quán sát hơi thở ra vô, đếm từ một đến mười.

 

Có hai cách Quán Sổ Tức: Nhặt và Khoan.

 

* Nhặt: Hít hơi vô đếm một, thở hơi ra đếm hai... Lần lượt đến mười, rồi trở lại bắt đầu từ một.

 

* Khoan: Hít hơi vô thở ra đếm một, hít vô thở ra đếm hai, lần lượt đến mười, rồi bắt đầu trở lại từ một. Cứ đếm như thế suốt thời gian tọa thiền.

 

Nếu trong lúc đếm từ một đến mười nữa chừng quên hoặc bị lộn số, ta bắt đầu trở lại từ một...

 

Sau một thời gian tu tập, hành giả đếm thuần thục không còn bị lộn số nữa thì ta bước qua giai đoạn tùy tức.

 

2. Tùy tức

 

"Tùy" là theo, "tức" là hơi thở. "Tùy tức" là theo dõi hơi thở. Hít hơi vô tới đâu là ta biết tới đó. Hơi thở ra đến đâu, ta cũng đều biết rõ.

 

Trong khi theo dõi hơi thở, nên dùng trí quán mạng sống trong hơi thở, thở ra mà không hít vào thì mạng sống không còn tồn tại. Hơi thở đã vô thường thì mạng sống của ta cũng mỏng manh giả tạm.

 

Khi theo hơi thở thuần thục rồi, hành giả bước sang giai đoạn tri vọng.

 

3. Tri vọng

 

Ðầu tiên, chúng ta theo dõi hơi thở ra vào an ổn đôi ba phút, buông hơi thở để tâm an tịnh, vừa có vọng khởi liền biết vọng không theo, vọng lặng thì tâm thanh tịnh. Vọng dấy liền biết có vọng, cứ thế cho đến vọng thưa dần và im bặt. Nếu mơ màng ngủ gục thì mở mắt sáng ra chấn chỉnh thân trang nghiêm lại.

 

Trong lúc tọa thiền nghe ngực nặng, tim hơi nhói là do ngồi thẳng quá nên rùn xuống một chút. Nghe nhức xương sống gần lưng quần, biết ngồi cong rồi, phải thẳng lên. Nếu nhức một bên vai, coi chừng hai vai không ngang nhau, một bên bị lệch xuống. Nếu nhức cả hai vai là do gồng hai tay, phải nới lỏng ra, toàn thân ở trong tư thế thư giản...