Sự tịch tĩnh là trú xứ của Bồ tát

 

"Đối với tất cả pháp, không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đấy là nhập pháp môn bất nhị”.

 

Bồ tát trí tuệ Văn Thù Sư Lợi hỏi Đại chúng “Thế nào là Bồ tát nhập pháp môn bất nhị?”, 32 vị Bồ tát mỗi người trả lời mỗi cách. Mỗi vị mô tả cảnh giới bất nhị bằng cách đưa ra một loạt những cặp từ đối đãi như sanh - diệt, tịnh - nhiễm, ngã - ngã sở, sanh tử - niết bàn. Kế đó, các Bồ tát hỏi lại Bồ tát Văn Thù. Ngài đáp “Theo thiển ý của tôi, đối với tất cả pháp, không nói, không rằng, không chỉ, không biết, xa lìa các vấn đáp, đấy là nhập pháp môn bất nhị”.
Sau đó ngài Văn Thù yêu cầu ngài Duy Ma Cật hãy nói quan điểm của mình. Duy Ma Cật im lặng không nói. Chính sự im lặng của ngài mà Bồ tát Văn Thù tán thán không ngớt “Hay thay! Hay thay! Cho đến không có văn tự ngữ ngôn, ấy mới thật là nhập pháp môn bất nhị”.
Chính vì thế mà tất cả các Thiền sư miễn cưỡng khi diễn tả sự giác ngộ - pháp môn bất nhị - bằng ngôn từ văn tự. Thực tại thì không thể nghĩ bàn, vốn siêu việt mọi đối tượng, chỉ được thực chứng trong sự giác ngộ. Trong một chương sau, bô kinh nói đến cõi Phật thanh tịnh. Ở đó các Bồ tát thành tựu viên mãn công hạnh Phật bằng con đường độc hành độc bộ, không nói, không chỉ, không biết, không làm, không tạo tác. “Sự tịch tĩnh là trú xứ của Bồ tát”.