PHÁP MÔN NIỆM PHẬT 


Trong cuộc sống hằng ngày, muốn làm việc gì chúng ta đều phải suy nghĩ làm thế nào để ít tốn công sức, của cải cũng như thời gian mà công việc đạt kết quả tốt, làm một bài toán, nếu đáp số bài toán có nhiều cách giải, chúng ta cũng chọn cách giải đơn giản nhất để mau có đáp số. Trong các pháp môn Đức Phật dạy các đệ tử hành trì đưa đến giải thoát sanh tử luân hồi, lìa khổ được vui rất nhiều, kinh sách thường dùng con số tám muôn bốn ngàn pháp môn với số lượng pháp môn nhiều như thế là do căn cơ trình độ của chúng sanh, chúng ta có thể tự chọn pháp môn nào thích hợp với mình thì hạ thủ công phu.Nói là nói chúng ta tự chọn, nhưng thời Đức Phật còn tại thể, Phật cũng tự chọn cho đệ tử pháp môn tu, như ông Bàn Đắc chẳng hạn, hai chữ “chổi quét” học mãi không thuộc, Phật phải bảo ông để miếng vải trắng trước mặt mà quán tưởng cuối cùng ông cũng được đắc quả A- la – hán; Bà Vi - đề hi vói mười sáu phép quán cầu vãng sanh về Tây Phương ; Vua Tịnh Phạn và bảy vạn người dòng họ thích nghe Đức Phật thuyết giảng khuyên cầu sinh tịnh độ đều tin hiểu vui mừng v.v….
Với lòng từ bi thương tất cả chúng sanh như con, không phải Ngài chỉ thương chúng sanh trong thời chánh pháp, thời Ngày còn tại thế, mà Ngài còn thương lo cho chúng sanh thời chánh pháp diệt tận Đức Phật đã chọn sẵn những kẻ hậu sinh chúng ta pháp môn tu mà Ngài cho là vi diệu thù thắng đệ nhất, đó là pháp môn niệm Phật : Nam mô A di đà Phật. Đó là Hồng danh của Đức Phật A Di đà, Giáo chủ của cõi Tây phương cực lạc để cầu sanh về thế giới của Ngài.
Đức Phật Thích Ca mâu ni đã nói đến pháp môn niệm Phật ở những kinh nào ?
Chúng ta sẽ nêu lên một số kinh mà Đức Phật nói về pháp môn niệm Phật và một số đọan yếu nghĩa:
1. Kinh Tiểu Bổn A Di Đà
Đây là kinh phổ thông thường được đệ tử Phật trì tụng nhiều nhất. Bấy giờ Đức Phật ở Tịnh xá Kỳ biên, nước xá vệ, gọi ông Xá lợi phất, một đệ tử thượng thủ về trí huệ mà nói về Đức Phật A Di đà và tả cảnh trang nghiêm của thể giới cực lạc, khuyên mọi người nên tin nguyện niệm Phật cầu vãng sanh sáu phương Phật đều dùng lưỡi rộng dài, đồng khuyên chúng sanh phải tin nhận và thọ trì kinh này.
2. Kinh Quán Vô lương thọ.
Đức Phật ở tại thành Vương Xá, núi Kỳ xà Quật, vì Bà Thái hậu Vi Đề Hi, mẹ của Vua A Xà Thế mà giảng nói về cõi cực lạc của Đức Phật A di đà, nói rõ mười sái phép quán và thân tướng của Tam Thánh tây phương: Đức A Di đà , Quan âm và Thế chí.
3. Kinh vô lượng thọ
Cũng gọi là kinh phật thuyết Đại thừa vô lượng thọ trang nghiêm thanh tịnh, bình đẳng giác kinh: Lúc bấy giờ Đức Phật ở tại thành Vương Xá, núi Linh Thứu vì Bồ tát Di lặc và A Nan nói về nhân hạnh, bổn nguyện và quả Phật của Đức A di đà từ pháp tạng tỳ kheo phát bổn mưới tám lời đại nguyện, vô số kiếp tu nhân … cho đến thành Phật ở thế giới cực lạc.
Các bậc cổ đức xếp ba bộ kinh nầy là ba bộ kinh căn bản của pháp môn Tịnh độ.
Ngoài ra , còn một số kinh khác Đức Phật cũng khuyên chúng sanh nên niệm Phật A di đà, phát nguyện cầu sanh về thế giới cực lạc.
* Kinh Hoa nghiêm phẩm hạnh nguyện.
Đức Phổ Hiền Bồ Tát khuyên Thiện tài tu mười hạnh nguyện rộng lớn sẽ được vãng sanh thế giới cực lạc được thấy Đức Phật A di đà các vị Bồ tát Văn Thù, Phổ Hiền, Quan Âm , Thế chí , được thấy mình từ hoa sen báu sanh ra Đức Phật A di đà thọ ký.
* Kinh bảo tích
Đức Phật nói với vua Tịnh Phạn “Tất cả chúng sanh đều là Phật, phụ vương nên niệm Tây phương thế giới A di đà Phật, thường siêng tinh tấn sẽ được thành Phật”, Vua hỏi “Thế nào tất cả chúng sanh là Phật?” Đức Bổn sư giảng “ Tất cả , quyết vô sanh, không lay động, không thủ xả, không tướng mạo, không tự tánh, nên án trụ tâm mình trong Phật Pháp này chớ tin nơi khác” Bây giờ, vua Tịnh Phạn cùng bảy vạn người họ Thích nghe Phật giảng tin hiểu vui mừng ngộ vô sanh nhẫn . Đức Phật mĩm cười mà nói kệ rằng:
Họ thích có chí quyết định
Thế nên ở nơi Phật pháp 
Quyết định tin, tâm an trụ
Sau khi bỏ thân người đây
Được sinh về nước An lạc
Gần gủi Phật A di đà
Chứng vô úy thành bồ đề
* Kinh Xưng Dương chư Phật công đức
Nếu ai được nghe danh của Vô lượng thọ Như lai nhất tâm tin ưa . Lúc người nầy mạng chung, Đức A di đà Phật và chư thánh chúng hiện ra trước mặt, ma chướng không làm hại được tâm chánh giác của người nầy… nếu ai thọ trì tụng niệm kinh nầy sẽ được phước vô lượng, khỏi hẵn tam đồ, sau khi mạng chung, vãng sanh cõi nước của Đức Phật ấy.
* Kinh niệm Phật Ba la mật
Đức Phật an cư tại núi Kỳ Xà Quật, thành Vương Xá với chúng Đại Tỳ kheo một muôn hai ngàn người như Trưởng lão Xá lợi Phất, Ma Ha kiền liên, Ma Ha Ca Diếp, Ma Ha Ca Chiên Diên, Tu Bồ Đề, La Hầu La, Phú Lâu Na, A Nan , A Nan Đà , Ma Ha Ba Xà Ba Dề, Da Du Đà La .v.v… Đức Phật giảng nói niệm Phật là vua của tất cả pháp, là pháp vi diệu thù thắng đệ nhất, là môn tu Đại Bát Nhã đại thiền định, là môn tu đại bồ đề siêu việt, nếu có thiên nam tử, thiện nữ nhơn nào đủ lòng tin, thì chỉ cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam mô A di đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y báo và chánh báo của Phật A di đà ở cõi cực lạc, lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau, lập tức vào Phổ Đẳng Tam muội của Đức A di đà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh độ Tây phương, vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử . Đó gọi là quả vị bất thối chuyển. Từ lúc ấy nhẫn nại về sau, vượt qua thập địa chứng vô thượng giác.
Có người bảo:
Tu về Tịnh Độ sướng hơn Tiên
chẳng nhọc công phu, chẳng tốn tiền 
Đúng là tu về Tịnh Độ sướng hơn Tiên , vì sanh về cõi Tịnh Độ của Đức Phật A di đà có sướng hơn chư thiên ở cõi trời vì nhơn dân ở cõi cực lạc thọ, mạng vô lượng, ánh sáng vô biên, được ba mươi hai tướng tốt tám mươi vẽ đẹp, việc thọ dụng được mọi điều xứng ý. Chẳng nhọc công phu chẳng tốn tiền, có thật là chẳng tốn tiền, nhưng chẳng phải không nhọc công phu. Theo lời Phật dạy trước hết phải có lòng tin, cần chuyên nhất xưng niệm danh hiệu Nam mô A di đà Phật, suốt cả sáu thời trong ngày giữ trọn đời không thay đổi, lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau (kinh niệm Phật Ba la mật) cũng không phải có chút ít công đức mà được sanh về (Kinh A di đà) . Nhưng có thể nói đây là pháp môn tu dễ nhất trong các pháp môn, là con đường tu tắt dễ vượt qua ba cõi. Người tu pháp môn niệm Phật phải hội đủ ba điều kiện: Tín, Hạnh, Nguyện. Người xưa ví Tín Hạnh, Nguyện như cái đỉnh ba chân, nếu thiếu một chân thì đỉnh không đứng vững được.
1. Tín : gồm có tín tự, tín tha, tín nhân, tín quả, tín sự, tín lý.
- Tín tự : phải tự tin mình có tâm Phật và có khả năng thành Phật. Tin tất cả các pháp do tâm tạo, ta nhất tâm niệm danh hiệu Phật A Di đà sẽ được Phật A di đà tiếp dẫn.
- Tín tha: Tin lời Phật Thích Ca không hư dối, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm những việc khó làm, nói ra những điều khó tin với chúng sanh ở cõi Ta bà đầy đa nghi nầy. Chính Đức Phật Thích Ca củng nhận thấy rằng Ngài đã làm một việc rất khó là giới thiệu cảnh cực lạc thế giới xa lạ cho người phần đông mắc chứng đa nghi, nhưng vì nặng tâm tư thương chúng sanh phải trồi lặn trong bể sinh tử nên dù biết là việc rất khó (nạn tín chi pháp, thị vi thậm ran) nhưng Ngài vẫn cứ phải làm.
Là đệ tử của Phật, đã quy y Tam bảo rồi chúng ta phải biết lòng tin Phật, nghe theo lời ạy của Ngài, bởi vì lời nói của Ngài là lời chơn thật và sự hiểu biết của Ngài là sự hiểu biết chơn chánh.
“Trăng sao có thể rơi, núi cao có thể lở, biển sâu có thể cạn, nhưng lời Phật nói trăm ngàn ức kiếp cũng không sai “ (Kinh Dược sư)
“Có thể bảo : buộc được luồng gió mạnh, thổi lung lay được quả núi Tu Di, nhưng không thể bảo Phật nói trước sau khác nhau, bởi vì Phật bao giờ cũng nói toàn sự thật, chân chính và trong sạch (Kinh Đại Tập)
Đức Phật Di đà phát bốn mươi tám lời nguyện lớn, trang nghiêm thế giới cực lạc, người niệm Phật khởi lòng tin, chuyên tâm niệm danh hiệu A di đà phật, muốn sanh về thế giới của Ngài nhứt định sẽ sanh về.
Do vậy chúng ta phải tin Đức Phật Thích Ca không nói dối và Đức Phật Di đà không nguyện suông.
* Tín nhân: 
Nhân quả là qui luật tự nhiên: có nhân thời có quả, đã có quả thời phải có nhân. Nhân nào quả nấy, gieo hạt chanh không thể ra cây cam được, chúng ta niệm Phật, tin chắc rằng niệm Phật là nhân vãng sanh giải thoát.
* Tín quả :
Đã tin chắc rằng niệm Phật là nhân vãng sanh giải thoát thì cũng tin chắc rằng vãng sanh thành Phật chính là kết quả 
* Tín sự:
Tin cảnh giới Tây phương tất cả sự tướng đều có thật.
Trong kinh Bảo tíchg, khi nói về cảnh giới cực lạc, Đức Phật Thích ca dùng thần lực làm cho chúng sanh cõi Ta bà thấy được cảnh giới cực lạc . Đức Phật hỏi:
- Chư đại chúng có thấy cảnh giới cực lạc không?
Đại chúng đồng thưa là thấy cảnh giới cực lạc. Đức Phật lại hỏi đại chúng
- Có thấy các hàng cây báu, chim nói Pháp, ao bát công đức và chư thượng thiện nhơn không?
Đại chúng đồng thưa :
- Đã thấy.
Sau đó Đức Phật đã sai Ngài A Nan ra đảnh lễ Phật A di đà và Đức Phật A di đà phóng quang để nhiếp thọ đại chúng ở cõi ta bà.
Lại nữa, về giáo lý duyên khởi, Phật dạy: Cái nầy có cái kia có, cái nầy không cái kia không” cho nên có uế độ thời có tịnh độ , có Ta bà thời có Tây phương 
* Tín lý:
Tín lý duy tâm bao trùm Tịnh độ . Mười Pháp giớ đều do tâm biến hiện. Tâm ô nhiễm thì cảnh giới ô nhiễm , tâm thanh tịnh thì cảnh giới thanh tịnh kinh Duy Ma nói :”Muốn được Tịnh độ trước phải tịnh tâm, tùy tâm thanh tinh, cõi Phật thanh tịnh” Pháp môn niệm Phật là pháp môn vi diệu đi đến chỗ tịnh tâm, không còn phương tiện nào thù thắng hơn nữa.
2. Hạnh
Khi đã đặt niềm tin tưởng vững chắc rồi, bây giờ chúng ta lập hạnh dù cho vui, buồn, sướng, khổ, dù cho cái chết có gần kề chúng ta cũng không rời câu niệm Phật. Dùng câu niệm Phật để chế phục thân và tâm. Vượt tất cả chướng ngại về bệnh tật , mõi mệt… của thân, những thất tình lục dục phiền não của tâm.
Đối với người tu theo pháp môn niệm Phật cần phải đem hết lòng mình gắn bó với câu Nam mô A di đà phật, mỗi giờ, mỗi phút quí hơn vàng, chúng ta phải chí tâm tinh tấn xưng niệm Hồng danh Đức Phật A di đà cho dược nhứt tâm. Niệm Phật để được tịnh tâm, vì Phật là thanh tịnh, niệm Hồng Danh Phật giúp tâm ta được thanh tịnh, tâm ta hòa vào tâm Phật vì tâm chúng sanh và tâm Phật đồng một thể tánh thanh tịnh.
Niệm Phật để thanh lọc tâm, vì tâm ta vốn vô minh, đầy những ô nhiễm, những uế trước của cõi đời giận hờn, thương ghét, đố kỵ, tham lam. niệm Hồng danh Phật Tâm ta được giống như tâm Phật : từ bi, hỉ xả, thương yêu…Niệm Phật Di đà đem ánh sáng vào thân tâm ta để trí huệ được tăng trưởng để phá trừ si mê vọng tưởng điên đảo. Vì Hồng Danh của Phật A di đà chính là ánh sáng vi diệu được diễn tả qua mười hai câu nguyện: vô lượng, vô biên, vô ngại, vô dối, diệm vương, thanh tịnh, hoan hỉ, trí huệ, nan tư, bất đoạn , vô xưng, cho đến siêu nhật nguyệt quang. Sự sáng suốt vi diệu tuyệt vời có được bởi tâm ta được thanh lọc qua sự thường xuyên kiên trì niệm Hồng Danh a di đà Phật, ánh sáng từ tha lực . Đức Phật A di đà chiếu vào thân tâm khiến chúng ta sớm được vào biển trí huệ của Phật.
Thực hành pháp môn niệm Phật, chúng ta tự xem mình chỉ còn có một con đường duy nhật để tiến tới, tiến tới mãi, vượt hết những chướng ngại của thân tân, xem sự sanh tử là việc lớn quyết sen báu vãng sanh. Vì sự sanh tử là việc lớn mà bỏ qua các việc nhỏ : tham muốn, đố kỵ, ghen ghét giận hờn thì mới thành tựu được đạo quả. Miệng niệm rõ ràng từng tiếng, tai lắng nghe tiếng mình niệm, khiến các căn đều thanh tịnh.
Niệm Phật không thấy nhàm chán, không thối chuyển, như Ngài Thiên Đạo Đại sư nói Ngài niệm câu Nam mô A di đà Phật với sức một ngàn con trâu kéo lại cũng không nổi.
Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy pháp môn niệm Phật là pháp môn đặc biệt dùng tự lực và cả tha lực. Niệm Phật dứt trừ vọng tưởng, lại có thêm nguyện lực của Phật A di đà trợ giúp, khiến cho tâm ta mau tiến đến chỗ rạng người tỏa sáng thẳng vào biển trí huệ mênh mông, tâm không còn sự ô nhiễm của trần. Hòa Thượng Thiện Đạo tương truyền là hóa thân của Phật A Di đà dạy :” Niệm Phật như tiếng khóc của trẻ thơ khóc lên thì cha mẹ phải quan tâm, còn chúng sanh niệm Phật A di đà phải quan tâm”
3. Nguyện
Là ước nguyện, từ ước nguyện phải biến thành sự thật, ước nguyện về thế giới cực lạc. Đây không phải là ước nguyện ngoài tầm tay với của chúng ta, bởi vì con đường chúng ta đang đi chính là con đường chư Phật đã đi qua, chư Bồ tát và các vị Tổ sư đã tiếp bước thực hành được thành tựu, cho nên chỉ cần chúng ta chịu đi, nhất định sẽ đến.
Tất cả pháp môn đều là phương tiện đưa đến cứu cánh, chúng ta đừng để bị lầm lẫn giữa phương tiện và cứu cánh, rồi cứ mãi luận bàn mà không quyết tâm hạ thủ công phu, để rồi khi cái chết gần kề phải nuối tiếc vì có ngọc báu trong tay mà không biết dùng.
Kiếp người quá mong manh, vô thương biến đổi không hẹn:
Bên đường xe tang buồn đi qua
Chiều hôm mồ hoang sương trăng trà
Vô thường đời trần thương ôi mau
Người đi rồi lần sang phiên ta.
Cái già, cái chết luôn là bạn thân thiết không bao giờ rời bỏ một ai. Cuộc đời quá nhiều đau khổ: sanh, lão, bịnh tử, cầu muốn mà không được, thương yêu phải chia lìa, không ưa nhau mà phải sống gần nhau, đó là những gì mà thân tâm chúng sanh ở cõi Ta Bà này không phải chỉ trong một kiếp hiện tại mà đây chính là sự đau khổ triền miên trong vòng luân hồi sanh tử (nước mắt chúng sanh từ vô thỉ đến nay hơn bốn biển)
Đức Phật Thích Ca giới thiệu một thế giới hoàn hảo: Thế giới cực lạc của Đức Phật A di đà. Đức Phật A di đà đang mở rộng cửa thế giới của Ngài để đón chờ chúng ta đến.
Hai đấng Từ phụ này cũng như hai người bạn thân làm việc rất là hợp ý với nhau: một người đưa, một người đón. Từ Phu Thích Ca giúp chúng ta vượt khó nơi thế giới ta bà đầy chứng duyên đau khổ, Từ Phụ di đà đưa tay tiếp dẫn về thế giới an lành.
Ngày xưa ,vua Ba Tư Nặc rất thương Phật Thích Ca, đang dạo vườn ngự uyển, nhớ đến Phật ông buông bỏ hết, bảo người hầu đánh xe đến thăm Phật. Ngày nay, chúng ta thương nhớ Phật cũng nên tập buông bỏ hết chuyện thế gian để đến với Phật. Như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời, chúng ta cũng vậy: Đức A di đà chính là ánh sáng siêu nhật nguyệt, hoa tâm chúng ta luôn luôn hướng về ánh sáng siêu nhựt nguyệt nầy. Chúng ta xem Đức A Di đà là đấng cha lành thế giới cực lạc chính là quê xưa nên quyết định phải trở về . Sự thương nhớ và quyết định trở về này chính là động lực thúc đẩy chúng ta thêm sự háo sức, mong muốn.. nhanh hco1ng rút ngắn thời gian đến với Phật . Có thể nói cho vui là vì thuơng nhớ Phật và thương nhớ quê nhà mà chúng ta có thể thành bịnh tương tư chăng? Có thể lắm chứ ! Vì Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư đã nói rằng:”Tương tư mơ về trời Liên Hoa “ (Thế giới Cực lạc cũng gọi là thế giới Liên Hoa)
Khi chúng ta là hành giả tu theo pháp môn niệm Phật, chúng ta đã hứa với Phật rồi xin đừng hẹn. Thuyền từ của Đức Từ Phụ đang đợi chúng ta hãy kịp bước lên. Vậy thì còn chần chờ gì nữa ! Hởi :
Khách trần rong ruỗi bước
Áo lấm bụi đường xa
Ôm mộng đời lãng tử
Có còn nhớ quê nhà ?

Xuân Thu rồi Đông Haï
Lặng lẽ tháng ngày qua
Tuyết sương pha màu tóc
Tuổi trẻ đâu ! – Đã già

Cố hương ai mong đợi ?
Viễn khách ơi ! Trở về !
Bụi trần thôi rũ sạch
Sen hồ ngát hương quê.

Ngày 27 tháng 01 năm 2010
Giảng Sư Ban Hoằng Pháp
Thích nữ Kim Sơn


Read more: http://phatgiaovnn.com/upload1/bz/showthread.php?t=3847#ixzz2G8jjWsm9