Vãng sinh của ông Vương Nhật Hưu

 

 

 

VƯƠNG NHỰT HƯU


Cư sĩ Vương Nhựt Hưu, tự Hư Trung, người ở Lư Châu. Triều vua Cao Tôn đời Tống, ông thi đỗ quốc học tiến sĩ, nhưng khước từ quan chức, về ở ẩn nơi quê nhà mà dạy học trò. Kế đó lại xếp bỏ việc giáo huấn, ăn chay trường, mặc áo vải, chuyên tu tịnh nghiệp. Mỗi ngày cư sĩ khóa lễ Phật một ngàn lạy rồi niệm hồng danh. Ông có trứ tác tập Long Thơ Tịnh Độ Văn, được lưu hành rộng nơi đời. Trong ấy lời lẽ giản dị, bao gồm nhiều thí dụ, khuyến hóa từ bậc vương công, quan liêu, sĩ tử, cho đến hàng thứ dân, đồ tể, nô tỳ, xướng kỹ, đều quy y niệm Phật. Cách lập luận của cư sĩ rất rõ ràng, tâm ý rất thành khẩn, khiến cho nhiều người cảm hóa tuân hành.

Năm Quý Tụ trong niên hiệu Càn Đạo, ông Lý Ngạn Bậc ở Lư Lăng đau bịnh nguy ngập, mộng thấy một vị tự xưng là Long Thơ cư sĩ, bảo rằng: "Khi thức dậy ngươi nên dùng cháo trắng, sẽ được an lành. Ngươi còn nhớ một thiện hữu là Khuyết Trọng Nhã đã khuyên về lối tu thẳng tắt chăng?". Ngạn Bậc thưa: "Vãn bối đã tuân hành theo, mỗi ngày đều có niệm Phật!". Sau khi thức giấc, ông bảo nấu cháo trắng ăn, quả nhiên bịnh thuyên giảm. Ngạn Bậc liền dạy dắt con đến tìm Vương Nhựt Hưu để thọ huấn. Không bao lâu, các con trở về thưa: "Long Thơ cư sĩ đã vãng sanh về Phật quốc. Ba hôm trước khi mãn phần, cư sĩ đi từ biệt khắp các thân hữu, khuyên họ tinh tấn tu hành, bảo mình sắp đi xa, không còn gặp nhau nữa. Tới ngày ông cho họp các môn sanh cũ lại giáo huấn, rồi khóa tụng như lệ thường. Đến canh ba, cư sĩ bỗng to tiếng niệm Phật vài câu, bảo: "Đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn tôi!". Rồi đứng ngay thẳng mà hóa...". Lý Ngạn Bậc thấy bức chơn dung của Vương Nhựt Hưu do các con mượn đem về, giống tạc người mình đã gặp trong giấc mộng, sanh lòng cảm kích, liền rước thợ khắc hình tượng Long Thơ cư sĩ, lại đem việc ấy truyền bá xa gần. Từ đó hàng thiện tín ở vùng Lư Lăng đều phát tâm niệm Phật.

Trong năm Hàm Hựu, có ông Lữ Nguyên Ích khắc lại bản Long Thơ Tịnh Độ Văn. Khi khắc đến thiên Chúc Nguyện, nơi bản bỗng nỗi lên ba viên xá lợi. Chú của ông là Lý Sư Thuyết có ghi chép việc ấy ở đầu thiên này.