Đạo Chân Nhân


<<< Kinh CHÂN NHÂN >>>


 (Phật - Bồ Tát - Thánh - Chân Nhân - Thần Tiên - Qủy Thần - Nhân - Vô lượng Hữu Vi, Vô Vi...)

 

 

Vạn vật có phân ly, ắt có thành tựu. Có thành tựu, ắt có hủy diệt. Vạn vật [thực chất] không có thành tựu và không có hủy diệt, bởi vì tất cả đều trở về với Một (tức là Đạo).

 

Bậc chân nhân ngày xưa không bị kẻ trí thuyết phục, không bị người đẹp làm cho dâm loạn, không bị kẻ xấu trộm cướp, không kết giao với Phục Hi và Hoàng Đế.

 

Bậc chân nhân ngày xưa không chê ít, không cậy thành công, không mưu tính. Được như vậy, dù có lỗi lầm cũng không hối hận, dù làm điều chính đáng cũng không tự đắc. Được như vậy, dù leo cao cũng không run sợ, dù vào nước cũng không ướt, dù vào lửa cũng không nóng. Chỉ có người đạt đạo mới như thế.

 

Bậc chân nhân ngày xưa lúc ngủ không mộng mị, lúc thức không ưu tư, lúc ăn không cầu món ngon, lúc thở thì thở sâu.

 

Bậc chân nhân thuở xưa không ham sống ghét chết; sinh ra không cảm thấy vui, lúc chết thì không kháng cự nó; ung dung tự tại lúc chết cũng như lúc sinh; không quên gốc gác của mình, không mong cầu cái chết; được cái gì thì vui [nhưng] mất nó [thì chẳng buồn] vì biết nó trở về với thiên đạo. Thế gọi là không lấy tư tâm để làm hại đạo, không lấy [sự tạo tác] của người để giúp trời. Đó gọi là chân nhân.

 

Sự sống của thánh nhân cũng theo sự vận hành của thiên đạo, cái chết của ngài cũng như sự biến hoá của vạn vật. Khi ngài tĩnh lặng thì cùng tĩnh với âm; khi động thì cùng động với dương. Ngài không xem việc tạo phúc hay gây họa là vấn đề trước tiên. Khi bị tác động mới phản ứng, khi bị bức bách mới ra tay, bất đắc dĩ mới khởi sự. Bỏ trí tuệ và tập quán mà thuận theo thiên lý (lẽ trời). Vì thế, ngài không bị trời giáng tai họa, không bị vật chất làm hệ lụy, không bị tiếng đời thị phi, không bị quỷ thần trách phạt. Cuộc sống của ngài phiêu bồng khinh khoát, cái chết của ngài như sự nghỉ ngơi.

 

Người xưa tu đạo thì lấy sự điềm đạm để nuôi dưỡng trí tuệ. Trí tuệ sinh ra nhưng không lấy nó để thi hành hay tạo tác gì cả. Đó gọi là lấy trí tuệ để nuôi dưỡng điềm đạm.

 

sống không cần tước vị; chết không màng tên thụy; không gom góp tích trữ của nả; không cầu danh tiếng. Đó gọi là bậc đại nhân.

 

Bậc đắc đạo ngày xưa khi khốn cùng vẫn vui, khi hanh thông vẫn vui. Niềm vui ấy chẳng phải tuỳ thuộc vào khốn cùng hay hanh thông. Đạo và đức đạt tới mức ấy thì cùng khốn hanh thông cũng như lạnh nóng hay mưa gió nối tiếp nhau thôi.

 

Người đời không thể yên tâm nghỉ ngơi; có bốn nguyên do: một là muốn sống lâu, hai là muốn danh tiếng, ba là muốn có địa vị, bốn là muốn có nhiều tài sản của nả.

 

Sự vật và đạo lý giữa cõi trời đất thực là không có giới hạn nhất định. Lấy bụng dạ mà suy tìm, ở giữa hai cõi u hiển gồm có ba bộ phận mà thứ loại có liên quan với nhau: lớp trên là tiên, lớp giữa là người, lớp dưới là quỷ. Người làm việc thiện thì thành tiên, tiên phạm lỗi thì bị đọa xuống trần gian làm người, người làm ác thì thành quỷ, quỷ tạo phúc cho thế gian thì thành người. Quỷ bắt chước theo người, người bắt chước theo tiên. Tuần hoàn qua lại như vậy. Chủng loại tiếp xúc thì thông với nhau, cái ranh giới giữa hai cõi u hiển thật rất nhỏ nhặt vậy.

 

Bậc đắc đạo ngày xưa thì tinh vi, huyền diệu, thông đạt; thâm thúy khôn lường. Vì khó lường nên gượng tả hình dung. Các ngài thận trọng như mùa đông đi qua sông; các ngài e dè sợ láng giềng bốn bên; kính cẩn như khách; lạnh lùng như băng tan; mộc mạc chất phác như chưa đẽo gọt; man mác như hang núi; hỗn mang như nước đục. Ai có thể đục mà nhờ tĩnh lại dần dần trong. Ai có thể yên mà nhờ động lại dần dần linh hoạt. Kẻ giữ đạo không muốn đầy. Chỉ vì không muốn đầy, nên mới che giấu và chẳng đổi mới.

 

Đạo là khởi nguyên của vạn vật. Vật nào mất đạo thì chết, được đạo thì sống, nghịch đạo thì thất bại, thuận đạo thì thành công. Cho nên, thánh nhân rất quý trọng sự hiện hữu của Đạo.

 

Đạo vốn không hợp với hành vi nhỏ mọn; đức vốn không hợp với thành kiến hẹp hòi. Thành kiến hẹp hòi làm hại đức; hành vi nhỏ mọn làm hại đạo. Cho nên nói: Phải sửa mình, thế thôi. Bảo toàn được chân tính để vui sướng gọi là đạt được chí nguyện.

 

Đạo thường vô vi nhưng không gì không làm. Thánh nhân ôm ấp đạo trong lòng. Nguyên do ở đâu? Vì không tranh với ai nên không ai tranh với mình. Không có gì khác. Tích chứa điều thiện để thành đức, thì mình sẽ trở thành thần minh. Cho nên, dù có ai xung đột gây gỗ với mình thì mình cũng không trách họ.

 

Đạo rốt cuộc là không thể đắc. Cái có thể đắc thì gọi là đức chứ không gọi là đạo. Đạo rốt cuộc là không thể vận dụng. Cái có thể vận dụng được thì gọi là hành chứ không gọi là đạo. Thánh nhân có thể vận dụng cái khả đắc (tức là đức) và cái khả hành (tức là hành) nên giỏi về sự sống. Thánh nhân có thể vận dụng cái bất khả đắc bất khả hành (tức là đạo) nên giỏi về sự chết.

 

Bậc thượng đức không tỏ ra là có đức, nên có đức. Người hạ đức câu nệ vào đức, nên vô đức. Bậc thượng đức thì vô vi và không lụy sự việc. Người hạ đức có lao tác và lụy sự việc. Bậc thượng nhân có lao tác nhưng không lụy sự việc. Bậc thượng nghĩa có lao tác nhưng lụy sự việc. Bậc thượng lễ có lao tác; nhưng hễ không được người khác hưởng ứng, thì xắn tay áo lôi kéo người theo. Cho nên mất đạo thì xét đến đức. Mất đức thì xét đến nhân. Mất nhân thì xét đến nghĩa. Mất nghĩa thì xét đến lễ. Mà lễ là lòng trung tín đã đi đến chỗ mỏng manh, và là khởi đầu cho loạn lạc. Không biết mà nói rằng biết, đó là hào nhoáng của đạo và là khởi đầu của ngu si. Cho nên bậc đại trượng phu ở chỗ dày dặn mà tránh chỗ mỏng mảnh, ở chỗ thực mà tránh chỗ hào nhoáng. Đó là bỏ cái kia (hào nhoáng, mỏng mảnh) mà giữ cái này (dày dặn, thực chất).

 

Nếu không khắc chế tâm mà tính cách vẫn cao thượng, không bàn nhân nghĩa mà vẫn có sự tu dưỡng, không có công danh mà thiên hạ vẫn thịnh trị, không ngao du sông hồ mà vẫn nhàn tản, không luyện hô hấp mà vẫn sống lâu, quên hết mà vẫn có đủ, điềm đạm và tĩnh lặng cực độ mà mọi điều tốt đẹp tuân theo mình; người như thế đã đạt được đạo của trời đất và đức của thánh nhân. Cho nên nói: «Điềm đạm, tĩnh lặng, hư vô, vô vi, đều là các đức tính nhằm duy trì sự quân bình của trời đất, mà chúng cũng là tính chất của đạo và đức.» Cho nên nói: «Thánh nhân nghỉ ngơi ắt tâm sẽ bình dị (quân bình dễ chịu). Bình dị ắt sẽ điềm tĩnh. Bình dị và điềm tĩnh ắt sẽ không lo lắng và bệnh hoạn, tà khí sẽ không xâm nhập. Do đó, đức của ngài toàn vẹn và thần của ngài không thương tổn.»

 

Bậc chí tâm theo đạo không vì những nghịch cảnh mà thay đổi chí hướng của mình; người giữ sự thuần chính không vì không được tán thưởng khen ngợi mà cẩu thả tự buông trôi theo thế tục.

 

Biết lúc phải dừng mới không gặp nguy hại.

 

Công trạng đã hoàn thành nhưng không ở lại an hưởng. Vì không ở lại an hưởng nên không bị vong thân.

 

Giữ và đổ đầy mãi, không bằng dừng lại. Mài cho nhọn sắc, không giữ được lâu. Vàng ngọc đầy nhà, chẳng thể giữ được. Giàu sang mà kiêu căng, sẽ tự chuốc họa. Công đã thành, danh đã toại, thì hãy rút lui; đó là đạo Trời.

 

Biển Đông có loài chim tên là ý đãi. Loài chim này bay chậm và thấp, tựa như bay dở. Khi bay thì theo bầy để tiếp kéo nhau. Khi đậu thì đâu sát bên nhau. Khi tiến tới nó không dám xông ra trước; khi thoái lui nó không dám lùi ra sau. Khi ăn thì không dám ăn trước con khác, chỉ ăn đồ thừa của chúng. Cho nên trong bầy đoàn nó không bị xua đuổi, và cuối cùng người ngoài cũng không hại được nó, do đó mà tránh được tai họa.

 

Công khai làm ác sẽ bị người đời trừng phạt; lén lút làm ác sẽ bị quỷ thần trừng phạt. Ai hiểu sự liên quan giữa mình với cả con người lẫn quỷ thần thì dù ở một mình cũng không làm điều ác.

 

Tranh chấp là nghịch với đức. Người trí thì lấy điềm đạm và hoà ái mà tu dưỡng nhau; tình lý của họ phát xuất từ thiên tính, việc gì mà phải tranh chấp? Phóng túng đức mà tranh danh thì kẻ khác cũng lấy danh mà thắng ta; dùng trí mà tranh chấp thì kẻ khác cũng lấy trí để tranh với ta. Chỉ có người tài cán toàn diện và không phóng túng đức mới yên tâm trong cõi thái hòa của đức, xem vạn vật như một, không quan tâm sự mất mát của chúng, như thế sẽ không khổ lụy vì tranh danh. Tài cán toàn diện là gì? Tức là không làm rối loạn sự an tĩnh nội tâm và cùng thư thái với vạn vật. Không phóng túng đức là gì? Tức là đừng đánh mất chân tính và hãy giữ cho đức vẫn nguyên vẹn như ban sơ. Tự mình ở vị thế không tranh chấp, không hề đứng trên trước ai, mà tuỳ theo họ. Đối với sự bình hoà của người khác nếu thấy xúc động thì cũng không nói ra. Người như thế nhất định là tài cán toàn diện và không phúng túng đức.

 

Người nhân ái sẽ không có đối thủ, tuy không tranh với ai mà không ai có cách nào thắng được.

 

Do cầu danh mà người ta chèn ép nhau; mưu trí trở thành vũ khí để tương tranh; danh và mưu trí đều là khí cụ không tốt vì làm hại phẩm hạnh.

 

Tham ái càng tràn đầy, yêu ghét càng gia tăng, thì tính mệnh sẽ lâm nguy.

Âu lo nhiều làm hại trí, sợ hãi nhiều làm hại dũng khí.

 

Căn bản của Đạo là ở việc hạn chế Tham vọng

 

Mưu cầu cho mình vì tư lợi; nhưng dưỡng tâm thì không gì tốt bằng bớt dục vọng. Giảm suy tư và bớt dục vọng tức là xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, là phân biệt được chỗ quay về của thật với giả; đức sẽ toàn vẹn và phục hồi. Che đậy bản ngã tức là đánh mất sự đại đồng, tức là mưu cầu cho mình vì tư lợi. Bị cái lợi và dục vọng lôi kéo thì làm rối loạn sự thanh tĩnh, nên dưỡng tâm không gì tốt bằng bớt dục vọng. Hễ tư lợi thì ham muốn, đều là hướng ra ngoại giới chứ không phải là nhìn vào bên trong; đều là cái giả dối và bẩn đục của con người chứ không phải là sự chân thật của thiên tính. Chỉ có thiểu tư quả dục mới xác định sự phân cách giữa nội tâm với ngoại giới, và biết nặng với nhẹ; chỉ có phân biệt được chỗ quay về của thật với giả, và hiểu rõ gốc với ngọn. Không dời chuyển đức của mình thì đức toàn vẹn; không sử dụng quá mức thiên tính của mình thì thiên tính phục hồi.

 

Mọi người chỉ thấy vật chất chứ không thấy đạo, nên cái thấy đó có dục vọng; thánh nhân chỉ thấy đạo chứ không thấy vật chất, nên cái thấy đó vô dục. Cái thấy mà vô dục thì tri kiến vượt trội cái được thấy, do đó linh đài (tâm linh) được gìn giữ và các sự nhiễu loạn bị tiêu trừ. Cái thấy mà có dục vọng thì cái được thấy vượt trội tri kiến, nên người ta chỉ truy đuổi ngoại vật mà quên mất đường trở về, đánh mất cái chân thực mà ham mê cái giả dối. Mắt người vụ sắc đẹp, tai người vụ âm thanh, miệng người vụ vị ngon, mũi người vụ mùi thơm, đó là ham muốn. Người tầm thường và mê lầm thì không biết rằng 5 sắc loạn mắt, 5 thanh loạn tai, 5 vị làm dơ miệng, 5 mùi làm ngạt mũi; nên họ bất chấp tính mệnh mà trành giành các thứ đó, lừa dối nhau, không chỗ nào không tới. Kẻ lụy vì lợi dày sẽ đem thân chết vì lợi; kẻ lụy vì danh cao sẽ đem thân chết vì danh; giống như Bá Di và Đạo Chích – người chết vì danh, kẻ chết vì lợi – tức đều là vì danh và lợi mà nảy sinh dục vọng. Danh lợi như cái nóng sinh ra lửa, được chúng thì vui; danh lợi như cái lạnh làm đóng băng, mất chúng thì lo buồn; họ không thể làm chủ được tâm, đến nỗi rối tâm loạn trí, kiêu căng phóng túng, không kiềm chế được; giống như lấy viên ngọc châu cực quý làm đạn bắn con chim sẻ bay cao mấy ngàn thước. Đó chẳng phải là sai lầm sao! Thánh nhân thì khác. Ngài không vụ lợi, không tránh hại, biết lợi và hại cùng nguồn gốc; không lấy sự thông đạt làm vinh, không lấy sự khốn cùng làm nhục, xem khốn cùng và thông đạt như nhau. Ngài không khởi tâm vì dục vọng và tư lự, một tí xíu cũng không bị rối loạn; nội tâm luôn thanh tĩnh sáng láng, không dao động vì ngoại vật; cảm ứng mà thông đạt. Tâm ngài an định và đáp ứng được, tĩnh mà không có chỗ trở ngại, không kết dính vào tĩnh; động mà không có chỗ truy đuổi, không trôi theo động. Vạn vật trước mắt thánh nhân dù biến hoá muôn phương cũng không thể xâm nhập vào nội tâm (linh đài) của ngài, như vậy chẳng có gì nhiễu loạn ngài được.

 

Cái từ trong tâm manh động phát ra thì gọi là tạo nghiệp, cái chi phối sự tạo nghiệp gọi là thiện ác. Cho nên phóng túng dục vọng là ác, đình chỉ tham lam là thiện. Điều thiện là ích lợi cứu giúp người đời và siêu thoát thế tục. Điều ác là tạo tác bại hoại đức hạnh và tiêm nhiễm cái xấu. Cho nên thánh nhân hiểu rõ một thứ tuy vô hình nhưng công dụng rất lớn, đó là tâm; và cũng hiểu rõ một thứ hữu hình nhưng không tự vận động được, đó là thân. Tất nhiên nếu tâm không gởi vào thân thì không thể hiện mọi công dụng; và thân nếu không nương nhờ tâm thì sẽ diệt vong, không khởi động được. Cho nên tâm và thân tuy thể khác nhau nhưng lý thì phù hợp, có thể tận dụng mọi điều tốt để hướng đến một mục tiêu. Do đó ngoài và trong hỗ tương tác dụng, động và tĩnh cùng phối hợp nhau. Thân không thể độc lập tồn tại, mà nó do tâm sai khiến. Tâm không an tĩnh là do dục vọng gây ra. Sức chịu đựng của thân thì vô hạn mà hành vi tạo tác thì không ngưng. Cho nên tâm là căn bản của phàm và thánh. Thân là chỗ hội tụ của khổ và sướng. Thánh nhân hiểu hoạ hoạn do tâm mà phát sinh, lỗi lầm là do bản thân tạo tác. Do đó thanh trừng tâm thì trừ được họa hoạn; làm thuần khiết ý chí thì hết lỗi lầm. Bọn người tầm thường thì không thế; họ phóng túng tình dục, không biết dục vọng phát sinh do tâm; họ kiêu căng ngạo mạn, không biết sự ngạo mạn là do bản thân tạo tác.

 

Khen ngợi phát sinh thì phỉ báng nối tiếp theo sau. điều thiện xuất hiện thì oán hận nối tiếp theo sau.

 

Người thế tục đều thích kẻ đồng ý với mình mà ghét kẻ khác ý với mình. Việc thích và ghét này là do lòng họ muốn vượt trội hơn kẻ khác. Nhưng kẻ có tâm địa như vậy đã từng vượt trội được người khác hay sao?

 

Kẻ trí sĩ nếu không thấy các thay đổi của sự tư lự của mình thì không vui; kẻ biện sĩ nếu lời đàm thuyết của mình không sắp xếp có lớp lang thì không vui; kẻ giám sát nếu không bới ra vụ việc gì để thị uy khiển trách thì không vui: Bọn họ đều bị ngoại vật vây khổn. Kẻ muốn đời chú ý thì tự làm nổi bật ở triều đình; kẻ muốn dân trọng thì xem quan tước là vinh hiển; kẻ đại lực sĩ khoe khoang mình làm được việc khó; kẻ dũng cảm phấn đấu trong hoạn nạn; kẻ mang binh giáp thích chiến đấu; kẻ sức tàn gối mỏi bấu víu vào cái danh tiếng đã từng có; kẻ giỏi luật pháp mong quảng bá pháp trị; kẻ chuyên lễ nhạc chú trọng đức hạnh; kẻ nhân nếu không có việc đồng áng [trừ cỏ dại] thì không xứng hợp với công việc; thương nhân nếu không có việc chợ búa thì không xứng hợp với công việc; thường dân nếu có công việc hôm sớm thì mới động viên nhau siêng năng; thợ thuyền nếu sử dụng thành thạo đồ nghề thì cảm thấy mạnh mẽ. Tiền tài không gia tăng, kẻ tham ắt buồn; quyền thế không tăng, kẻ bon chen sẽ rầu. Gặp thời thì có chỗ dùng, không thể vô vi được. Họ đều thuận theo cách riêng của mình như các mùa trong năm, và không thay đổi như sự vật. Họ rong ruổi xác thân và bản tính, chìm đắm dưới sức ép của sự vật, suốt đời không thể phục hồi chân ngã. Như thế chẳng đáng buồn sao?

 

Danh với thân, cái nào quý hơn? Thân với của, cái nào trọng hơn? Được với mất, cái nào khổ hơn? Cho nên, yêu lắm ắt hao phí nhiều. Chứa lắm ắt mất nhiều. Biết đủ sẽ không nhục. Biết dừng sẽ không nguy. Có thể trường cửu.

 

Có vua nọ mời Trang Chu [ra làm quan], Trang Chu trả lời sứ giả: «Ông có từng thấy con bò để tế không? Người ta mặc vải thêu hoa cho nó, cho nó ăn cỏ và đậu lớn. Rồi ngày kia nó bị dắt đến nhà Thái Miếu [để cúng tế]. Bấy giờ dù nó có muốn trở lại làm con bê cô đơn, liệu có thể được chăng?»

 

Tri Hoà nói: «Quân bình là phúc, có dư là họa, vật nào cũng thế, nhất là đối với tài sản. Ngày nay lỗ tai bọn nhà giàu ù tiếng đàn sáo chuông trống, miệng sặc mùi vị thịt thà  và rượu ngọt nồng; chúng làm hại ý chí, khiến công việc bỏ bê. Đó gọi là loạn! Ăn nhiều nghẹn họng, đầy hơi, đi đứng vất vả như vác nặng mà leo dốc núi. Đó gọi là khổ! Tham tiền tài tới mức lâm bệnh; tham quyền tới mức hao kiệt tinh thần; ở yên thì chìm đắm; thân thể béo ú phải vịn nương. Đó gọi là bệnh! Muốn làm giàu thì phải kiếm lợi, nên có đầy đủ mà bít tai [không nghe lời đàm tiếu] và không biết tránh né; cứ bám vào đó mà không buông xả. Đó gọi là nhục! Tiền tài tích chứa cho đầy mà không dùng hết, canh cánh trong lòng không buông xả; lòng đầy phiền não; mong ích lợi mãi không thôi. Đó gọi là ưu phiền! Lại lo trong nhà có trộm đạo và bọn cướp bên ngoài đánh vào; nên trong nhà thì làm cửa nẻo có lưới bao bọc; còn ra ngoài thì không dám đi một mình. Đó gọi là sợ hãi! Sáu điều đó [loạn, khổ, bệnh, nhục, ưu phiền, sợ hãi] là hết sức nguy hại trong thiên hạ, nhưng họ đều quên mà không biết xem xét; cho đến lúc hoạn nạn lại mong đánh đổi hết tất cả để mong một ngày yên ổn cũng không được. Cho nên xét về danh thì không thấy, xét về lợi thì không được. Tâm thần mê loạn, gắng sức để tranh giành đến nỗi như vậy, chẳng phải là lầm lẫn hay sao?»

 

Ngày nay gọi là ‘đắc chí’ chính là việc có chức tước và bổng lộc. Nhưng chức tước và bổng lộc thuộc về thân xác; chẳng liên quan gì đến tính mệnh ta. Ngoại vật ngẫu nhiên đến, chỉ là tạm thời; vì tạm thời nên khi chúng đến ta không chế ngự chúng được và khi chúng đi ta không ngăn chận chúng được. Do đó, chúng ta không nên vì chức tước bổng lộc mà khoái chí, cũng đừng vì cùng khốn mà buông theo thói đời.

 

Không có họa nào lớn bằng không biết đủ. Không có rủi nào lớn bằng tham cầu. Cho nên hễ biết đủ thì người ta sẽ luôn đầy đủ vậy.

Danh tiếng là cái túi chôn ta; vô danh là chỗ nuôi ta; tài hoá là cái hại thân ta; không có tài hoá là cái phúc để nuôi thân ta.

 

Bước đầu học đạo, cần phải ngồi yên, thu tâm, lìa ngoại cảnh, trụ vào chỗ không có, tâm không nghĩ đến một vật gì, như vậy tự nhiên sẽ nhập cõi hư vô, tâm sẽ hợp đạo. [...] Những toan tính và tạp niệm là do vọng tâm sinh ra. Nếu thân như cây khô, lòng như tro lạnh, thì muôn bệnh ắt sẽ hết sạch.

 

Người tu đạo để thành chân nhân, trước hết phải dứt bỏ các hành vi tà vạy, việc đời chớ bận lòng, phải ngồi ngay ngắn, quán xét nội tâm, hễ một ý niệm nào phát khởi thì diệt nó ngay.

 

Trong thời kỳ tĩnh tọa cầu chân, mọi điều kỳ diệu sẽ cảm ứng mà hội tụ; ta nội quán hình ảnh chư thần trong thân thể thì khí của các thần sẽ trường tồn; hình thể ta sẽ dung hợp đạo đức, như vậy mọi thần linh sẽ quy phục ta; ta sẽ không bị tai hoạ nơi cõi âm ti, mà hưởng phúc lạc nơi nơi.

 

 

 

Cuộc đời hợp rồi tan, tất cả lại vô thường

Hãy giữ cho linh hồn ta dịu dàng và thanh thản

Ta mượn thân cư ngụ nơi trần thế

Thể xác ta là bức tượng

Cho người đời khen chê.

 

Sợ, buồn trong Vinh Nhục làm cho ta đau khổ

Bởi vì ta có cái Thân

Quên cái thân, ta mừng thấy Đạo trong trời đất.

 

Tham Ái là đau khổ

Biết đủ sẽ không nhục. Biết dừng sẽ không nguy.

Tiền tài không gia tăng, kẻ tham ắt buồn;

Quyền thế không tăng, kẻ bon chen sẽ rầu

Rong ruổi trí óc, xác thân

Ta chìm đắm trong biển Tham lam tạo Nghiệp.

 

Người đời chen đua danh lợi

Và người đời thế gian đau khổ

Ẩn sĩ lánh đời cho an nhân.

 

Thịnh thì người khen

Suy thì người chê

Tiếng thị phi của người đời thế gian là vậy đó.

 

Ta sống thanh nhàn. Dưỡng tâm thanh thản

Hành Đạo vô vi trong trần thế.

Làm những bài thơ giữa trời đất non sông

Vẫn sống và vẫn đi vui cảnh sơn thủy hữu tình.

 

Cuộc đời hợp rồi tan, tất cả lại vô thường

Giữ gìn Đạo Trời cho trọn kiếp nhân sinh.

 

 

 

 

 

( <<<< ĐẠO >>>>)